05/01/2016 11:19 GMT+7

Không xử lý được công trình trên núi Hải Vân vì vùng chồng lấn

PHAN THÀNH (phanthanh@tuoitre.com.vn)
PHAN THÀNH (phanthanh@tuoitre.com.vn)

TT - Mặc dù biết sai phạm, thế nhưng cơ quan chức năng hai địa phương chưa xử lý với lý do “chưa thống nhất địa giới”.

Khu nhà không phép nằm ở bãi biển dưới chân núi Hải Vân của gia đình ông Phạm Văn Tý thuộc khu vực chưa thống nhất địa giới giữa hai địa phương Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng - Ảnh: Phan Thành
Khu nhà không phép nằm ở bãi biển dưới chân núi Hải Vân của gia đình ông Phạm Văn Tý thuộc khu vực chưa thống nhất địa giới giữa hai địa phương Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng - Ảnh: Phan Thành

Ba ngôi nhà gạch cùng nhiều công trình phụ được xây dựng không phép từ nhiều năm nay ở ngay trên núi Hải Vân thuộc địa giới chưa phân định giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. 

Công trình này nằm ở bãi biển dưới chân núi Hải Vân. Cạnh đó là khu vực Cửa Khẻm từng gây nhiều tranh cãi về dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine Huế mà báo chí từng phản ánh, gây xôn xao dư luận và được cơ quan chức năng cho dừng triển khai.

Để đến được nơi đây phải vượt qua đèo Hải Vân, đi thêm 7km hướng ra biển và mất hơn một giờ băng rừng.

Các căn nhà này được xây dựng trên một vùng đất tầm 5.000m2, nằm sát mép biển. Trong đó, gồm ba căn nhà kiên cố lợp tôn hoặc ngói có diện tích 20-40m2, trước khoảng sân có sàn gỗ, điện nước cũng được kéo đầy đủ.

Bên cạnh các căn nhà kiên cố, chủ của công trình này còn đang cho đúc thêm hàng ngàn viên gạch ximăng để chuẩn bị xây thêm một số hạng mục.

Ông Trần Văn Hùng - người đang chăn nuôi gà, vịt tại các căn nhà này - cho biết mình là người làm thuê cho chủ, còn chủ là ông Phạm Văn Tý (ngụ Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Theo ông Hùng, việc xây dựng nhà ở đây bắt đầu từ năm 2006. Chỉ tay ra đống gạch ximăng đang chất đống, ông Hùng nói “để chuẩn bị xây thêm chuồng gà, chuồng heo”.

Chúng tôi tìm gặp ông Phạm Văn Tý, ông thừa nhận rằng đó là công trình của gia đình mình. Mục đích chính chỉ là nơi cất giữ nông cụ, nuôi bò, heo, dê, gà, vịt... và trú ngụ vào những ngày đi biển, mưa bão không vào bờ được.

Theo ông Tý, khu vực trên được cha mẹ ông khai hoang từ sau năm 1975 và có giấy xác nhận khai hoang của địa phương. Tuy nhiên, ông không cho coi các giấy tờ này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Việt, chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu), xác nhận sau năm 1975, nhiều người dân trên địa bàn quận, trong đó có ông Tý, ra khu vực đó để khai hoang, nuôi bò, dê...

Đến năm 2013, khi phát hiện gia đình ông Tý xây dựng nhà kiên cố không phép, UBND thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã vào làm việc với UBND P.Hòa Hiệp Bắc. Do đây là đất chưa thống nhất địa giới giữa hai địa phương nên không bên nào giải quyết được.

Sau đó, hai địa phương mời ông Tý lên cam kết và lập biên bản, giữ nguyên hiện trạng. “Khu vực này vẫn chờ Chính phủ phân định ranh giới giữa hai địa phương. Khi nào phân định rõ địa giới thuộc địa phương nào thì mới xử lý được” - ông Việt nói.

Cơ quan chức năng... vô can

Theo ông Trần Văn Giảng - chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, khi phát hiện công trình xây dựng trái phép khu vực mũi Cửa Khẻm núi Hải Vân, chính quyền thị trấn Lăng Cô muốn xử lý tháo dỡ ngay nhưng vướng vì ở khu vực đất giáp ranh, chồng lấn giữa Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng.

Trong khi đó, ông Trần Văn Lộc - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân - cho biết vị trí xây dựng trái phép ở khu vực mũi Cửa Khẻm gần mép bờ biển, nằm ngoài diện tích rừng do ban này quản lý, do đó Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân cũng không có thẩm quyền xử lý.

NGUYÊN LINH

PHAN THÀNH (phanthanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên