07/01/2016 11:59 GMT+7

Không hoàn thành nhiệm vụ vì thiếu công trình khoa học

MAI HƯƠNG - THÙY DƯƠNG
MAI HƯƠNG - THÙY DƯƠNG

TT - Nhiều viên chức ở TP.HCM hiện nay bị xem là “không hoàn thành nhiệm vụ” vì quy định phải có ít nhất một công trình, đề tài, sáng kiến được công nhận.

Dù làm rất tốt công việc nhưng nhiều viên chức vẫn đối mặt nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ vì không có công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến. Trong ảnh: nữ hộ sinh Đặng Thị Hồng Nhung (khoa cấp cứu Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) trong ca trực chiều 6-1 - Ảnh: Hữu Khoa
Dù làm rất tốt công việc nhưng nhiều viên chức vẫn đối mặt nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ vì không có công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến. Trong ảnh: nữ hộ sinh Đặng Thị Hồng Nhung (khoa cấp cứu Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) trong ca trực chiều 6-1 - Ảnh: Hữu Khoa
“Quy định yêu cầu sáng kiến phải đem lại hiệu quả, phải được nhân rộng trong đơn vị mới có thể công nhận nên không phải anh em nào nộp lên cũng đạt. Tôi cho rằng yêu cầu có sáng kiến, công trình khoa học này chỉ nên áp dụng với khung đánh giá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”

Ông Trần Văn Thành 

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ kiến nghị về những điểm chưa phù hợp trong các quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. 

Cụ thể, quy định tại điểm đ, khoản 1, điều 25 nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức nêu rõ:

Đối với viên chức đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ (điều 26) và hoàn thành nhiệm vụ (điều 27) phải “có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.

Do đó trong thời gian chờ điều chỉnh hoặc sửa đổi nghị định, trước mắt trong năm 2015 UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ có văn bản thông báo theo hướng tạm thời cho phép chưa áp dụng tiêu chí nêu trên trong đánh giá và phân loại đối với viên chức.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế TP.HCM, cho biết trước phản ảnh của nhiều bệnh viện về vướng mắc trong khi đánh giá viên chức không hoàn thành nhiệm vụ theo nghị định 56, Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND TP xin ý kiến về việc này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoài Trung - phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết Bộ Nội vụ chưa có văn bản trả lời kiến nghị của TP. Do vậy vẫn phải căn cứ theo nghị định của Chính phủ để thực hiện, TP.HCM không thể làm khác.

Như vậy có nghĩa là viên chức muốn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều phải có sáng kiến được hội đồng có thẩm quyền của đơn vị đang công tác công nhận.

Nhiều bác sĩ cho rằng phải bận rộn khám và chữa bệnh nên không còn thời gian nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM khám cho một người dân - Ảnh: Hữu Khoa
Nhiều bác sĩ cho rằng phải bận rộn khám và chữa bệnh nên không còn thời gian nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM khám cho một người dân - Ảnh: Hữu Khoa

Rất ít viên chức hoàn thành nhiệm vụ

UBND TP.HCM nhận thấy quy định này không phù hợp với tình hình thực tế vì có nhiều viên chức đạt được tất cả tiêu chí, hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao, kể cả nhiệm vụ đột xuất, nhưng không có công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến trong năm sẽ rơi vào mức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không biết đánh giá, kết luận ở mức nào.

Điều này tạo nên tâm lý hoang mang và không yên tâm công tác, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

“Nói về điều này đau lòng lắm” - đó là ý kiến của nữ hộ sinh Võ Thị Ngọc Diệp, điều dưỡng trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Hùng Vương, về việc triển khai đánh giá viên chức theo nghị định 56.

Chị Diệp chia sẻ điều mà các điều dưỡng lo lắng nhất là sợ giảm biên chế vì hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc.

Điều lo lắng thứ hai là không được nhận thưởng tháng lương thứ 13. Ngoài thu nhập ở bệnh viện, điều dưỡng không còn nguồn thu nhập nào khác.

Cả năm làm việc siêng năng, hết lòng chăm sóc người bệnh, cuối năm chỉ mong được thưởng tháng lương thứ 13 (thưởng tết), nhưng giờ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì đâu được nhận thưởng? Người lao động còn thấy sự cố gắng của mình chưa được ghi nhận nên buồn và rất hoang mang.

Chị Diệp kể để đối phó với nghị định này, một số nhân viên trong bệnh viện khác đã có sáng kiến rất hài hước.

Ví dụ, một nhóm điều dưỡng làm ở khoa chống nhiễm khuẩn đi giặt đồ cho rằng nếu đổ xà bông, dầu xả trực tiếp trên vải sẽ làm mục, loang lổ vải nên đã cho xà bông vô nước quậy đều, sau đó cho vải vào ngâm và gọi đó là sáng kiến của nhóm, trong khi đây đã là hướng dẫn của các nhà sản xuất khi sử dụng xà bông.

Làm việc ở Bệnh viện Hùng Vương mười năm nay, mỗi khi bình bầu cuối năm bác sĩ Lương Thị Yến Nhi, phó khoa cấp cứu Bệnh viện Hùng Vương, đều đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng năm nay áp dụng theo nghị định 56 thì bác sĩ Nhi không hoàn thành nhiệm vụ.

Bác sĩ Nhi cũng cho rằng khi người lao động đã làm hết tốc lực rồi, chỉ vì không có nghiên cứu hay sáng kiến mà cuối năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì rất vô lý.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Viễn, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Hùng Vương, cho rằng chỉ có những người làm nghiên cứu khoa học mới hoàn thành nhiệm vụ, toàn bộ người lao động còn lại không hoàn thành nhiệm vụ.

Mỗi lần nghiên cứu khoa học phải làm đề cương nghiên cứu rồi trình lên hội đồng, hội đồng họp lại, nếu được duyệt mới được tiến hành nghiên cứu.

Thường những người học sau đại học phải có nghiên cứu mới ra trường được nên đã đầu tư thời gian làm nghiên cứu, chứ các bác sĩ dành thời gian khám, điều trị bệnh, tiếp xúc với bệnh nhân giải thích cho bệnh nhân đã không đủ thời gian thì lấy đâu thời gian để nghiên cứu.

Nếu theo nghị định này ai cũng đi nghiên cứu thì ai sẽ làm việc? Một vấn đề nữa là đầu năm không nghe nói gì hết, những tháng cuối năm mới biết áp dụng nghị định này.

Nhiều người lao động cả 12 tháng đều được xếp loại A, nhưng cuối năm lại được đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”, gây “sốc” cho rất nhiều người lao động.

Thiếu chặt chẽ, chưa khoa học

Nhiều giám đốc bệnh viện đều thấy điểm bất hợp lý của nghị định này nhưng ngại nêu tên trên báo. Một giám đốc bệnh viện tại TP.HCM cho biết nghị định 56 được triển khai xuống các bệnh viện vào tháng 8-2015, khi chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc một năm.

Dù đã chuẩn bị khá tốt phần sáng kiến cho nhân viên nhưng cũng chỉ giúp được hơn 70 nhân viên trong bệnh viện hoàn thành nhiệm vụ, còn rất nhiều người lao động của bệnh viện vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Dù người lao động không hoàn thành nhiệm vụ theo đánh giá của nghị định 56, nhưng bệnh viện vẫn ghi rõ không hoàn thành nhiệm vụ vì không có sáng kiến hoặc có bệnh viện vẫn ghi hoàn thành nhiệm vụ nhưng đóng mở ngoặc bên cạnh là không có nghiên cứu, sáng kiến.

Trong khi đó ông Trần Văn Thành, trưởng phòng tổ chức Lực lượng Thanh niên xung phong TP, cho biết cơ quan ông đang trong quá trình bình bầu, xét thi đua.

Số lượng viên chức có sáng kiến, công trình nghiên cứu khoa học, đề án, đề tài không nhiều. Đã vậy, số sáng kiến đạt tiêu chuẩn để công nhận lại rất ít. Tính đến ngày 28-12-2015 chỉ mới công nhận được 20 sáng kiến, sắp tới sẽ đem ra xét thêm hơn 100 sáng kiến.

Lực lượng Thanh niên xung phong TP có tổng cộng 768 viên chức. Với tình hình này, số viên chức đạt được điều kiện cần - nghĩa là có sáng kiến, công trình khoa học - để được xét thi đua chỉ chiếm xấp xỉ 10%.

“Quy định yêu cầu sáng kiến phải đem lại hiệu quả, phải được nhân rộng trong đơn vị mới có thể công nhận nên không phải anh em nào nộp lên cũng đạt.

Tôi cho rằng yêu cầu có sáng kiến, công trình khoa học này chỉ nên áp dụng với khung đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”- ông Thành bày tỏ quan điểm.

Cũng theo ông Thành, nghị định 56 của Chính phủ rất bất hợp lý ở chỗ nếu viên chức không có sáng kiến thì không biết xét vào mức thi đua nào.

“Thông thường, nếu ông không đạt các tiêu chí ở mức 1 sẽ rơi xuống mức 2, không đạt mức 2 thì rơi xuống mức 3. Còn đằng này nếu không có sáng kiến thì không thể rơi vào mức nào cả. Trong khi đó, các tiêu chí để đánh giá anh “không hoàn thành nhiệm vụ” lại cũng không quy định rõ “không có sáng kiến thì bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ”.

Từ đó có thể thấy quy định tại nghị định 56 thiếu chặt chẽ, không khoa học.

Ông Thành cho biết trong thời gian chờ trung ương điều chỉnh nghị định và cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện, Lực lượng Thanh niên xung phong TP tạm thời chỉ đưa tiêu chí có sáng kiến, công trình khoa học để bình xét viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Còn lại các mức “hoàn thành nhiệm vụ” và “hoàn thành tốt nhiệm vụ” chưa áp dụng tiêu chí này. 

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM):

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết 
- Ảnh: Thùy Dương
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Ảnh: Thùy Dương

Hơn 1.000 nhân viên, chỉ hơn 10 người đạt

Từ khi bệnh viện triển khai nghị định 56/2015/NĐ-CP đánh giá viên chức năm 2015, hầu hết người lao động đều cảm thấy hoang mang trước đánh giá này.

Tiêu chí đánh giá này có thể phù hợp ở những viện nghiên cứu, chứ nhiệm vụ chính của bệnh viện là khám và điều trị bệnh chứ không phải làm nghiên cứu khoa học.

Tất nhiên trong bệnh viện vẫn phải làm nghiên cứu khoa học để phát triển bệnh viện, nhưng nghiên cứu không phải là nhiệm vụ chính của bệnh viện. Do vậy, lấy tiêu chí này để đánh giá người lao động “hoàn thành nhiệm vụ” là rất vô lý. 

Bệnh viện Hùng Vương lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Một năm 365 ngày người lao động phục vụ người bệnh hết lòng, hết sức, không ngại ngày thứ bảy, chủ nhật đi làm nhưng cuối cùng vẫn bị đánh giá là “không hoàn thành nhiệm vụ” chỉ vì không có đề tài nghiên cứu khoa học, không có sáng kiến.

Đứng ở góc độ người quản lý, tôi nhận thấy điều này vô lý và cũng không đành lòng hạ bút để ký đánh giá nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ. 

Hiện bệnh viện có hai bảng đánh giá người lao động, một bảng đánh giá theo cách cũ và một bảng đánh giá theo nghị định 56 này.

Bệnh viện Hùng Vương có hơn 1.100 nhân viên, khi đánh giá viên chức theo nghị định 56 này thì chỉ có hơn 10 người đạt mức hoàn thành nhiệm vụ. Bệnh viện đã đánh giá viên chức nghiêm túc theo nghị định này.

Những nghiên cứu của bệnh viện đều đã được hội đồng khoa học công nghệ của bệnh viện duyệt, không phải như một số nơi sau khi nghị định ra bắt đầu họp lại và cứ thay đổi quy trình một chút đã gọi là sáng kiến để đối phó với nghị định 56.

Điểm đánh giá này không phù hợp nên rất mong cơ quan chức năng điều chỉnh cho sớm để phù hợp với thực tế, cho người lao động an lòng. 

MAI HƯƠNG - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên