Kỳ 1: Chạy đua “săn” tiến sĩ Kỳ 2: Vô tư... mượn tên Kỳ 3: Nhiều trường báo cáo không trung thực
TS Hà Việt Uyên Synh, khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, hướng dẫn sinh viên thực hành tại phòng máy. Được biết đây là trường ĐH có số lượng giảng viên học vị từ tiến sĩ trở lên chiếm khoảng 60% trên tổng số giảng viên của trường này - Ảnh: Như Hùng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều người cho rằng việc này cần một giải pháp lâu dài, chứ không chỉ là biện pháp tức thời như hiện nay.
* GS Hoàng Tụy:
Khó phân biệt tiến sĩ thật và tiến sĩ giấy
Việc đặt ra quy định mỗi ngành đào tạo phải bảo đảm tỉ lệ nhất định giảng viên có trình độ tiến sĩ là cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học. Nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào để bảo đảm tiến sĩ đó là tiến sĩ thật, chứ không phải tiến sĩ giấy.
Yêu cầu của Bộ GD-ĐT đòi hỏi các trường muốn nâng cao chất lượng, muốn phát triển đào tạo thì phải tranh thủ thu hút người có trình độ tiến sĩ thực chất. Thực tế ở môi trường giáo dục, việc đánh giá giảng viên đáng lẽ không thể chỉ dựa đơn thuần vào bằng cấp. Nhiều người tuy không có bằng tiến sĩ nhưng trình độ thì ngang tiến sĩ thật. Có điều hiện nay ở nước ta, nhiều tiến sĩ giấy quá nên việc phân biệt tiến sĩ thật và tiến sĩ giấy trong nhiều trường hợp là một công việc quá khó.
Rõ ràng đang có tình trạng người sở hữu tấm bằng tiến sĩ được chào mời ở nhiều nơi. Có người từ chối nhưng không loại trừ có người đành phải nhận vì quan hệ, cũng có người muốn nhận chỉ để tăng thu nhập. Song cũng phải nhìn nhận khách quan trong khi những nhà khoa học, nhà giáo có trình độ cao nhưng thu nhập ở các trường công lập thấp, còn các trường ngoài công lập thiếu giảng viên tìm cách co kéo người có trình độ tiến sĩ chính là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tôi biết có những trường ĐH không đòi hỏi vị tiến sĩ ấy phải làm việc gì cả, chỉ cần để cái tên trong danh sách nhà trường là được trả tiền. Đó là điều không hay chút nào. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục phải có những giải pháp lâu dài, cụ thể chứ không thể nói chung chung được.
* GS.TSKH Vũ Minh Giang (chuyên gia cao cấp, nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội):
Cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể
Ở nhiều nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, nếu giáo sư của một ngành đi khỏi trường, ngành đó có khả năng bị dẹp, đóng cửa. Vị giáo sư đầu ngành đi đâu có khi mang theo cả ngành đó đến đấy. Bởi vậy, các trường ĐH danh tiếng rất chú trọng việc xây dựng và thu hút đội ngũ giảng viên trình độ cao. Những trường ĐH hàng đầu có danh tiếng tương xứng vì có những người giỏi đầu quân.
Ví dụ Trường ĐH Chicago, Hoa Kỳ đã trả lương rất cao mời GS Ngô Bảo Châu để trường có người đoạt giải thưởng Fields danh giá về giảng dạy. Ngoài chính sách mời gọi nhà khoa học đầu ngành, các trường cần phải chuyên tâm xây dựng, đầu tư, hỗ trợ, phát triển giảng viên trẻ.
Sức mạnh lớn nhất của một cơ sở giáo dục ĐH không nằm ở đâu khác mà chính là con người. Đôi khi mình hay nói điều kiện phòng ốc phản chiếu được tầm vóc một trường ĐH nhưng không có ý nghĩa quyết định. Bằng chứng là ngay ở nước ta có những trường được doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng không tạo ra danh tiếng, không hút được người học vì không có đội ngũ đủ mạnh.
Quy định về đội ngũ bảo đảm điều kiện mở ngành của Bộ GD-ĐT mới chỉ đặt ra điều kiện tối thiểu. Bảo đảm đội ngũ như quy định chưa chắc đã tạo ra chất lượng cao, nhưng không bảo đảm được yêu cầu tối thiểu đó thì chắc chắn không tạo ra được chất lượng tốt. Bộ GD-ĐT nên kiên quyết xử lý những trường gian dối, đối phó với quy định này. Những trường báo cáo không trung thực thì có thể tính đến phương án đình chỉ tuyển sinh, đào tạo. Phải có chế tài xử lý nghiêm, không thể chỉ nhắc nhở, xử lý xuê xoa, bắt cóc bỏ đĩa rồi thôi. Nếu không, cứ để các trường chạy theo số lượng đào tạo, lo thu lợi nhuận, đào tạo ra sản phẩm giáo dục không đạt thì người phải gánh chịu hậu quả sẽ chính là người dân và xã hội. Tất nhiên, khi xem xét điều kiện đội ngũ, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể. Có những ngành tuy không đủ tiến sĩ nhưng lại có chuyên gia nước ngoài “cắm” tại cơ sở giáo dục theo hiệp định, bảo đảm chất lượng thì không thể xử lý như đại trà được...
* GS.TS Mai Hồng Quỳ (hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM):
Phải có quy hoạch đội ngũ
Việc Bộ GD-ĐT đặt ra quy định các cơ sở đào tạo ĐH phải có đủ năng lực về đội ngũ dựa trên tiêu chí số giảng viên có trình độ tiến sĩ như hiện nay là cần thiết. Tốc độ phát triển về số lượng các trường ĐH những năm qua quá nhanh dẫn đến việc thiếu đội ngũ giảng viên... Đừng hi vọng ngồi một chỗ mà tuyển được tiến sĩ được đào tạo ở đâu đó. Hằng năm Trường ĐH Luật TP.HCM đều thông báo tuyển dụng nhưng chỉ tuyển được một PGS ở nước ngoài về, từ trước đến giờ hầu như chưa tuyển được tiến sĩ nào không do trường gửi đi đào tạo hoặc tự đào tạo.
Lãnh đạo các trường mới thành lập, các trường ngoài công lập cần chú ý đến việc đầu tư cho đội ngũ giảng viên. Nếu các trường thật sự có quy hoạch, tạo điều kiện, thúc đẩy về mặt chuyên môn và có sự kết hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo mà gửi người đi học thì thời gian để có tiến sĩ không quá lâu. Các trường cần mạnh dạn làm theo hướng này, có thể chậm một nhịp nhưng sẽ là bước đi chắc, phải có ngay quy hoạch. Để đầu tư cho đội ngũ, cần đến các trường ĐH tuyển chọn sinh viên giỏi gửi đi đào tạo.
* PGS.TS Hồ Thanh Phong (hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Việc đào tạo giảng viên chưa được chú trọng
Trường ĐH cần có tiến sĩ vì trường ĐH phải là nơi vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Các tiến sĩ là những người được đào tạo để nghiên cứu, khi trở thành giảng viên họ sẽ đem những kiến thức học được trong quá trình nghiên cứu dạy lại cho sinh viên. Như vậy muốn “trụ lại” trường ĐH thì giảng viên phải trở thành tiến sĩ. Hiện nay chuẩn giảng viên ĐH ở các nước tiên tiến khởi đầu là tiến sĩ.
Thực tế ở nước ta các trường ĐH chỉ tập trung vào công tác giảng dạy. Vì thế trước đây có trường ĐH sử dụng giảng viên mới có trình độ ĐH. Tuy nhiên từ khi nền kinh tế nước ta phát triển bùng nổ, nền giáo dục VN cũng chuyển sang bước phát triển mới. Do đó, sự bùng nổ trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết để đào tạo nhân lực cho xã hội. Nhưng việc chuẩn bị và đào tạo đội ngũ giảng viên chưa được chú trọng.
Để khắc phục tình trạng này, các trường phải có kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên. Khi vận hành trường ĐH bắt buộc phải có hoạch định nguồn nhân lực. Có thể tuyển giảng viên trình độ ĐH, thạc sĩ nhưng phải tính đến việc sắp xếp cho họ đi học để lấy bằng tiến sĩ. Đáng tiếc hiện nay rất ít trường có hoạch định nguồn nhân lực. Đào tạo tiến sĩ phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, phải có “cú hích” chứ không phải chạy theo bằng cấp.
Đồng thời, các trường phải có chính sách thu hút, không phải câu kéo mà cần làm thật hấp dẫn. Cần tìm hiểu các tiến sĩ cần gì từ phía nhà trường. Theo kinh nghiệm, chúng tôi nhận thấy các tiến sĩ không phải cần mức lương khủng, họ chỉ cần mức thu nhập vừa đủ để không phải chạy vạy, lo toan cho cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận