14/03/2020 10:19 GMT+7

Không thể khai thác du lịch tràn lan ở Hòn Bà

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Hòn Bà cách TP Nha Trang chừng hơn 40km, được xem là dải 'núi thiêng' của Khánh Hòa, nơi lưu giữ nhiều ký ức về nhà bác học A. Yersin. Nay Hòn Bà đang được khảo sát làm du lịch.


Không thể khai thác du lịch tràn lan ở Hòn Bà - Ảnh 1.

Ngôi nhà được dựng lại trên đỉnh núi Hòn Bà theo mô hình nhà làm việc (xây tại đây hơn 100 năm trước) của nhà bác học A. Yersin - Ảnh: Hội những người ái mộ Alexandre Yersin tỉnh Khánh Hòa

Nhiều người đặt câu hỏi nên khai thác du lịch tại Hòn Bà ra sao?

Xây "tiểu Đà Lạt" trên đỉnh Hòn Bà

Trao đổi về việc làm du lịch ở khu Hòn Bà, ông Phạm Văn Chi - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết gần 20 năm trước, tỉnh đã có chủ trương khai thác du lịch tại khu này. Theo đó, tỉnh dự tính đầu tư, xây dựng trên đỉnh núi Hòn Bà một khu "tiểu Đà Lạt".

"Và từ năm 2004, con đường lên đỉnh Hòn Bà được tỉnh đầu tư xây dựng thành đường ôtô chạy được từ chân núi lên. Sau khi mở đường, Khánh Hòa được Tổng cục Du lịch đầu tư nguồn vốn để làm con đường du lịch chạy ra Đầm Môn (vịnh Vân Phong). Tỉnh đã dùng tiền tiết kiệm khi làm dự án đường Đầm Môn để tiếp tục đầu tư, xây dựng được đường điện cao thế 22kV lên tận đỉnh núi Hòn Bà" - ông Chi nhắc lại.

Ngoài ra, Khánh Hòa còn cho làm lại một ngôi nhà theo đúng mô hình ngôi nhà xưa của nhà bác học A. Yersin đã xây để ở và nghiên cứu khoa học trên đỉnh núi Hòn Bà. Sau đó dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước lên đỉnh Hòn Bà đã được tỉnh giao cho Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Thế nhưng dự án này đã bị dừng triển khai sau đó. "Từ đó việc khai thác du lịch Hòn Bà cũng bị đứng bánh, vật vờ luôn cho đến nay" - ông Chi nói.

Không làm riêng lẻ từng dự án

Ngày 13-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Trần Việt Trung cho biết đã tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi và tham khảo ý kiến của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch để thực hiện, khai thác du lịch khu vực Hòn Bà. Theo yêu cầu của tỉnh Khánh Hòa, việc khai thác du lịch Hòn Bà không để cho các doanh nghiệp làm theo kiểu manh mún.

"Hướng xây dựng đề án tham mưu của Sở Du lịch là sau khi được bổ sung quy hoạch khu du lịch quốc gia Hòn Bà, Bộ Xây dựng sẽ đứng ra làm quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia này. Sau đó tỉnh mới có cơ sở để thu hút đầu tư, bởi đây là khu vực rừng đặc dụng" - ông Trung nói.

Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Khương, trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, cho biết theo quy định pháp luật, trong khu bảo tồn thiên nhiên được quy hoạch bảo vệ theo ba phân khu chức năng. Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, theo các quy định pháp luật liên quan là nghiêm cấm mọi sự tác động.

"Riêng phân khu phục hồi sinh thái thì được trồng rừng, nuôi dưỡng phát triển rừng và có thể làm du lịch. Trong phân khu hành chính, dịch vụ thì hoạt động bình thường nhưng tất cả đều phải tuân thủ nhiều quy định của Luật lâm nghiệp, Luật đa dạng sinh học, Luật đất đai và các quy định liên quan..." - ông Khương nói và cho rằng khi quy hoạch Hòn Bà để làm du lịch thì phải tuân thủ các quy định này.

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hòn Bà được thành lập năm 2005 theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa, có tổng diện tích hơn 19.000ha (thuộc các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh). Khu BTTN Hòn Bà chủ yếu là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh. UBND tỉnh Khánh Hòa vừa giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát lại tổng thể thực trạng, phân loại rừng của khu BTTN này và đề xuất giải pháp khai thác du lịch.

Cảm giác chinh phục Hòn Bà Cảm giác chinh phục Hòn Bà

TT - Nao nức đợi ngày con đường lên đỉnh Hòn Bà mở ra - để thay vì phải mang balô, nước uống, thức ăn len qua rừng sâu đến nơi mà cách đây gần 100 năm (năm 1915) bác sĩ Yersin đã chọn để trồng cây quinquina.

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên