21/04/2020 10:56 GMT+7

Không mở rộng tràn lan dự án đầu tư PPP

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ngày 20-4, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án Luật thanh niên (sửa đổi) và Luật người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Không mở rộng tràn lan dự án đầu tư PPP - Ảnh 1.

Các bạn áo xanh Đoàn phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TP.HCM) đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp giúp đỡ hộ có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: VŨ THỦY

Với dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Theo đó, dự thảo luật quy định 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng CNTT).

"Kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia" - ông Thanh nói.

Về cơ chế "ăn chia" giữa nhà đầu tư và Nhà nước, dự thảo lần này được thiết kế cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP với tỉ lệ chia sẻ rủi ro và lợi nhuận được xác định là 50%-50%. 

Trường hợp có rủi ro trong quá trình hợp tác, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý rủi ro chỉ được chia sẻ với điều kiện dự án bị tác động khi Nhà nước thay đổi chính sách, tức là lỗi thuộc về Nhà nước.

Trong khi đó, dự án Luật người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) sẽ siết chặt quản lý người lao động và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Giấy phép hoạt động dịch vụ từ không có thời hạn sẽ chuyển sang có thời hạn 5 năm. Người lao động vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình phải có quy định để kiểm soát thật tốt vì đây là vấn đề sĩ diện quốc gia, và đề nghị cố gắng ứng dụng khoa học công nghệ để có cơ sở dữ liệu tốt hơn nhằm dễ dàng quản lý.

Nên nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên

Bàn về dự án Luật thanh niên (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phải có những công trình đầu tư công được Nhà nước giao cho thanh niên, vừa tạo việc làm vừa tạo điều kiện để thanh niên cống hiến, thể hiện khả năng, vai trò xung kích của mình.

Ngoài ra, "trong điều kiện hiện nay đã cần thiết thành lập Bộ Thanh niên hay không?" - Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề. Dẫn ví dụ đất nước Singapore có dân số ít và diện tích nhỏ họ cũng có Bộ Thanh niên và thể thao, bà Ngân cho rằng VN cần cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, đổi mới cơ chế quản lý.

"Trụ sở đã có sẵn rồi, ngân sách hiện chi cho Đoàn như một bộ, cơ quan ngang bộ, cũng không thêm biên chế mới nhưng thay đổi ruột bên trong. Khi đó Bộ Nội vụ không phải quản lý nhà nước về thanh niên nữa, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn là bộ trưởng Bộ Thanh niên luôn. Tương lai chúng ta có thể nghiên cứu mô hình này" - bà Ngân bày tỏ.

Nếu mở rộng đầu tư PPP có thể tạo ‘rủi ro ở cấp độ quốc gia’ Nếu mở rộng đầu tư PPP có thể tạo ‘rủi ro ở cấp độ quốc gia’

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó có quy định tỉ lệ ăn chia giữa Nhà nước và tư nhân.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên