03/11/2012 04:35 GMT+7

Không nên thô bạo với nhà giáo

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi

TT - Ngay sau khi Tuổi Trẻ thông tin về việc một số tỉnh thành "bắt dạy thêm như bắt trộm" thực hiện thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm, nhiều nhà giáo, phụ huynh... đã bày tỏ sự bức xúc.

Bắt dạy thêm như bắt trộm

cXqsEyF9.jpgPhóng to
Một phụ huynh đón con tan học lúc 20g ngày 1-11 tại một cơ sở dạy thêm trên phố Trần Cung (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: NG.Khánh

* Bà Phạm Thị Hồng (phụ huynh học sinh Trường tiểu học Kim Liên, Hà Nội):

Không nên bắt thầy cô nhận tội trước mặt học trò

Năm nay con tôi học lớp 2 Trường tiểu học Kim Liên. Tôi từng là một trong số phụ huynh rất bức xúc khi được cô “gợi ý” việc học thêm để nâng cao kiến thức tại nhà vào buổi tối. Tôi cũng từng rất mong các cấp quản lý nhanh chóng có giải pháp để học sinh tiểu học không phải đi học thêm, không phải học buổi tối. Nhưng khi chứng kiến cảnh đoàn thanh tra đi “bắt” giáo viên dạy thêm, tôi thấy gai người.

Việc “bắt quả tang giáo viên” là việc làm thiếu tính nhân văn và phản giáo dục. Đoàn kiểm tra hoàn toàn có thể tìm hiểu việc dạy thêm theo cách khác và mời giáo viên đến làm việc, yêu cầu họ thực hiện đúng quy định, đúng cam kết. Nhà trường cũng có thể đề ra các hình thức chế tài cụ thể nghiêm khắc đối với thầy cô giáo có sai phạm. Nhưng không nên bắt thầy cô nhận tội trước mặt học trò. Tôi nghĩ những thầy cô không may chịu cảnh này sẽ là hình phạt nặng nề nhất đối với đời dạy học.

* Cô Nguyễn Thị Tuyết (chủ tịch công đoàn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

Tôi sẽ bảo vệ giáo viên nếu họ bị xúc phạm danh dự

Tôi sẽ bảo vệ giáo viên của mình đến cùng nếu họ bị xúc phạm danh dự trong khi đang dạy học. Còn với tư cách là một phụ huynh học sinh, tôi cũng không chấp nhận cách hành xử thô bạo đối với nhà giáo, dù thầy cô giáo có hay không chuyện làm sai quy định. Trên thực tế, tôi cũng phải đi xin học thêm cho con mà xin rất khó thì thầy mới nhận lời. Vì những thầy giỏi, có uy tín thường phải từ chối vì có quá nhiều học sinh muốn xin học.

Phụ huynh có nhu cầu tìm cho con mình thầy giỏi, có tâm huyết và kinh nghiệm dạy học. Các thầy cô giáo đáp ứng nhu cầu đó trong khả năng của mình thì có gì sai trái? Việc đâu đó có tiêu cực trong dạy thêm cũng cần xử lý, khắc phục. Nhưng phải phân biệt rõ nhu cầu học thật hay không, giáo viên dạy có chất lượng hay không. Nếu siết việc dạy thêm không thận trọng, cư xử thô bạo với số đông giáo viên thì cần phải dừng lại ngay.

* Cô Phạm Thị Thu (Trường THPT Kim Liên, Hà Nội):

Học sinh bị rối lẫn chuẩn mực xã hội

Việc phân biệt tiêu cực trong dạy thêm, học thêm không khó. Chỉ nói riêng trong phạm vi một trường học, không khó để biết giáo viên nào có chuyên môn tốt, có uy tín với học sinh, giáo viên nào không. Việc kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm cũng có thể từ nhiều kênh khác nhau. Việc đánh giá hành vi của giáo viên cũng cần đặt trong tương quan với nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần thận trọng và tế nhị chứ không thể hành xử thô bạo. Việc đoàn kiểm tra “đi bắt” giáo viên khi thầy cô đó đang say sưa giảng cho học sinh những điều tốt đẹp của kiến thức, không chỉ khiến tinh thần giáo viên sụp đổ mà còn khiến học sinh bị rối lẫn chuẩn mực xã hội, không biết tin vào ai.

* Thầy Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội):

Hiệu trưởng có thể kiểm soát

Hiệu trưởng muốn biết giáo viên của mình có dạy thêm không, dạy thêm thế nào thì hoàn toàn có thể kiểm soát quản lý trong nội bộ trường chứ không cần đi đến nhà giáo viên để “bắt quả tang”, càng không cần phải “thẩm vấn học sinh như nhân chứng của sai phạm”. Cách làm như thế không phù hợp với ngành giáo dục, với nhà giáo. Là một hiệu trưởng, tôi nghĩ lãnh đạo nhà trường trước hết nên có quy định cụ thể, dán công khai rõ ràng cho mọi giáo viên cùng biết, yêu cầu giáo viên dạy thêm bên ngoài phải trình hồ sơ đầy đủ, cam kết không vi phạm.

Hiệu trưởng cũng có thể phát động để phụ huynh, học sinh phản ảnh qua hộp thư góp ý, qua phiếu điều tra của trường mà không cần đề danh tánh để có kênh tìm hiểu về hoạt động dạy học chính khóa và dạy thêm của giáo viên. Khi có sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm khắc.

* Thầy Nguyễn Thanh Hoàn (giáo viên môn văn bậc trung học ở quận 2, TP.HCM):

Nghề giáo là nghề nhạy cảm

Bản thân thông tư 17 của Bộ GD-ĐT đã “có vấn đề” vì chưa phản ánh đúng thực tế dạy thêm học thêm. Người vận dụng thông tư này một cách cứng nhắc, thiếu tình người đã gây ra sự xúc phạm đối với nhà giáo. Nếu chiếu theo thông tư 17, có thể giáo viên đã sai nhưng tại sao đoàn kiểm tra liên ngành không gửi văn bản nhắc nhở đương sự trước. Nên nhớ rằng nghề giáo là nghề nhạy cảm, lập biên bản các thầy, các cô trước mặt học trò thì quá bẽ bàng.

Là giáo viên không ai muốn dạy thêm đâu. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì chương trình nặng quá, khó có thể chuyển tải hết cho học sinh với thời lượng ít ỏi nên chúng tôi phải dạy thêm. Chứ nhiều bữa đi dạy thêm về, gặp trời mưa to, người ướt sũng, tôi cũng tủi thân lắm.

* Thầy Ung Thanh Hải (nguyên tổ trưởng tổ hóa, Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM):

Cần phân biệt

Đúng là trên thực tế có một số giáo viên làm sai quy định, ép buộc học sinh phải học thêm, tạo ra hình ảnh không tốt. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, cần phân biệt đâu là lớp dạy thêm đàng hoàng. Tôi biết trên thực tế có nhiều nơi học sinh phải năn nỉ thầy mới được nhận vào học, mức học phí cũng rất cao. Cốt lõi của dạy thêm là chương trình nặng quá, giáo viên không chuyển tải hết trong giờ chính khóa được, muốn thi đậu đại học học sinh đương nhiên phải đi học thêm.

* Hà Văn Sang (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM):

Chọn giáo viên để học thêm

Gần như tất cả học sinh khối THPT đều có đi học thêm. Tôi cũng vậy, hằng tuần tôi phải đi học thêm vài môn để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới. Đây là nhu cầu của tôi và tôi chọn những giáo viên có uy tín để học. Việc kiểm tra các thầy cô ngay trong giờ dạy thêm sẽ khiến các thầy cô bối rối, học sinh chúng tôi sẽ rất khó chịu vì mất thời gian học của mình. Ngoài ra, việc kiểm tra như “đi bắt trộm” là một hình ảnh không đẹp trong môi trường học đường. Riêng tôi, tôi mong rằng điều này sẽ không xảy ra đối với các thầy cô giáo của mình.

* Đọc bài “Bắt dạy thêm như bắt trộm”, tôi cảm thấy có vấn đề gì đó chưa ổn. Thứ nhất, việc tổ chức kiểm tra dạy thêm của giáo viên có vẻ hơi mang tính phạm tội hơn là vi phạm, đại diện một số ban ngành tổ chức đi kiểm tra giống như đi bắt đánh bạc... Nên chăng là chỉ đạo cho lãnh đạo của từng trường đề nghị giáo viên cam kết không tổ chức dạy thêm thì hay hơn. Thứ hai, lương của ngành giáo dục đã giúp giáo viên sống được hay chưa, cao hơn ngành nghề nào trong hệ thống nhà nước, có khi nào mọi người nghe bên ngành giáo dục được thưởng tết trên 1 triệu đồng/năm chưa? Nếu cuộc sống không còn nhiều lo toan, bươn chải thì chắc chắn các thầy cô giáo đâu để xảy ra tình trạng như trên. Thiết nghĩ những người có trách nhiệm với ngành giáo dục nên xem lại.

(Nguyễn Thức Thanh - thucthanhnguyen@...)

* Theo tôi, thông tư 17 như vậy là rất đúng tinh thần. Nhưng cần triển khai, thực hiện cho đúng và thể hiện sự tôn trọng đối với nhà giáo hơn. Thực tế việc bắt ép học sinh học thêm diễn ra từ lâu và gây nhiều bức xúc cho học sinh lẫn phụ huynh. Học thêm là tốt nhưng phải phù hợp với thực tế hiện tại, phù hợp với cái tâm của nhà giáo chứ không phải học thêm là bắt buộc. Việc triển khai này làm tôi nhớ đến việc đội nón bảo hiểm cách đây vài năm. Lúc đầu ta không quen nhưng dần sẽ quen. Đây là một thói quen tốt. Theo tôi, chúng ta cần suy nghĩ, đánh giá sự việc một cách khác chứ không nên “gay gắt” như vậy.

(Huỳnh Khương - huynhkhuongvina@...)

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên