28/03/2021 06:06 GMT+7

Khu nghỉ dưỡng 4.300 tỉ 'nghỉ' 4 năm: Dân khổ đủ đường

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC từng được kỳ vọng là một dự án động lực ở vùng đông Quảng Nam, sau 4 năm, dự án này vẫn 'giậm chân tại chỗ' trong khi người dân khổ đủ đường.

Khu nghỉ dưỡng 4.300 tỉ nghỉ 4 năm: Dân khổ đủ đường - Ảnh 1.

Nhà dân thôn Tân An, xã Bình Minh đã cũ, xuống cấp nằm trong vùng dự án không thể xây mới - Ảnh: LÊ TRUNG

Việc bị "treo" lâu nay khiến người dân vùng ảnh hưởng của dự án lao đao khổ sở. Nghe nói tỉnh sẽ dừng dự án này, người dân chưa trọn niềm vui.

Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi

Đây là dự án thương mại dịch vụ kề biển do Công ty cổ phần Quốc tế Nam Hội An làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Nam cấp quyết định chủ trương vào tháng 3-2017 với diện tích khoảng 199ha tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tổng vốn đăng ký hơn 4.300 tỉ đồng, bên cạnh khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An.

Sau khi có chủ trương đầu tư, công ty phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai và huyện Thăng Bình công bố quy hoạch chi tiết bàn giao mốc ranh giới, lắp đặt biển báo ở xã Bình Minh. 

Sau gần 4 năm, dự án vẫn "giậm chân tại chỗ", đã chậm tiến độ hơn 36 tháng nhưng nhà đầu tư không thực hiện thủ tục giãn tiến độ và vẫn chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Và người dân vô cùng bức xúc với dự án "treo" này. 

Có khoảng 60 hộ dân có đất ở đây đi không được, ở không yên khi đất dính dự án, dự tính gì cũng không thể làm được. 

Ông Trần Công Tâm (tổ 10, thôn Tân An, xã Bình Minh) kể nhiều năm trước, khi nghe tin dự án lớn sẽ thực hiện người dân ở đây cũng phấn khởi, sẵn sàng nhường đất đai, nhà cửa để thực hiện dự án. Gia đình ông có 700m2 đất thuộc diện giải tỏa để thực hiện dự án này, được cán bộ đến kiểm kê, đo đạc. Nhưng từ đó đến nay, dự án chưa đả động gì đến giải tỏa, bồi thường.

"Do nằm trong vùng dự án, đất vườn, trồng cây lâu năm của gia đình muốn chuyển sang đất ở để sang lại cho con cái làm nhà cũng không được, chính quyền nói đất thuộc dự án nên không chuyển được. Rồi nhà hư hỏng muốn sửa chữa, xây mới cũng khó khăn. Phải chi dự án thực hiện thì được, đằng này cứ mãi 'treo' vậy, chúng tôi mệt mỏi lắm" - ông Tâm nói.

Ông Trần Công Hường, một người dân, cho biết có nhiều khu nghĩa địa và 3.000 mồ mả nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án. Mấy năm qua, những người có thân nhân nằm ở đây cũng lo lắng không yên. Trong khi người địa phương này có người mất phải đi chôn cất ở nơi khác.

Dừng dự án, rồi sao nữa?

Theo tìm hiểu từ cơ quan chức năng, dự án này chậm tiến độ bởi khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong phần đất làm dự án có hàng chục hecta đất được quy hoạch rừng phòng hộ. Dự án gặp vướng mắc khi triển khai thu hồi đất.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã chủ trì họp rà soát tình hình thực hiện một số dự án lớn vùng đông nam. 

Ông giao Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì, phối hợp với huyện Thăng Bình và các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư của dự án này và giải quyết các phát sinh sau khi chấm dứt. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án này.

Ông Thanh lưu ý rà soát lại hiện trạng sử dụng đất để điều chỉnh quy mô, ranh giới, loại bỏ phần diện tích có dân cư sinh sống đông đúc ra khỏi ranh giới dự án để thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của dân.

Ông Nguyễn Tấn Văn, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam, cho biết thực hiện chỉ đạo của chủ tịch tỉnh, hiện sở đang tập trung xử lý, thực hiện thủ tục chấm dứt dự án trên.

Chúng tôi mong được "xóa treo"

Bà Nguyễn Thị Hoa - chủ tịch UBND xã Bình Minh - kể khi nghe dự án được đầu tư, chính quyền rất hoan nghênh, dân đồng tình hưởng ứng nhưng dự án vẫn chưa triển khai thực hiện.

"Các dự án nào về địa phương cũng là sự thay da đổi thịt, chúng tôi cũng mong muốn dự án khi đã được phê duyệt đầu tư thì phải triển khai sớm, đưa vào hoạt động chứ không thể cầm chừng, treo mãi vậy ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tình hình chung của xã" - bà Hoa nói.

Với tâm tư người trong cuộc, ông Trần Công Tâm (thôn Tân An, xã Bình Minh) nói: "Mấy năm nay khổ sở rồi, mới đây khi nghe tỉnh có chủ trương thu hồi dự án, người dân vui mừng lắm. Thực sự chúng tôi không muốn một dự án nào thực hiện ở đây nữa để dân còn sinh sống, phát triển kinh tế.

Cứ kêu dự án lớn nhưng kéo dài mãi vậy khổ quá. Giờ chỉ mong chính quyền thông báo 'xóa treo' để chúng tôi có thể định đoạt và xúc tiến những dự tính trên phần đất của mình".

Khánh Hòa chưa thu hồi được dự án treo 1/4 thế kỷ có nhiều vi phạm Khánh Hòa chưa thu hồi được dự án treo 1/4 thế kỷ có nhiều vi phạm

TTO - Dự án suối khoáng nóng Trường Xuân được tỉnh Khánh Hòa giao đất, rừng phòng hộ từ năm 1996 nhưng chủ đầu tư chỉ ôm đất, sang tay cho doanh nghiệp khác. Đến nay, việc xử lý dự án treo 1/4 thế kỷ, có nhiều vi phạm này vẫn còn nhì nhằng, chưa dứt.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên