21/06/2018 11:15 GMT+7

Không liều không làm báo được ở Tây Bắc...

Đ.BÌNH - VŨ TUẤN - CHÍ TUỆ
Đ.BÌNH - VŨ TUẤN - CHÍ TUỆ

TTO - "Làm báo phải có máu liều, phải dũng cảm, lăn lộn, phải đi, phải tư duy và nhận thức. Phóng viên ở vùng Tây Bắc thì cực và vất vả hơn. Không dấn thân, không yêu nghề thì không làm được…"

Không liều không làm báo được ở Tây Bắc... - Ảnh 1.

Phóng viên Thúy Hà (áo kẻ caro đỏ) trong một chuyến công tác, tặng quà cho người dân vùng lũ - Ảnh: Q.TUẤN

Nắm chặt tay các đồng nghiệp "nhà báo thủ đô" sau hơn 10 năm gặp lại, nhà báo Kiều Thiện, một người có hơn 20 năm trong tác nghiệp ở Tây Bắc đã bộc bạch như vậy…

Anh em đồng nghiệp ở Tây Bắc phong Kiều Thiện là "lão tướng" của làng báo Tây Bắc. Gặp lại anh vẫn như ngày nào. Một chiếc áo sơ mi sờn vai, một cuốn sổ trong túi ngực và đôi bàn tay rắn như cây gỗ mọc trên núi đá.

Một mình một xe máy, anh rong ruổi suốt các tỉnh vùng biên từ Quảng Trị đến Thanh Hoá, Điện Biên, lên tận Cao Bằng, Lạng Sơn…

Từ chiếc gậy bị đá "ăn" …

Kiều Thiện có hơn 10 năm làm phóng viên của báo Sơn La, nhưng vì "xe phân khối nào đi làn đường đó" nên anh xin chuyển công tác, sang làm Trưởng văn phòng đại diện báo Nông thôn ngày nay khu vực Tây Bắc.

Kiều Thiện không nói nhiều về lý do chuyển, nhưng hầu hết các đồng nghiệp ở Sơn La đều biết lý do anh chuyển vì anh "mạnh mẽ quá", "dũng cảm quá", "dám" điều tra viết nhiều bài chống tiêu cực ở địa phương. 

"Đấu tránh thì tránh…đâu", và anh ấy đã chọn cho mình một môi trường mới để thỏa sức được lang thang khắp địa bàn Tây Bắc, Đông Bắc.

Nhà báo chỉ gặp may, gặp các đề tài trên những cung đường. Không thể ngồi một chỗ, nghề báo là phải đi, phải sống, phải hiểu thì mới viết được. Mà ở vùng miền núi, biên giới như các tỉnh Tây Bắc, đi lại là một vấn đề cực kỳ gian nan, không dành cho những người nhút nhát, không yêu nghề.

Nhà báo Kiều Thiện - trưởng VPĐD báo Nông thôn ngày nay tại Tây Bắc

Kiều Thiện cho biết, khi ở báo Sơn La, anh đã từng điều tra để viết bài vạch trần lợi cái gọi là lợi ích nhóm, khi có một số người trong đó có cả những lãnh đạo địa phương đã dùng mọi thủ đoạn để hòng chiếm quyền điều hành một công ty vận tải hành khách.

"Mình đầy đủ hồ sơ, tài liệu nhưng báo tỉnh không dám đăng. Khi mình gửi một tờ báo khác đăng thì nhiều báo khác lấy lại, hoặc kêu mình bổ sung thông tin… Lãnh đạo tỉnh cũng như sở, ngành và lãnh đạo báo 'phê phán kịch liệt' việc làm của Thiện, rồi đưa ra chi bộ kiểm điểm hết lần này đến lần khác", anh kể.

"Nhưng mình thẳng, thật, đấu tranh không vụ lợi gì, gặp thẳng chủ tịch, bí thư tỉnh để kiến nghị, và rồi chủ tịch tỉnh phải ra quyết định bác hết các quyết định sai mà phó chủ tịch tỉnh phụ trách đã ký ban hành trước đó. Nếu không có mình, cái công ty xe khách kia không biết lúc đó sẽ rơi vào tay ai".

"Đời phóng viên, làm được những việc như vậy không nhiều, và sau mỗi vụ việc như vậy thấy lòng mình thanh thản", nhà báo này tâm sự.

Cũng trong câu chuyện của mình, Thiện nhớ lại chuyến đi đến bản Xa Hòn, xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu (Sơn La). Anh không ước được cái bản của người Mông ấy cách trung tâm xã bao xa, chỉ biết phải đi bộ hơn 9 giờ đồng hồ mới đến nơi. 

Đường của người Mông không xẻ bên sườn núi mà đi ở giữa "sống lưng". Họ gọi là "dông núi". Muốn đến được bản phải vượt qua hết "dông núi" này đến "dông núi" khác.

Trong chuyến công tác ấy, cây gậy đi bộ bằng thân cây mần tang gần đến nơi đã bị đá "ăn" mòn cả một đoạn, phải bỏ đi. Đi mỏi, đến cái máy ảnh có mấy kg trên vai mà cũng cảm thấy nặng như đeo đá. Bộ quần áo mặc trên người cũng phải cởi ra vì sũng ướt mồ hôi.

Đến "3 cùng" với đồng bào

Đâu chỉ chuyện đi lại, để có thông tin thì phải thực sự "3 cùng" với đồng bào. Phải ở lại với dân bản, nửa đêm thức giấc cùng dân gõ ống tre để đuổi lợn rừng. 

Người Mông ở đây không bắn thú, không phá rừng, không sinh con thứ ba. Cái bản đặc biệt ấy còn hò nhau gùi từng bộ phận của máy dập ngói về, đóng ngói lợp nhà cho cả bản.

"3 cùng" với dân đã giúp Kiều Thiện có phóng sự tâm đắc. Cũng sau bài viết, Kiều Thiện đã đề xuất với chính quyền địa phương mở một điểm trường để con em đồng bào Mông có nơi học chữ, không phải đi xa. Bà con Xa Hòn bây giờ vẫn coi anh như người của bản. Có dịp gặp lại là phải mời bằng được bát rượu mới chịu.

Tây Bắc là thế, đường xa núi cao, năm nào cái lũ, cái bão cũng tàn phá dân bản. Từ tỉnh đến huyện đã xa, từ huyện vào xã lại còn gian nan nữa. Có xã cách trung tâm huyện đến 160km. Có bản ở sâu trong rừng cả nửa ngày đường. Hành trang của nhà báo đi tác nghiệp còn có thêm cả chai nước điếu để… chống vắt cắn.

Nhưng cái khó khăn nhất, nguy hiểm nhất đối với phóng viên vùng cao đó là những cung đường đèo núi cheo leo. Hà Thu Thùy, nữ phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam tại Tây Bắc, kể cô có quá nhiều kỷ niệm và cả những lần hút chết.

"Năm 2007, khi hay tin lũ quét ở Yên Bái, từ Sơn La mình và một đồng nghiệp của đài bắt xe đi luôn. Mưa lũ chia cắt hết đường, con đường từ Sơn La qua Yên Bái phải qua đèo Lũng Lô, cứ một bên là vực sâu, bên là núi cao và thi thoảng vẫn có những đoạn nước lũ tràn từ núi xuống qua đường", Hà Thu Thùy kể.

"Có 1 đoạn dốc trơn, nước lũ tràn đường thì chiếc xe khách mất lái lao luôn xuống vực. Rất may, chiếc xe lao xuống hơn 20m thì mắc lại, một số khách hốt quá nhảy ra thì bị thương, còn mình và đồng nghiệp chỉ biết co rúm ngồi yên, vì thế may mắn không hề hấn gì".

Thoát khỏi "lưỡi hái tử thần", đáng ra bọn mình sẽ chùn lại, quay về, nhưng không chúng mình vẫn quyết định vượt lũ, gọi xe ôm để đến vùng lũ Ba Khe, Cát Thịnh sớm nhất. Chạy cả chục cây số, khi biết mình là nữ nhà báo phải đến vùng lũ sớm nhất để đưa tin, anh xe ôm đã kiên quyết không nhận tiền công.

Nhà báo Hà Thu Thuỳ - Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Bắc

Nhịn đói, nhường dân miếng lương khô

Đầu tháng 8-2017, cơn lũ dữ quét qua Mường La (Sơn La) đã tàn phá gần 400 ngôi nhà, hàng chục người chết, hàng trăm ha hoa màu mất trắng.

Nguyễn Thuý Hà, phóng viên Kênh truyền hình Quốc hội thường trú Tây Bắc, là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại rốn lũ Nậm Păm. 

"Sáng sớm 3-8, khi nghe tin lũ dữ quét qua, xóa sổ một làng thì chúng tôi phi xe vào ngay, nhưng xe chỉ đến được huyện, từ huyện vào xã thì cây cầu Nậm Păm đã bị sập", Hà nhớ lại.

"Chúng tôi phải đi bộ gần chục km vào hiện trường. Gần một ngày tác nghiệp nơi hoang tàn, đổ nát rồi chiều lại vội vã cuốc bộ ra huyện lên xe về viết tin, dựng hình và truyền gửi đến tận nửa đêm. Sớm hôm sau lại vỗi vã vào, cứ lặp đi lặp lại như vậy cả chục ngày ròng…"

Không liều không làm báo được ở Tây Bắc... - Ảnh 4.

Lũ dữ hồi tháng 8-2017 gây ra rất nhiều thiệt hại cho bà con xã Nặm Păm (huyện Mường La, Sơn La) - Ảnh: HÀ THANH

Nhưng theo Thúy Hà, nỗi vất vả của phóng viên tác nghiệp vùng lũ, vùng miền núi không thể sánh với nỗi vất vả, thiếu thốn, khó khăn của người dân: "Cũng đợt lũ Nậm Păm, mỗi ngày chứng kiến bao cảnh hoang tàn, đổ nát rồi những thân phận nghèo khổ của người dân bỗng dưng mất trắng vì lũ mà thương".

"Tôi ám ảnh mãi hình ảnh ngay ngày đầu tiên vào vùng lũ. Khi đến đầu bản Hua Nặm, có 2 mẹ con quần áo cũ kỹ, ẩm ướt ngồi thất thần trên nền móng nhà. Cái móng nhà chơ vơ giữa lổn nhổn bùn, đá là thứ duy nhất còn sót lại của gia đình người phụ nữ này. Ánh mắt người phụ nữ mệt mỏi, như vô hồn nhìn vào không trung. Chị đã mất tất cả, mất chồng và đứa con", Hà kể.

"Ngồi trên nền nhà trơ trọi, hai mẹ con run rẩy vì lạnh và đói. Trong ba lô của mình, có vài phong lương khô để dự phòng mình lấy ra đưa hết cho 2 mẹ con. Trong túi còn hơn 200.000 đồng mình cũng móc ra đưa hết cho chị…"

Hà tâm sự, tác nghiệp trong các đợt lũ, phóng viên thường chẳng biết đến cái mệt, cái đói, cái hoang tàn của vùng cao sau lũ cũng không làm nhóm phóng viên nhụt chí. Mọi người chỉ mong muốn đưa được nhiều thông tin, hình ảnh về tòa soạn, để nhiều người biết mà chia sẻ, giúp đỡ nhanh nhất đến đồng bào.

"Ròng rã hơn hai mươi ngày bám bản phản ánh từng góc đổ nát, từng bước chân gượng dậy sau lũ và cả những tấm lòng sẻ chia giúp đỡ của đồng bào cả nước hướng về Mường La. Sau thời gian ấy, người dân vùng rốn lũ Nậm Păm ai cũng quen với nhóm phóng viên", Thúy Hà tâm sự.

Đời làm báo đi nhiều, vất vả, hiểm nguy cũng nhiều, nhưng lại có rất nhiều niềm vui khi những tác phẩm của mình mang lại những thông điệp ý nghĩa.

Nguyễn Thuý Hà - Truyền hình Quốc hội thường trú Tây Bắc

Món quà "quê hương"

Ở "vùng lõm thông tin" như Tây Bắc thì phóng viên không những phải thông tin kịp thời mà còn phải sống, phải "dân vận". Mỗi bản, mỗi vùng, mỗi dân tộc lại có nhận thức, văn hoá khác nhau nhưng có điểm chung là hiếu khách. Cứ đồng cảm, gần gũi là họ coi như người nhà.

Phóng viên Tây Bắc ai cũng biết nói chút ít tiếng dân tộc. Có khi chỉ là câu chào hỏi nhưng bà con nghe thấy quý lắm. Đã quý là mời rượu, mà đã mời rượu là phải mời cho say. 

Các chị em nhà báo ở Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Bắc vẫn mách nhỏ với nhau cách uống rượu vừa đủ say để chiều lòng bà con, vừa đủ tỉnh để hoàn thành công việc.

Không liều không làm báo được ở Tây Bắc... - Ảnh 6.

Nhà báo Nguyễn Thị Bích Thủy (trái), phó trưởng phòng tiếng dân tộc và đồng nghiệp Hà Thu Thùy, phó phòng phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam tại Tây Bắc - Ảnh: CHÍ TUỆ

Sau mỗi chuyến tác nghiệp, mỗi chuyến đi là những kỷ niệm đẹp, những tình cảm thân thiết với dân với nghề. 

Chị Nguyễn Thị Bích Thuỷ, phó trưởng phòng Phát thanh tiếng dân tộc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc, xúc động kể hơn chục năm trước, chị có chuyến công tác tới Đồn biên phòng Nậm Nhừ (khi đó thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

Khi đoàn công tác chuẩn bị ra về, các cán bộ, chiến sỹ Nậm Nhừ nhất định giữ lại để gửi món quà "quê hương". Món quà người chiến sỹ biên phòng gửi cho đoàn là một túi khế to. Trong đoàn nhiều phụ nữ, đi công tác vùng cao thiếu rau. Các chị có tiết lộ với bộ đội thèm quả chua. 

Không ai nghĩ bộ đội biên phòng tâm lý đến thế, đường về còn xa, thứ quả dân dã chính là bài thuốc của các chiến sỹ biên phòng xua tan mệt mỏi.

Nhớ món quà "quê hương", chị Thuỷ càng thấm thía tình cảm của người dân, cán bộ, chiến sỹ Tây Bắc dành cho nhà báo. 

"Nghề báo còn nhiều vất vả, nhiều nguy hiểm, nhưng được sống trong sự tin tưởng, sẻ chia và cả tình thương yêu của bà con thì cũng đáng để mình chịu thêm vất vả, hy sinh lắm chứ?", chị Thuỷ mỉm cười.

Phóng viên trẻ ngược xuôi bản làng Tây Bắc Phóng viên trẻ ngược xuôi bản làng Tây Bắc

TTO - Thu nhập không bằng anh thợ hồ, bác xe ôm, phóng viên các đài truyền thanh - truyền hình huyện vẫn dấn thân với nghề, bất chấp điều kiện tác nghiệp thiếu thốn.

Đ.BÌNH - VŨ TUẤN - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên