20/09/2013 07:56 GMT+7

"Khúc xương" Zamboanga

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Thỏa thuận hòa bình cho miền nam Philippines chưa tròn năm đã chết yểu với cuộc khủng hoảng con tin của phiến quân ly khai và buộc Tổng thống Benigno Aquino đích thân đến vùng chiến chỉ đạo trấn áp bạo lực.

Philippines đẩy quân ly khai khỏi Zamboanga

9epVtDFc.jpgPhóng to
Khói lửa mù mịt khu vực ven thành phố Zamboanga ngày 19-9 - Ảnh: Reuters

Đến ngày 19-9, lực lượng an ninh của Chính phủ Philippines đã kiểm soát phần lớn thành phố Zamboanga. Người phát ngôn lực lượng vũ trang, ông Ramon Zagala, cảnh báo các phiến quân hoặc chấp nhận đầu hàng hoặc sẽ nhận hậu quả nặng nề. Còn hơn 100 phiến quân vẫn đang chiến đấu nhưng quân đội khẳng định sẽ không để thoát tay súng nào. Tất cả đường rút ra biển của các thành viên Mặt trận giải phóng dân tộc Moro (MNLF) đã bị phong tỏa.

Cùng ngày, chuyến bay của Cebu Pacific chở 18 hành khách đã đáp xuống sân bay Zamboanga. Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên hạ cánh trong hơn 11 ngày qua. Hãng PAL Express cũng nối lại lịch bay tới Zamboanga. Cơ quan quản lý hàng không dân sự Philippines cho biết tình hình an ninh tại khu vực sân bay đã tốt hơn.

Tổng thống giữa mặt trận

Ngày 18-9, chính quyền Manila xác nhận Tổng thống Aquino từ một căn cứ bí mật tại Zamboanga đang trực tiếp chỉ huy các chiến dịch trấn áp lực lượng trung thành với thủ lĩnh Nur Misuari của MNLF và giải cứu con tin. Ông Aquino đã gây bất ngờ khi quyết định đến đây từ thứ sáu tuần trước, sau khi hàng trăm phiến quân đổ bộ từ Sulu và Basilan để cắm cờ độc lập trước tòa thị chính thành phố.

“Tổng thống là tổng chỉ huy, ông ấy giữ một vai trò rất lớn” - người phát ngôn tổng thống nói và cho biết ông Aquino bị tách biệt khỏi tin tức trên báo chí và khó điều hành chính phủ từ xa. Đây là một trong những lần ông Aquino phải rời dinh tổng thống lâu nhất, ngoại trừ chuyến công du nước ngoài sau khi nhậm chức.

Hơn 100 con tin đã được giải cứu, bao gồm cảnh sát trưởng thành phố là Jose Chiquito Malayo. Theo báo Inquirer Daily, ông Malayo đi vào khu căn cứ của MNLF để thương lượng với nhóm phiến quân nhưng rốt cục bị bắt làm “tù binh chiến tranh”. Ông Malayo sau đó thuyết phục được một nhóm phiến quân đầu hàng và trở về an toàn.

Vẫn còn hàng trăm người bị MNLF dùng làm lá chắn trong giao chiến. Một đợt giao tranh mới nổ ra ác liệt chiều 18-9 ở Mampang khiến hàng trăm người vừa đi sơ tán trở về hôm trước lại vội vã rời bỏ nhà cửa để lánh nạn. Tuy nhiên, người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines trấn an rằng chính quyền đang dần nắm kiểm soát, dù cho biết sẽ không mở cuộc tấn công tổng lực vì lo ngại an toàn của người dân. Chính phủ cũng khẳng định có đủ nguồn lực để khôi phục trật tự ở Zamboanga, đủ gạo dự trữ cho thành phố trong 41 ngày và đủ tài chính để lo cho gần 100.000 người phải đi sơ tán.

vH5ibnAv.jpgPhóng to
Người dân sơ tán vì tình trạng bạo lực ở Zamboanga, nhận cơm tại trung tâm tị nạn ngày 19-9 - Ảnh: Reuters

Vấn đề nan giải

Tháng 8-2011, tổng thống Philippines vội vã rời Nhật Bản để về nước gặp lãnh đạo nhóm ly khai lớn nhất nước MNLF. Khởi đầu này dẫn đến một thỏa thuận khung cho hòa bình quan trọng vào tháng 10-2012. Nhưng chưa đầy một năm sau đó, với việc hơn 200 phiến quân đổ bộ vào Zamboanga đòi độc lập, vấn đề hòa bình cho phần phía nam đảo Mindanao có vẻ trở lại vạch xuất phát như cách đây hàng chục năm.

Thật ra trước đó, từ ngày 1-6 đến 15-8, các phiến quân Hồi giáo đã thực hiện hơn 61 vụ tấn công nhỏ lẻ khắp phía nam Mindanao, theo báo New York Times. Trong thời gian này, thủ lĩnh Misuari tuyên bố rút khỏi hợp tác với chính phủ vì không được tham gia các tiến trình hòa bình. Vào tháng 2-2013, 100 phiến quân vũ trang từng đi thuyền ập vào bang Sabah của Malaysia để đòi lại sở hữu vùng đất này cho hậu duệ của vương triều Sulu vốn cai trị vào những năm 1800. Vụ việc cũng gây sứt mẻ quan hệ ngoại giao với Kuala Lumpur.

Nguồn gốc của xung đột bắt nguồn từ quan niệm của các lực lượng Hồi giáo ở phía nam rằng miền bắc đàn áp và bóc lột các tài nguyên của họ. Kể từ khi độc lập năm 1946, hòa bình cho Mindanao luôn là vấn đề gây đau đầu cho tất cả các chính phủ cầm quyền. Việc đàm phán vô cùng phức tạp vì chủ nghĩa bè phái của các nhóm phiến quân, chính trị tham gia. Chính quyền do đó phải thương lượng với một mạng lưới các nhóm thường xuyên thay đổi đồng minh.

Viễn cảnh về một thỏa thuận hòa bình giờ đây trở nên mù mịt vì nhóm phiến quân tấn công Zamboanga đã tuyên bố mục tiêu của họ là phá vỡ thỏa thuận năm 2012. Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm Đánh giá và chiến lược Thái Bình Dương tại Philippines Richard C. Jacobson nhận định rằng đợt bạo lực này sẽ không làm trật ray chuyến tàu hòa bình, mà chỉ gây khó khăn cho phần chia sẻ quyền lực tại nam Mindanao.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên