Nếu tôi làm khai sinh cho con và muốn để thông tin của cha trong giấy khai sinh thì cần phải làm thủ tục cha nhận con và phải xét nghiệm ADN không?
Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
- Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Theo quy định tại điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình, nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, quyền, nghĩa vụ đối với con được giải quyết giống như quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Trường hợp bạn chưa đăng ký kết hôn nhưng muốn giấy khai sinh của con có đầy đủ thông tin về cha, mẹ thì phải làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật. Sau đó, thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con.
Hoặc vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh theo quy định tại điều 15 nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Thẩm quyền đăng ký khai sinh trong trường hợp này thuộc UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc mẹ trong trường hợp trẻ được sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài (theo điểm a khoản 1 điều 35 Luật Hộ tịch).
Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký khai sinh; Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 điều 16 của Luật Hộ tịch.
c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con.
Theo đó, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Ngoài ra, người yêu cầu đăng ký khai sinh phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.
Như vậy để làm khai sinh cho con và muốn để thông tin của cha trong giấy khai sinh, bạn cần nộp hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con như trên.
Trường hợp không có kết quả xét nghiệm, giám định ADN thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ này và có ít nhất hai người làm chứng là đáp ứng đúng, đủ quy định để được cấp giấy khai sinh.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận