07/09/2019 09:12 GMT+7

Không 'vặt' chút nào

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Có hay không 'một bộ phận không nhỏ' cán bộ, công chức coi việc 'nhận quà' là tương đối bình thường. Vì nó 'tương đối phổ biến' nên tổng lượng 'quà' mà các công bộc nhà nước đã nhận không thể thống kê được?

Không vặt chút nào - Ảnh 1.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 cho thấy một vị cán bộ ở tỉnh Trà Vinh đã nộp lại 3 triệu đồng quà tặng.

Không rõ trường hợp này xảy ra trong bối cảnh nào, nhưng con số đó gợi cho người ta nhiều liên tưởng vì được công bố đúng thời điểm bị can Nguyễn Bắc Son (từng giữ chức bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông) khai nhận "quà" hối lộ đến 3 triệu USD trong "thương vụ" AVG.

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong cả năm có 3 người nộp lại quà tặng (ngoài trường hợp nêu trên thì có 2 cán bộ ở Thái Bình nộp lại 100 triệu đồng). Con số này hẳn là vô cùng nhỏ bé nếu so với nhận định của Chính phủ về tình trạng tham nhũng vặt vẫn "tương đối phổ biến".

Điều này cho phép suy luận rằng vẫn có "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, công chức coi việc "nhận quà" là tương đối bình thường. Vì nó "tương đối phổ biến" nên tổng lượng "quà" mà các công bộc nhà nước đã nhận không thể thống kê được.

Những chiếc bao thư dày, mỏng không chỉ tùy thuộc vào tính chất, mức độ của những vụ việc các công bộc "giúp" người dân, doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào khả năng nhũng nhiễu của các công bộc có thói "ăn vặt".

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, vụ án một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng "vòi" tiền ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc được nêu như một ví dụ về tham nhũng vặt. Nhưng ví dụ này cùng được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Thứ trưởng Bộ Công an - thượng tướng Lê Quý Vương bác bỏ.

Bà Nga nói rằng "nhận cả trăm triệu đồng" thì không thể gọi là "tham nhũng vặt" được, trong khi tướng Vương tiết lộ rằng đoàn công tác này có ngày hẹn làm việc với mấy chục đơn vị trong huyện, đến mỗi nơi lại "vặt" mấy chiếc phong bì thì số lượng cũng tương đối.

Trở lại vụ bị can Nguyễn Bắc Son khai nhận 3 triệu USD, một số đại biểu Quốc hội nhận xét rằng lần đầu tiên phát hiện một vụ "khủng" như vậy. Trong khi Thứ trưởng Lê Quý Vương và Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết cơ quan pháp luật đã rất khó khăn để buộc các bị can thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Nói như ông Vương thì việc đưa, nhận hối lộ chỉ có người đưa biết, người nhận biết, trời biết. Điều này lý giải vì sao thời gian qua có nhiều vụ án về kinh tế - chức vụ được điều tra, xử lý nhưng rất ít người phạm tội bị kết án ở nhóm tội về tham nhũng, cho dù không ít vụ án gần đây cho thấy số tiền phạm tội rất "khủng".

Việc đấu tranh để các bị can cỡ như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà… thừa nhận đã nhận hối lộ với số tiền lớn, hay việc khởi tố bổ sung bị can Lê Tấn Hùng tội tham ô tài sản cho thấy đây là bước tiến rất đáng hoan nghênh của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Nhưng với những đánh giá, nhận định, phân tích nêu trên, cuộc chiến chống loại tội phạm này còn hết sức cam go, đòi hỏi cần phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa. Đồng thời cũng cần xem xét lại tính hiệu quả của các giải pháp phòng ngừa đã thực hiện trong thời gian qua.

Chỉ khi nào các giải pháp phòng ngừa đủ hiệu quả để cán bộ, công chức không thể tham nhũng thì công cuộc phòng chống tham nhũng mới thành công.

Chống tham nhũng vặt, người đứng đầu phải có dũng khí Chống tham nhũng vặt, người đứng đầu phải có dũng khí

TTO - Chính phủ đang tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tuổi Trẻ đăng các ý kiến hiến kế cho "cuộc chiến" chống tham nhũng của Chính phủ.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên