24/03/2019 09:01 GMT+7

Không phải chấn chỉnh, cần có cuộc chấn hưng Phật giáo

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Những ngày này, nhiều tiếng nói có lương tri và trách nhiệm đang đề nghị Phật giáo Việt Nam cần phải thực hiện một cuộc chấn hưng như đã từng thực hiện vào đầu thế kỷ 20.

Cơn nhức nhối từ tục dâng sao giải hạn bị biến thành "dịch vụ tâm linh" rằm tháng giêng ở chùa Phúc Khánh, Quán Sứ chưa nguôi thì đã xuất hiện pháp thỉnh "oan gia trái chủ" ở chùa Ba Vàng. Và, tình hình này có lẽ vẫn chưa dừng lại.

Bởi vì những trò "trục lợi tâm linh" đó không phải mới xuất hiện, mà nó đã trở thành một lễ hội, "lễ hội của ma quỷ", cứ tháng giêng hằng năm lại trỗi dậy quấy phá chùa chiền, làm hại chúng sanh.

Dân tình lại lên tiếng, truyền thông tiếp tục phản ánh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại "ra văn bản" chấn chỉnh, cơ quan chức năng của Nhà nước lại "vào cuộc".

Nhưng, tháng giêng năm sau vẫn "bổn cũ soạn lại", "lễ hội ma quỷ" vẫn đến hẹn lại lên. 

Đến lúc này thì không một ai có thể tin rằng tháng giêng năm sau chùa chiền sẽ không còn cảnh đau lòng đó nữa. 

Cũng như lúc này ai cũng có thể nghĩ rằng không chỉ có một ngôi chùa Ba Vàng với pháp thỉnh "oan gia trái chủ", mà rất có thể còn những "pháp môn" kỳ quặc hơn đang "hoằng bá" ở trong một hay nhiều ngôi chùa nào đó nữa.

Một vị giáo sư ở Hà Nội nói với báo Tuổi Trẻ rằng tình hình là đang có nhiều Ba Vàng, nếu không giải quyết một cách căn bản thì chỉ là "ném đá ao bèo" và như thế sẽ nguy ngập cho cả Phật giáo lẫn dân tộc.

GS Đỗ Quang Hưng - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - cho rằng cần phải có một cuộc chấn hưng Phật giáo và những "triệu chứng" nhức nhối hiện nay chính là cơ hội để thực hiện cuộc điều trị căn bệnh "nan y mãn tính" đó.

Trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam cũng đã có lúc thịnh lúc suy, cũng bao lần pháp nạn. Những lúc suy vi như thế, Phật giáo Việt Nam luôn ra đời một cuộc chấn hưng. 

Trong đó, cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20 (bắt đầu từ năm 1920 đến thập niên 1950) được xem là lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. 

Phật giáo từ chỗ là quốc giáo của Việt Nam đã trở nên suy yếu, kéo theo nhiều hệ lụy như: tăng đồ làm điều trái giáo lý nhà Phật, mê tín tràn ngập chùa chiền...

Trước tình cảnh lúc đó, các vị chân tu đã bước ra khỏi chùa để thực hiện một cuộc chấn hưng đạo pháp, cứu vãn Phật giáo nước nhà.

Cuộc chấn hưng được khởi phát từ miền Nam ra miền Trung rồi đến miền Bắc và sau đó lan tỏa khắp cả nước. Bền bỉ qua hơn 30 năm, Phật giáo mới trở lại chính đạo, ngôi chùa đã được trả lại cho tăng chúng và phật tử, và nguyên khí nước Việt mới phục hồi.

Từ đó, cuộc chấn hưng đã lắng xuống thành dòng chảy ngầm, âm thầm tưới tắm cho đạo pháp tươi tốt qua bao khổ nạn của chiến tranh và cả trong hòa bình.

Vì lẽ đó, những ngày này, nhiều tiếng nói có lương tri và trách nhiệm đang đề nghị Phật giáo Việt Nam cần phải thực hiện một cuộc chấn hưng như đã từng thực hiện vào đầu thế kỷ 20.

Chấn hưng, chứ không phải là chấn chỉnh!

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên