29/06/2012 14:38 GMT+7

Hòn Bà, đỉnh núi vờn mây

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

TTCT - Cảm giác chinh phục được đỉnh Hòn Bà ở độ cao tuyệt đối 1.578m là cảm giác bay bổng.

Có thể khi chưa chạm chân đến Hòn Bà, mọi người sẽ băn khoăn cho rằng có gì phải lên tận đỉnh núi kia? Mà thật ra thì chẳng có gì ngoài cỏ cây. Nhưng chỉ khi đến tận cùng mới òa vỡ niềm vui trong cơn mưa núi, trong cơn lạnh sắt se dẫu Nha Trang đang vào hạ.

VvA54svq.jpgPhóng to
Ảnh: Khuê Việt Trường

Dấu ấn Yersin

Mãi đến năm 2001, nghĩa là sau 58 năm bị lãng quên, tỉnh Khánh Hòa mới quyết định đầu tư 82 tỉ đồng, và đến năm 2004 thì con đường dài 37km từ xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa lượn vòng qua suối Đá Giăng hoàn thành.

Sau khi mở đường, đỉnh Hòn Bà vẫn chỉ là cây cỏ và phế tích một thời của bác sĩ Yersin khi ông ở trên đỉnh núi này miệt mài nghiên cứu khoa học. Trải qua tám năm, sau những cơn mưa lũ lấp đường, tiếp tục làm lại đường, đến nay con đường lên Hòn Bà dẫu có dăm chỗ bị hư hại bởi thời gian, nhưng là con đường lý tưởng cho một chuyến đi bằng ôtô hoặc xe máy chỉ trong một giờ.

Hòn Bà bây giờ khác rồi, đó là cảm giác ấm áp, kính phục người bác sĩ mang quốc tịch Pháp đã dừng ngựa dưới chân ngọn núi hơn 90 năm về trước, rồi ông thấy gì trong mây vờn và trùng xanh mà quyết định mở đường lên, cho tới nay hậu thế có một điểm đến để chiêm nghiệm và tận hưởng.

UpRiv1f9.jpgPhóng to
Nhà làm việc của bác sĩ Yersin - Ảnh: Khuê Việt Trường

Dấu ấn trên đỉnh Hòn Bà là ngôi nhà gỗ màu nâu sậm nguyên bản ngôi nhà gỗ mà bác sĩ Yersin đã dựng lên tại dây để làm việc. Ngôi nhà được bổ sung nhiều lần, với diện tích 11,4m x 8,7m gồm hai tầng. Bên trái là khu gác lửng với ghế đá, bàn đá để dừng chân phóng mắt nhìn xuống núi.

Ngôi nhà gỗ này giống như ngôi nhà gỗ ngày xưa do kiến trúc sư Trần Thiện Hoàng vẽ lại từ bản gốc còn lưu giữ từ tài liệu do bảo tàng Viện Pasteur Paris cung cấp. Khác chăng là ngày xưa bác sĩ Yersin chỉ dùng loại gỗ thường để dựng lên, thì nay hậu thế dùng gỗ sao để phục dựng với tổng kinh phí nghe đâu hàng trăm triệu đồng.

Hồn ngôi nhà của bác sĩ Yersin đến nay đã được gầy dựng lại khá công phu. Trong ngôi nhà có bàn ghế cho ông tiếp khách, có một góc riêng là chiếc giường nhỏ để ông nghỉ ngơi. Trên tầng một là thư viện và nơi làm việc của ông. Để kính cẩn nhớ về ông, tại đây có đặt một bàn thờ, và chắc chắn khi ai tới thăm ngôi nhà lại không thắp một nén hương tưởng nhớ ông.

Hồ nước bác sĩ Yersin xây trước nhà để hứng nước mưa, nay được sửa chữa lại ở vị trí cũ. Để hứng nước mưa từ mái nhà, ông dùng những ống gốm đất nung ghép vào nhau, những ống gốm nay được trưng bày như một bộ sưu tập. Bên cạnh nhà đã trồng lại vườn thuốc như ngày xưa bác sĩ Yersin đã trồng, đó là những thứ cây cỏ thông dụng có tác dụng chữa những bệnh đơn giản, vườn thuốc đang lên xanh tốt. Những thanh gỗ đã mục là dấu tích ngôi nhà xưa cũng được gom lại cho du khách cảm nhận quyết tâm của vị bác sĩ trẻ hồi đó.

pwIDiFja.jpgPhóng to
Khu vườn thuốc của bác sĩ Yersin - Ảnh: Khuê Việt Trường

Một Đà Lạt tại Nha Trang

Nhiều người nói chọn tour Nha Trang tắm biển, sau đó lên Hòn Bà nghỉ để được tận hưởng cái khí trời 18 độ ngay trong những ngày hè quả là lý tưởng. So với trước đây vài năm thì những dịch vụ và cơ sở hạ tầng nơi đây đã khá lên rất nhiều.

Một khu nhà nghỉ với sáu bungalow nằm dưới lũng, dọc theo đường vào là những ngọn đèn măngsông thắp sáng trong đêm, ai thích ở trên đỉnh núi nghe tiếng thú rừng to nhỏ và gió rừng lồng lộng thì xin mời ở lại. Một nhà hàng nhỏ bằng gỗ được dựng lên, theo dáng dấp ngôi nhà bác sĩ Yersin, để khách nghỉ chân uống ly nước. Những cây thông con đang được trồng và nơi đây sẽ có rừng thông, nhiều loại hoa cũng được gieo trồng để tương lai đỉnh Hòn Bà rực rỡ màu hoa.

Khách sẽ ngạc nhiên thấy quanh nhà bác sĩ Yersin có rất nhiều chiếc lu hoặc các khay bằng ximăng đúc với nhiều hình dáng để bác sĩ Yersin ươm cây, tạo nét duyên rất lạ. Ngày xưa, để bảo đảm có đủ rau xanh khi ở trên núi, bác sĩ Yersin đã đem hạt giống rồi làm giàn trồng bầu, trồng bí. Những giàn rau đã được dựng lại như xưa.

Đặc biệt, bên một tảng đá lớn, hai cây trà trăm tuổi do ông trồng vẫn hiên ngang trước gió lạnh. Một con đường xuyên rừng đã mở đến cánh rừng trồng cây canhkina (quinquina - cây thuốc nguyên liệu dùng để bào chế thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét) xưa ông trồng, nay đã thành cổ thụ.

Chỉ bao nhiêu đó thôi, với chúng tôi đã là trọn vẹn cho cuộc hành trình đến đỉnh núi vờn mây kia.

rDpiG9S1.jpgPhóng to
Hai cây trà trăm tuổi do bác sĩ Yersin trồng vào năm 1915 - Ảnh: Khuê Việt Trường

Hòn Bà cách trung tâm thành phố Nha Trang 57km. Có thể đến Hòn Bà bằng phương tiện xe máy hoặc ôtô.

Từ Nha Trang đi về hướng nam trên quốc lộ 1A, đến Suối Dầu cách Nha Trang 20km thì rẽ vào cầu Suối Dầu bên phải và tiếp tục đi theo con đường nhựa để lên Hòn Bà. Có thể thuê xe tại các khách sạn đang lưu trú ở Nha Trang. Hiện chưa có phương tiện công cộng lên Hòn Bà. Nhớ mang theo áo mưa và áo lạnh vì vào buổi chiều trên đỉnh núi hay mưa và nhiệt độ lạnh hơn cả Đà Lạt.

Có thể nghỉ tại các bungalow với giá 500.000 đồng/đêm. Hiện nhà hàng ở Hòn Bà chỉ bán thức uống và các món ăn đơn giản như mì, phở, các món xào… nên khách có thể tự mang thức ăn theo nhu cầu.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên