Vẽ dự án điện năng lượng mặt trời áp mái trên đất nông nghiệp - Video: TRUNG TÂN
Sáng 4-12, bên lề buổi làm việc giữa Tỉnh ủy Đắk Lắk với tổng Công ty điện lực miền Trung , phóng viên Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thiết Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên - về việc các chủ đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái "vẽ" dự án trên đất nông nghiệp để hưởng ưu đãi.
Nhiều dự án điện năng lượng mặt trời vẽ trên đất nông nghiệp để hưởng ưu đãi về giá bán - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo ông Hùng, điện năng lượng mặt trời nói chung đang được khuyến khích phát triển, trong đó có hai loại là điện đấu lưới và áp mái. Riêng điện năng lượng mặt trời áp mái đã có quyết định số 13 ngày 6-4-2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Ông Hùng cho biết, hiện nay tiềm năng điện năng lượng mặt trời tại Tây Nguyên và nhất là Đắk Lắk đang rất lớn vì có diện tích đất rộng, lại cằn cỗi nên khó phát triển nông nghiệp nên có thể chuyển đổi để phát triển điện năng lượng mặt trời để tận dụng bức xạ nhiệt cao.
Ông Trương Thiết Hùng nói về việc không thể kiểm soát các dự án "bánh vẽ" - Video: TRUNG TÂN
Hiện nay, điện mặt trời đấu lưới phải nằm trong quy hoạch điện quốc gia, phải làm nhiều thủ tục, phải đánh giá tác động môi trường...
Riêng điện năng lượng mặt trời áp mái thì phát triển trên cơ sở tận dụng nguồn tài nguyên hiện có như bức xạ, các mái nhà (nhà xưởng, trang trại…) vì phát triển trên nguồn tài nguyên hiện có nên không có quy hoạch.
Về việc thực tế nhiều doanh nghiệp ‘vẽ’ dự án nông nghiệp nhưng chỉ để bán điện năng lượng mặt trời áp mái với giá ưu đãi, ông Hùng nói rằng "không thể ngăn chặn".
Theo ông Hùng, khi nhà đầu tư đã có mái nhà, muốn đầu tư điện năng lượng mặt trời thì phía công ty không thể làm trái các quy định của Nhà nước.
Nhiều cụm dự án trên 1MWp nhưng chia nhỏ để lách quy hoạch - Ảnh: TRUNG TÂN
"Chúng tôi chấp thuận cho đấu nối sau khi chủ đầu tư đã có mái nhà, vì đó là trách nhiệm của chúng tôi. Điều đó cũng đáp ứng theo đúng quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ", ông Hùng quả quyết.
Liệu tổng công ty có biết việc nhiều chủ đầu tư vẽ dự án nông nghiệp, chia nhỏ công trình để lách quy hoạch?
Ông Hùng cho rằng: "cái này chúng tôi cũng không biết được", và hiện nay điện năng lượng mặt trời áp mái có rất nhiều chủ đầu tư và các thỏa thuận chỉ dựa trên điều kiện họ chỉ cần có mái nhà, có dự án.
Những dự án 'nấm năng lượng' mọc lên như nấm sau mưa - Ảnh: TRUNG TÂN
"Khi thỏa thuận, chúng tôi thỏa thuận dưới 1 MWp. Có nghĩa là, mỗi nhà đầu tư có 1 cái tên riêng thì chúng tôi sẽ thỏa thuận cho đấu nối. Việc chia hay không thì chúng tôi không phải là cơ quan điều tra, nghiên cứu mà biết được, nên cũng khó. Nếu chúng tôi không làm (không cho thỏa thuận đấu nối - PV) thì chúng tôi áp lực từ hai phía (Chính sách khuyến khích và nhà đầu tư – PV)".
Phương án xử lý tấm pin hết đát đã có nhưng… đắt đỏ
Theo báo cáo của Tổng công ty điện lực miền trung, đến 30-11, toàn khu vực có 17.000 khách hàng bán điện với tổng công suất 925 MWp. Riêng tại Đắk Lắk đến nay gần 5.500 công trình tổng công suất hơn 580 MWp (chiếm khoảng ½ toàn vùng).
Hàng ngàn dự án điện năng lượng mặt trời áp mái đã và đang rầm rộ xây dựng ở Tây Nguyên - Ảnh: TÂM AN
Về xử lý tấm pin mặt trời "hết đát", ông Hùng nói đã xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, báo chí. "Hiện nay việc xử lý đối với những tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn thì các nhà sản xuất, lắp đặt đã có phương án, tuy nhiên về chi phí đang rất là cao. Đối với các nhà đầu tư lớn, việc này nó nằm vào quy trình, các nhà đầu tư nhỏ hiện nay đang là vấn đề lớn", ông Hùng thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận