09/12/2014 09:28 GMT+7

​Không muốn cũng phải học thêm

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - “Tôi không có nhu cầu cho con đi học thêm vì cháu đã học 2 buổi/ngày. Nhưng mỗi lần đón con, cô giáo cứ than là bé học chậm, yếu, ba mẹ cho bé đến nhà cô đi, cô kèm cho”.

Các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện cho giáo viên được kiếm sống bằng nghề nghiệp của họ. Trong bối cảnh hiện nay lương giáo viên vẫn chưa đủ sống thì việc dạy thêm là chính đáng, còn hơn các thầy cô phải chạy xe ôm, bán bong bóng hay kẹo kéo ở công viên ngoài giờ dạy chính khóa 

Hiệu trưởng một trường ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Đó là phản ảnh của một phụ huynh có con học lớp 2 ở TP.HCM. Theo lời phụ huynh này, lớp có 39 học sinh thì gần như cả lớp đều đi học thêm 2 buổi/tuần ở nhà cô giáo (17g - 19g, học phí 500.000 đồng/tháng/học sinh).

Cầm cự một thời gian, cuối cùng chị cũng phải chở con đến nhà cô sau khi bị cô nhắc nhở nhiều lần rằng con chị học chậm. Chị hỏi bé học chậm như thế nào thì cô nói môn nào cũng chậm (?).

“Ép” bằng nhiều hình thức

Ngay sau khi chúng tôi đến làm việc với ban giám hiệu nhà trường về thông tin trên, cô hiệu trưởng đã yêu cầu giáo viên ngưng ngay lớp dạy thêm. Cô nói: “Như thế là sai quy định! Nếu có dạy thêm thì giáo viên phải đăng ký với ban giám hiệu trường. Đến thời điểm này chưa có giáo viên nào của trường đăng ký dạy thêm cả”.

Tương tự, sau khi con gái nhập học lớp 1 được hai tháng, chị T., phụ huynh ở Q.Gò Vấp, đã miễn cưỡng đăng ký cho con học thêm với cô giáo chủ nhiệm do cô nhận xét: “Bé không theo kịp chương trình”.

Chị tâm sự: “Đúng là bé nhà mình không tập trung được lâu, học chữ thì quên trước quên sau. Làm toán thì rất ẩu, đôi khi đề bài cho phép trừ nhưng bé đọc không kỹ lại làm phép cộng. Nhưng cái chính là mình không có thời gian đưa đón bé đi học thêm.

16g30 con tan học ở trường thì 17g30 mẹ phải chở bé đến lớp học thêm (địa điểm do cô giáo thuê, ở gần trường), 19g lại phải đón về trong khi thời gian đó mình bận túi bụi với em bé hơn 8 tháng tuổi ở nhà”.

Chị T. trình bày nguyện vọng: “Tôi không tiếc 500.000 đồng mỗi tháng nhưng việc đưa đón bé đi học thêm nan giải hết sức”.

Một phụ huynh học sinh lớp 11 Trường THPT C, TP.HCM phản ảnh: “Thầy dạy toán không nói thẳng ra là tất cả học sinh phải học thêm môn toán với thầy, nhưng thầy có sự phân biệt đối xử rất rõ rệt giữa học sinh có và không học thêm. Con mình học môn toán hơi yếu, cháu bảo thầy giảng bài rất khó hiểu.

Do vậy, mình không dám cho con học thêm với thầy mà xin học thêm với một giáo viên giỏi toán khác. Các bạn có học thêm ở nhà thầy thì làm bài kiểm tra rất tốt vì được ôn tập kỹ trong giờ học thêm rồi. Những bạn không học thêm ở nhà thầy thì rất khó khăn. Đã vậy, thầy còn bóng gió rằng “đã dốt mà còn lười học thêm”.

Trưởng phòng GD-ĐT một quận vùng ven cũng thừa nhận: “Tình trạng giáo viên dùng quyền lực và điểm số để ép học sinh học thêm vẫn còn tồn tại. Chúng tôi đã nhận một số đơn, thư của phụ huynh về việc này.

Năm học 2014-2015, bậc tiểu học không cho điểm nữa mà chỉ đánh giá bằng nhận xét, có giáo viên lại tạo áp lực bằng cách cho nhiều bài tập về nhà, phụ huynh hoảng quá đành phải cho con em mình đi học thêm”.

Hiệu trưởng không thể quản

Cô Nguyễn Thị Minh Châu, hiệu trưởng Trường tiểu học Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nhận định: “Học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày ở trường nên hầu như em nào cũng nắm được chuẩn kiến thức - kỹ năng của chương trình. Chỉ trừ một số em bị bệnh về trí tuệ, khuyết tật mới cần phải kèm thêm ngoài giờ học chính khóa”.

Tuy nhiên, trong quá trình đi thực tế, chúng tôi ghi nhận được đa số giáo viên tiểu học đều dạy thêm.

Chị Thái Thị Thanh Phương, phụ huynh ở P.4, Q.3, cho biết: “Chương trình phổ thông bây giờ khó khăn và phức tạp quá, không như ngày xưa. Mình tốt nghiệp đại học mà có bữa dạy con lớp 1 cũng bị sai.

Bữa đó, bé làm bài tập nối từ này với từ kia. Bé nối từ “cô bé” với “bó cỏ” rồi hỏi mẹ. Mẹ nói “đúng” nhưng hôm sau lên lớp cô giáo bảo sai, phải nối từ “bò có” với “bó cỏ” mới đúng. Chồng tôi cứ thắc mắc là mới lớp 1 mà sao các nhà viết sách lại thử thách học sinh đến mức như thế.

Sau đó vài hôm, khi học đến từ “bó kê”, bé hỏi tôi bó kê là gì. Tôi ngẩn người ra, phải nhờ từ điển tiếng Việt mới trả lời được. Thằng bé phán ngay: “Thế ngày xưa mẹ chưa đi học lớp 1 à?”.

Chị Phương nhận xét: “Đáng lẽ việc nối từ phải cho những câu, những từ thông dụng, gần gũi với học sinh, khi hiểu nghĩa các em mới biết nên nối từ nào với nhau. Đằng này, phụ huynh thường xuyên phải làm giùm bé mà ngay cả phụ huynh nhiều lúc cũng bí, như bản thân tôi phải dùng phương pháp loại trừ mới biết dạy con nối từ “gỗ” với “gụ”, “mẹ trỉa” với “đỗ”...

Mà chương trình đâu chỉ có môn tiếng Việt, ngay cả môn tự nhiên xã hội, thủ công cũng có nhiều bài cứ như đánh đố học sinh. Thế là dù không muốn nhưng tôi vẫn phải cho con đi học thêm vào buổi tối - dù con đã học 2 buổi/ngày ở trường”.

Theo thông tư 17 của Bộ GD-ĐT và quyết định số 21 của UBND TP.HCM, giáo viên không được dạy thêm cho học sinh tiểu học, học sinh THCS, THPT đã học 2 buổi/ngày trong trường. “Đây là quy định bất hợp lý và không khả thi” - nhiều hiệu trưởng bộc bạch.

Ngay cả việc giao cho hiệu trưởng nhà trường tiểu học phải chịu trách nhiệm về việc dạy thêm của giáo viên cũng gây khó khăn cho các hiệu trưởng, bởi họ phải lo quản lý chuyên môn trong trường, làm sao quản được giáo viên dạy thêm bao nhiêu em, ở chỗ nào. Tổ chức dạy thêm trong trường thì quy định không cho, còn tổ chức ngoài nhà trường làm sao hiệu trưởng kiểm tra được?

Chưa hết, một cán bộ phòng GD-ĐT ở TP.HCM còn kể: “Học thêm là nhu cầu của một bộ phận phụ huynh: tiểu học học thêm vì chương trình nặng quá, phụ huynh nhiều lúc cũng không biết dạy con như thế nào cho đúng; THCS nếu không học thêm thì rất khó đậu vào lớp 10 trường THPT chuyên hoặc trường THPT nổi tiếng; THPT nếu không học thêm thì làm sao thi đại học.

Giáo viên tiểu học ở quận tôi thông tin: phụ huynh hỏi cô có mở lớp dạy thêm không, nếu không thì họ mời sinh viên về nhà dạy kèm”.

“Nếu thật sự muốn triệt tiêu tình trạng dạy thêm, tôi nghĩ phải có một giải pháp đồng bộ.

Trước hết, phải bắt đầu từ việc giảm tải nội dung, chương trình (mà sắp tới, khi tiến hành biên soạn bộ sách giáo khoa mới, các nhà viết sách cần chú ý đến tính thực tiễn của kiến thức, đừng bắt học sinh phải học những điều mà các em không bao giờ sử dụng); cải tiến mạnh mẽ phương pháp thi cử (làm sao để học sinh không cần phải luyện thi cũng có thể đỗ đại học).

Và cuối cùng là thực hiện phương châm “nhà giáo có thể sống được bằng lương”.

Khi làm được điều này, chắc chắn sẽ không còn hoặc còn rất ít trường hợp giáo viên ép học sinh phải học thêm. Nếu có, phải loại bỏ ngay những người này ra khỏi ngành GD-ĐT”.

Một chuyên viên phòng GD-ĐT ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên)

 

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên