26/03/2012 07:45 GMT+7

Không thể bắt dân ăn cơm trong mùng

Đ.CƯỜNG - T.TRUNG
Đ.CƯỜNG - T.TRUNG

TT - Đó là ý kiến của 400 người dân hai thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) tại cuộc đối thoại khẩn cấp chiều 25-3 với UBND huyện Hòa Vang, lãnh đạo Công ty CP thép DANA - Ý và Công ty CP thép Thái Bình Dương (Khu công nghiệp Thanh Vinh mở rộng).

Nhà máy gây ô nhiễm, dân bao vây buộc ngừng sản xuất

F70LZ1oe.jpgPhóng to
Người dân chờ đợi sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy thép gây ra - Ảnh: Đoàn Cường

Nhiều người dân ở hai thôn trên cho biết đã chờ đợi quá lâu để có cuộc đối thoại này. Sáu năm qua dân nơi đây phải ăn, ngủ cùng ô nhiễm từ khói, bụi, tiếng ồn của các nhà máy thép.

“Mời cán bộ về sống với chúng tôi”

Ông Trương Văn Lung (tổ 2, thôn Vân Dương 2) bức xúc: “Hồi năm 2007, chính quyền nói với chúng tôi chỉ thành lập khu công nghiệp nhẹ, kho bãi chứa hàng mà đem hai nhà máy to đùng đến sát vách nhà dân, gây ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo huyện, xã hứa sẽ giải quyết đền bù theo lộ trình, chúng tôi đợi tới ngày hôm nay. Vậy chúng tôi mời cán bộ về đây sống với chúng tôi trong khi chờ đợi đền bù”.

Không khí buổi đối thoại tiếp tục nóng khi nhiều ý kiến của người dân bức bách yêu cầu cần xử lý hai nhà máy ô nhiễm. Ông Phạm Mai (tổ 5) nói: “Họ gây ô nhiễm, chúng tôi lên công ty phản ứng, họ tìm lý do đuổi hết dân Vân Dương làm trong nhà máy. Chúng tôi không chờ được nữa. Hoặc là nhà máy đi, hoặc là dân đi”.

Ông Lê Văn Nhâm cũng nói: “Giải tỏa đền bù phải có chỗ ở. Có chỗ ở là dân đi liền. Không thể nói thuê nhà ở rồi họ trả tiền lại. Chúng tôi bị giải tỏa mà chưa biết mình ở đâu thì làm sao đi được”.

Chờ đợi quá lâu để được di dời khiến người dân nơi đây mệt mỏi và chán ngán. Bà Lê Thị Vân (tổ 3) gay gắt: “Hẹn miết, chúng tôi không muốn đi nữa. Chúng tôi muốn di dời nhà máy. Không thể bắt chúng tôi phải vô mùng mà ăn cơm vì ô nhiễm khói”.

Tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Thu - chủ tịch UBND xã Hòa Liên - cho biết: “Công tác đền bù giải tỏa các hộ dân xung quanh hai nhà máy cơ bản đã xong phần kiểm định về cây cối, vật kiến trúc. Chỉ có năm hồ sơ chưa kiểm định được do hộ gia đình không ở địa phương. Trong lúc chờ đền bù giải tỏa, nếu các hộ dân có đất, tự lo tái định cư thì sáng bà con nói với xã muốn giải tỏa, chiều chúng tôi nói với huyện chi tiền. Còn nếu bà con chấp nhận dời đi thuê nhà ở tạm, huyện sẽ trả tiền thuê nhà”.

Doanh nghiệp cam kết

Trước những băn khoăn của dân, ông Hồ Nghĩa Tín - tổng giám đốc Công ty CP thép DANA - Ý - thừa nhận tình trạng gây ô nhiễm của nhà máy. Ông cho biết: “Chúng tôi đã ý thức được tình trạng ô nhiễm và đầu tư ba hệ thống xử lý bụi. Còn tiếng ồn là do bãi chứa vật liệu chưa giải phóng kịp”. Liên quan đến giải tỏa, ông Tín nói cách đây một năm đã đề xuất UBND TP và đóng góp kinh phí giải tỏa, đền bù. “Chúng tôi cam kết sẽ giải ngân đúng tiến độ để hỗ trợ tái định cư” - ông Tín cho hay.

Ông Nguyễn An - tổng giám đốc Công ty CP thép Thái Bình Dương - cho rằng việc nhà máy hoạt động ban ngày không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, công ty phải hoạt động vào ban đêm, gây phiền toái cho người dân.

“Ban đêm người dân chỉ nghe tiếng ồn, khói bụi không thấy được” - ông An phân bua. Theo ông An, khi đầu tư vào khu công nghiệp này, nếu biết có sự việc ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thì “có cáp vàng” cũng không làm. Nếu người dân cứ bao vây như vậy sẽ gây khó khăn rất nhiều cho công ty. “Công ty sẵn sàng ứng hoặc vay tiền trước cho bà con di dời đi nơi khác trong lúc chờ cơ quan chức năng làm việc” - ông An nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hùng Vương - bí thư Đảng ủy xã Hòa Liên - nói quyết liệt: “Chúng tôi luôn xác định lợi ích của người dân là trên hết, nếu cần thì hi sinh lợi ích của doanh nghiệp. Lòng dân không yên, doanh nghiệp không thể sản xuất được”. Ông Vương cho rằng trong lúc chờ giải tỏa, hai nhà máy thép vẫn hoạt động nhưng theo năng lực của mình, tránh tình trạng như vừa qua, đơn hàng nhiều và chạy quá tải, làm ảnh hưởng đến người dân. Ông Vương cũng yêu cầu doanh nghiệp thép phải chấp hành nghiêm cam kết không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Đặng Thương - phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cũng đề nghị hai công ty có lộ trình khắc phục về khói, bụi, tiếng ồn và phải sớm hoàn thành việc giải tỏa dân trước ngày 30-6. “Nếu huyện thấy ô nhiễm quá, sẽ cho người dân đi thuê chỗ ở, sau đó kiến nghị UBND TP chi trả tiền thuê nhà” - ông Thương cho hay.

Đ.CƯỜNG - T.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên