Thứ 2, ngày 19 tháng 4 năm 2021
Khủng bố ở Paris: Tình báo Pháp đã thất bại
TT - Tình báo Pháp đang đối mặt với hàng loạt chỉ trích vì không thể ngăn chặn một kế hoạch khủng bố lớn như vậy ngay tại trung tâm thủ đô Paris.
![]() |
Cảnh sát Pháp kiểm tra dòng xe ở biên giới Pháp - Đức tại Strasbourg ngày 16-11. Các biện pháp an ninh đã được tăng cường nghiêm ngặt hơn trước - Ảnh: Reuters |
Các nhà phân tích chỉ ra vụ khủng bố lần này diễn ra chỉ 10 tháng sau sự kiện tòa báo Charlie Hebdo bị tấn công tại trung tâm Paris.
Phe chỉ trích cho rằng với mức độ cảnh giác cao được thiết lập sau sự vụ như vậy, việc để nhóm khủng bố lên kế hoạch và phối hợp gây ra vụ thảm sát đẫm máu nhất tại châu Âu trong nhiều năm qua chỉ có thể gọi bằng từ “thất bại”!
“Chúng tôi đã biết trước nhiều tháng, nhất là sau vụ Charlie Hebdo, rằng câu hỏi chỉ là khi nào một vụ khủng bố khác sẽ xảy ra” - nhà nghiên cứu Ariane Chebel d’Appollonia, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị Paris, cho biết.
Chúng ta bây giờ đã ở giữa tâm bão. Điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa đến |
Marc Trevidic (cựu thẩm phán chống khủng bố của Pháp) từng cảnh báo trước vụ 13-11 |
Ba sai lầm tình báo
Tin tức về việc một quyển hộ chiếu Syria tìm thấy gần thi thể một trong những kẻ khủng bố bên ngoài SVĐ Stade de France là một điều đáng lo.
Theo bà Ariane, nếu tên khủng bố đúng là chủ nhân quyển hộ chiếu và đã đi vào châu Âu qua cửa ngõ Hi Lạp hồi tháng 10, điều đó bộc lộ những điểm yếu của khu vực tự do đi lại Schengen và thực trạng thiếu hợp tác giữa các cơ quan tình báo trong khối.
Theo tờ Daily Mail, có ít nhất ba sai lầm trong công tác an ninh - tình báo dẫn đến thảm kịch ngày 13-11:
(1) cách đây hơn một tuần, cảnh sát Đức bắt một đối tượng chở nhiều vũ khí trên đường đến Paris nhưng không báo cáo cho bộ phận chống khủng bố;
(2) ít nhất một kẻ khủng bố là cư dân Paris đã nằm trong danh sách theo dõi ít nhất năm năm nhưng cuối cùng vẫn lọt lưới;
(3) giới chức Hi Lạp tin rằng hai tên khủng bố đã đi vào châu Âu với danh nghĩa người tị nạn từ Syria - điều cho thấy kiểm soát an ninh của châu Âu vẫn còn lỏng lẻo.
Bên cạnh đó, việc an ninh Pháp từng phát hiện một âm mưu tấn công nhà hát càng khiến dư luận khó hiểu tại sao họ không ngăn được vụ tấn công nhà hát Bataclan.
Tạp chí L’Express đưa tin một gã đàn ông từng bị bắt vì âm mưu tấn công một khu giải trí ở Paris hồi tháng 8. Hắn từng đi tham chiến ở Syria nhưng chỉ được sáu ngày rồi phải quay về do bị thương ở chân.
Cảnh sát khi đó tiết lộ một tên chỉ huy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã ra lệnh cho hắn thực hiện các cuộc tấn công tại châu Âu, không chỉ riêng Pháp, và chỉ ra các nhà hát đông người là mục tiêu tiềm năng.
Sau khi những thông tin này được công bố, người phát ngôn Đảng Xã hội cầm quyền Pháp Corinne Narassiguin thừa nhận: “Hiển nhiên đây là một thất bại của ngành tình báo”.
Khủng bố luôn đi trước
Theo báo Guardian, những tháng qua tình báo Pháp đã ngăn chặn được ít nhất sáu âm mưu khủng bố, nhưng giới chức ngày càng lo lắng vì cường độ tăng nhanh của hoạt động khủng bố và việc nhiều công dân Pháp dính líu đến các hoạt động bạo lực trong và ngoài nước.
Từ sau sự kiện Charlie Hebdo hồi tháng 1-2015, các đơn vị chống khủng bố Pháp đã được tái cơ cấu, hợp nhất lại dưới quyền của bộ trưởng Nội vụ. Họ cũng được trao thêm nhiều quyền theo dõi và nhiều điều kiện tài chính.
Nhưng mọi thứ vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả. Khoảng 2.000 vị trí mới cho ngành tình báo Pháp đang trong quá trình tuyển dụng, nhưng vẫn không đủ để theo dõi hơn 11.000 cái tên trong danh sách tình nghi được xếp hạng có tư tưởng cực đoan và có nguy cơ gây nguy hại.
Chuyên gia Ariane nhận xét ngành tình báo Pháp đang quá tải chỉ với mỗi việc giám sát những kẻ đầu quân cho các nhóm thánh chiến Hồi giáo chứ chưa kể đến những việc khác.
Dữ liệu của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu cực đoan và bạo lực chính trị cho thấy Pháp có số người đang chiến đấu ở Syria và Iraq nhiều hơn bất cứ nước châu Âu nào. Có 1.200 - 1.450 người Pháp, chiếm 1/3 số người nước ngoài, đang chiến đấu tại khu vực Trung Đông và chừng 200 người đã hồi hương.
Vì thế giờ đây đã có những ý kiến cho rằng nên sử dụng lực lượng công ty an ninh tư nhân, cho phép họ trang bị vũ khí cho nhân viên và thậm chí trong một số trường hợp có thể thuê các công ty này làm những việc của ngành an ninh nhà nước.
Hơn một thập kỷ sau vụ khủng bố 11-9 chấn động tại Mỹ, ở Pháp không xảy ra những vụ tấn công nhờ vào tính hiệu quả và quyền lực đầy mình của cơ quan tình báo so với các nước châu Âu khác.
Việc lãnh đạo Pháp giữ khoảng cách đối với các cuộc chiến khủng bố do Mỹ dẫn đầu cũng góp phần giữ an toàn cho nước này. Tuy nhiên, giờ đây những lợi thế này đã biến mất.
-
TTO - Cảnh hành khách rồng rắn chen chúc, nhiều lúc chỉ nhích từng chút ở khâu soi chiếu an ninh cảng HKQT Tân Sơn Nhất kéo dài chưa được giải quyết khiến nhiều doanh nghiệp hàng không - lữ hành, người dân "kêu trời".
-
TTO - Nhiều chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng nếu có một thứ khiến cạnh tranh quyền lực toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc biến thành xung đột quân sự, đó phải là Đài Loan.
-
TTO - Khoảng 200 cảnh sát của trại giam Hồng Ca (Yên Bái), công an tỉnh, huyện, xã cùng lực lượng quân sự đang vây bắt một phạm nhân vượt ngục trên địa bàn.
-
TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định trong giai đoạn năm 2020 không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ là một nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ ngành.
-
TTO - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết siêu bão Surigae đang đi dọc Philippines và có xu hướng đi ngược trở ra Thái Bình Dương trong những ngày tới và giảm dần cấp.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận