Ông Son cho biết một trong những bất cập lớn là hiện nay cả nước có khoảng 1.500 cơ sở in nhưng việc quản lý lại không cùng một khung pháp lý. Theo đó, chỉ có khoảng 400 cơ sở được cấp phép in ấn xuất bản phẩm mới thuộc diện điều chỉnh bởi Luật xuất bản, còn lại 1.100 cơ sở in ấn điều chỉnh bởi luật khác, quản lý lỏng lẻo. "Vấn đề đáng quan ngại là trong số 1.100 cơ sở in (không có chức năng xuất bản phẩm theo giấy phép được cấp) thì gần như 100% đều có khả năng in được xuất bản phẩm. Việc quản lý tách bạch theo chức năng đối với mỗi cơ sở in là rất khó khăn.
Lợi dụng điều này, một số cơ sở in tuy không có chức năng in xuất bản phẩm nhưng vẫn thực hiện in hoặc tiếp tay cho các đối tượng khác để in xuất bản phẩm trá hình nhằm trục lợi bất chính. Vấn nạn in lậu đến nay gây thiệt hại lớn về kinh tế và làm suy kiệt các nhà xuất bản làm ăn chân chính, đúng pháp luật" - ông Son nói. Ông cho rằng "hoạt động in ấn, xuất bản là hoạt động sản xuất vũ khí tư tưởng, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, bảo vệ Ðảng, chế độ và chủ quyền đất nước" nên cần được quản lý chặt chẽ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng "có đưa 1.100 cơ sở in vào điều chỉnh trong luật này không thì cần phải tính". Theo ông, xã hội tiến bộ hơn thì ngày càng phải rộng mở hơn, chứ không phải hạn chế lại hoặc cấm, điều quan trọng là công tác kiểm tra, thanh tra, chế tài, tổ chức phải tốt. "Xuất bản cũng đâu chỉ duy nhất làm công tác tư tưởng, đường lối, mà nó rất phong phú, cung cấp cho người dân ấn phẩm về kỹ thuật, văn hóa, giải trí... Nếu quản lý theo hướng bóp chặt quá thì không nên" - ông Hùng nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ðào Trọng Thi, hiện nay việc in xuất bản phẩm chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, không nên vì nó mà quản chặt quá làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. "Ðồng tình là quản chặt hơn, nhưng không đến mức mọi hoạt động xuất bản, in, phát hành cứ phải cấp giấy phép. Chỉ quản lý đối với các xuất bản là ấn phẩm thôi, chứ còn in tiền, bao bì, nhãn hiệu... thì nó thuộc hoạt động kinh tế - kỹ thuật, không thuộc phạm trù quản lý của Bộ Thông tin - truyền thông" - ông Thi bình luận.
* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật luật sư (sửa đổi). Dự thảo luật quy định đối với các vụ án hình sự, vẫn duy trì việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, nhưng giấy chứng nhận này có giá trị trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng, đồng thời, thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa. Ðồng tình với quy định này nhưng chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thể hiện quan điểm của Ủy ban Tư pháp là "về lâu dài, cần nghiên cứu bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo và người bị tạm giữ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận