29/04/2016 13:45 GMT+7

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

TRẦN VŨ NGHI - ÁNH HỒNG
TRẦN VŨ NGHI - ÁNH HỒNG

TTO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại hội nghị “Doanh nghiệp - Động lực phát triển kinh tế” tổ chức sáng nay, 29-4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định

Chủ trì hội nghị Thủ tướng đề nghị đại biểu phát biểu ngắn gọn, thẳng thắn, thiết thực, trực tiếp về những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể để cùng tháo gỡ rào cản để phát triển.

Có đến 1.000 người đã tham gia buổi đối thoại tại Hội trường Thống nhất (TP.HCM) dù dự kiến ban đầu 500 người. Cộng với số lượng đại biểu tham gia tại các đầu cầu tính ra số người tham dự Hội nghị của Thủ tướng lên đến 10.000 người.

Không hình sự hóa quan hệ hành chính và kinh tế

Thủ tướng mong muốn cuộc gặp với doanh nghiệp phải thực chất, có ý nghĩa cho tổ quốc và có ích cho doanh nghiệp.

“Chúng ta nên tránh bệnh hình thức. Gặp là phải nghe và tháo gỡ cho DN để phát triển thực sự. Sau khi nghe vướng mắc, kiến nghị của DN các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh phải có phát biểu rõ ràng để giải quyết trực tiếp những tâm tư, khó khăn mà DN trình bày. Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng hiến pháp, đổi mới loại bỏ giấy phép cũ lạc hậu, bảo vệ quyền kinh doanh, tài sản của doanh nghiệp, của công dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.  

“Kết quả của hội nghị là phải tạo niềm tin để mọi người hăng hái bắt tay vào lao động sản xuất kinh doanh tốt hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn. Đó cũng là mở đầu giai đoạn mới trong đối thoại thẳng thắn, cầu thị, chân thành”.

Thủ tướng cũng cho rằng, rào cản về thủ tục hành chính “lớn lắm”. Và đặc biệt, công tác chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước hiện gặp vô cùng khó khăn. 

“Chính vì vậy, tinh thần lớn nhất của Chính phủ là không hình sự hóa hoạt động hành chính và kinh tế . Còn doanh nghiệp  thì phải làm sao để thực hiện văn hóa doanh nghiệp, thể hiện sự liêm chính, đóng góp vào việc bảo vệ cộng đồng và môi trường thế nào cho đúng tinh thần của một doanh nghiệp chân chính”, Thủ tướng yêu cầu.

Do đó, Chính phủ làm thế nào đó để ít nhất phải tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cũng như tạo được niềm tin cho một xã hội  tốt đẹp để mọi người hăng hái bắt tay vào sản xuất.

“Trên tinh thần đó, sự thẳng thắn, cầu thị, chân thành sẽ được thực hiện xuyên suốt để doanh nghiệp có được điều kiện phát triển tốt nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp thua lỗ, hòa vốn chiếm 58% doanh nghiệp còn hoạt động

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cho biết 941.000 DN thành lập, trong đó 513.000 DN còn hoạt động.

Điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động và giải thể diễn ra trong ba năm gần đây và đang có xu hướng gia tăng, riêng trong năm 2015 có 80.000 DN đã phải rời khỏi thị trường riêng trong quý 1-2016 tiếp tục có gần 23.000 DN giải thể và ngừng hoạt động.

Hiệu quả hoạt động của các DN cũng không mấy lạc quan. 42% DN hoạt động có lãi, mức này dù có cải thiện so với những năm trước đó nhưng việc có chưa đầy một nửa số DN kinh doanh có lãi trong nền kinh tế là điều không bình thường cho thấy hiệu quả kinh doanh của DN còn thấp.

Sau những năm sóng gió suy giảm về sản xuất và niềm tin, gần đây nền kinh tế bắt đầu khởi sắc tuy nhiên đà hồi phục còn yếu. Ngay trước thềm hội nghị VCCI đã có báo cáo gần 200 trang gửi Thủ tướng.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định

Theo ông Lộc, 5 năm tới là giai đoạn đặc biệt quan trọng với DN VN, bước vào hội nhập sâu rộng. DN chính là nhân tố quyết định thành bại của nền kinh tế, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, cần tập trung toàn lực phát triển DN.

Thay mặt doanh nghiệp ông Lộc đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết chương trình quốc gia khởi nghiệp, khôi phục niềm tin cho DN. Muốn vậy phải thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân, đảm bảo không lập lại những việc không thể chấp nhận được như vụ việc tại quán cà phê Xin Chào mà đích thân Thủ tướng đã phải ra tay can thiệp.

Tất cả cơ quan hành chính phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, công bố trên trang web số điện thoại đường dây nóng lãnh đạo để người dân, DN phản ánh bất kỳ vướng mắc, khiếu nại nào. Nếu có phát hiện vi phạm cần phải xử lý nghiêm để làm gương, nằm tạo niềm tin cho DN.

Ngoài ra phải khuyến khích phát triển DN mới hướng tới DN có 1,5 - 2 triệu DN hoạt động có hiệu quả năm 2020. 

Ông Lộc cũng đề nghị phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho doanh nghiệp.

Thứ đến, phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Cần môi trường chính sách thông thoáng

Theo ông Diệp Dũng - chủ tịch HĐQT Saigon Co.op - trong 9 năm gia nhập WTO, DN đang đứng trước cơ hội và thách thức to lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Bán lẻ hiện đại chiếm 25% thị phần bán lẻ, khắc phục những nhược điểm của bán lẻ truyền thống, từng bước mở rộng đến thị trường nông thôn.

Đóng góp vào GDP của ngành bán lẻ đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng, thể hiện sự đóng góp ngày càng tăng của lĩnh vực này. Cộng đồng DN và chuyên gia kinh tế cũng nhận định ai nắm được thi phần và điểm bán lẻ sẽ nắm được không gian kinh tế của quốc gia, kể cả không gian điều chỉnh của hoạt động của chính phủ.

Hiện các DN bán lẻ quốc tế ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường trong nước.

Tuy nhiên, thách thức thứ nhất là các nhà thương thảo hiệp định trong nước còn non trẻ, nên cần có thời gian và lộ trình để bảo vệ bán lẻ trong nước. Nhưng việc triển khai, cụ thể hóa như thế nào để lộ trình này thì còn chậm, dù DN không ngại cạnh tranh một cách công bằng.

Trong hội nhập công cụ để giữ vững thị trường bán lẻ là mua bán, sáp nhập. Nhưng điều này chỉ đang thuận lợi với DN FDI. Trong khi DN trong nước, khi muốn làm một thương vụ, thì phải xin được GP đầu tư ra nước ngoài.

“Chúng tôi kiến nghị CP xem xét xây dựng chiến lược phát triển bán lẻ đến năm 2020, trong đó  xây dựng 20 DN bán lẻ tron nước có thực lực để cạnh tranh, và tháo gỡ những khó khăn cho các thương vụ M&A”, ông Dũng đề nghị.

Muốn vậy, việc tháo gỡ khó khăn trong chính sách để DN tiếp cận được cơ hội M&A hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Rà soát các loại hình, điều kiện kinh doanh để loại bỏ giấy phép con

Theo bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, ngoài việc rà soát lại các điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhằm loại bỏ hoàn toàn các loại giấy phép “con”, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, sắp tới Bộ Công thương sẽ nhanh chóng phối hợp với các bộ ngành khác đưa các thông tin liên quan đến việc cấp giấy phép, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh lên các cổng thông tin quốc gia, website bộ một cách công khai minh bạch.

“Với lĩnh vực bán buôn bán lẻ, bộ đã xây dựng xong chiến lược phát triển ngành bán lẻ đến năm 2035, bảo đảm trong nước có một hệ thống bán lẻ đủ mạnh, đủ sức để cạnh tranh với DN bán lẻ nước ngoài, đảm bảo lợi ích hài hòa của doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng khi hội nhập của ngành bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới”, bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết. 

Quang cảnh hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định
Quang cảnh hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định

DN như "xác sống" ở VN rất lớn

Ông Trần Bắc Hà - chủ tịch Hội đồng quản trị NH BIDV - kiến nghị dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, hạn chế và bỏ thông tư vì chính thông tư mới đẻ ra giấy phép con. Ngoài ra cần có cơ chế giám sát cán bộ công chức vô cảm, nhũng nhiễu người dân.

Theo ông Hà,  Luật doanh nghiệp ban hành đã hơn 10 tháng nhưng có khoảng trống chưa được hướng dẫn. Luật phá sản ban hành đã lâu nhưng đến nay mới có 336 đơn phá sản như vậy là quá ít (trong số rất nhiều doanh nghiệp phá sản).

“Tình trạng DN như "xác sống" rất lớn ở VN. Bên cạnh đó thuế và hải quan đăng ký điện tử tốt nhưng phải kiểm chứng từ DN, chứ không chỉ nên dựa vào báo cáo của các bộ, phải nghe từ DN”, ông Hà nói.

Riêng về tín dụng, hiện nguồn vốn tín dụng bằng bằng 100% GDP trong khi các nước Asean là 70%. Nhiều năm qua tín dụng vẫn là kênh cấp vốn chủ yếu cho DN và nền kinh tế.

Lãi suất cho vay hiện nay ở VN từ 7-11%/năm ở kỳ hạn ngắn và trung dài hạn. Giá vốn hiện nay của các NH rất cao, lên đến 7,8%/năm vì ngoài giá vốn huy động các NH còn phải trích dự phòng rủi ro, dự trữ thanh toán, chi phí quản lý hoạt động ngân hàng.

Trong khi đó lãi suất cho vay bình quân chỉ 8,5% từ đó dẫn đến chênh lệch thực tế LS giữa huy động và cho vay của NH chỉ còn 0,69% trong khi chênh lệch ròng của các NH trong khối Asean là 2,2 - 2,5%.

“Rõ ràng trong điều kiện như hiện nay việc giảm LS cho vay là rất khó, nhưng tôi cho rằng vẫn thực hiện được nhưng kèm điều kiện xin NHNN giảm dự trữ bắt buộc. Vì hiện nay dự trữ bắt buộc đối với VND kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%, với kỳ hạn trên 12 tháng là 1%, với ngoại tệ khoảng 8% cho kỳ hạn ngắn và 6% cho kỳ hạn dài.

Chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới cần tiết giảm 1% với dự trữ bắt buộc với VND và 3% với ngoại tệ còn dự trữ bắt buộc theo Thông tư 36 dự kiến 10% tôi đề nghị nên ở mức 8%”, ông Hà đề nghị. Riêng BIDV cam kết hôm nay 29-4, sẽ giảm LS chi vay các kỳ hạn ngắn với mức 0,5%/năm. Lãi suất cho vay trung dài hạn không quá 10%.

“Chính phủ đã siết đầu tư công, chi tiêu công thì chúng tôi đề nghị năm nay nên giảm bớt phát hành trái phiếu để giảm bớt áp lực lại suất và áp lực về vốn trung hạn. Mức tiết giảm nên là 10% trên khối lượng 220.000 tỉ năm nay”, ông Hà kiến nghị thêm.

Ngoài ra cần đẩy mạnh tái cấp vốn cấp bù lãi suất của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Theo quy định NH được tái cấp vốn 70% nhưng thực tế NH chỉ được tái cấp vốn rất ít. Ông Hà cũng xin sửa đổi Thông tư 36 theo hướng có lộ trình áp dụng 24 tháng cho quy định sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Đào tạo lại đạo đức công chức ngành hải quan, thuế 

Phát biểu tại hội nghị, bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng việc xóa bỏ mọi rào cản để phát triển kinh tế của đất nước là một trong những trọng tâm của Bộ Tài chính trong thời gian tới.

Ông Dũng cho rằng bộ đã thường xuyên mở đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế và hải quan, cũng như xây dựng luật 71 sửa đổi bổ sung 5 luật thuế, luật hải quan… Trong quá trình làm luật rất nhiều khó khăn đã được giải quyết.

"Cũng có ý kiến cho rằng luật của VN có tuổi thọ quá ngắn, nên việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính vẫn cần được thực hiện. Trong đó, mục tiêu giảm số lượng thời gian nộp thuế, hiện đại hóa công nghệ thông tin với thuế và hải quan rất được chú trọng", ông Dũng nói. 

Theo bộ trưởng Dũng, Bộ Tài chính đã thấy doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong vấn đề nộp thuế, thông quan hàng hóa. 

Đây là hai vấn đề mà bộ tài chính sẽ quyết liệt tập trung giải quyết trong thời gian tới. Cũng như đẩy nhanh tiến độ hải quan một cửa quốc gia, nghiên cứu về việc tỉ lệ DN nộp thuế quá cao, đến 48% lợi nhuận, theo hướng không để tình trạng này tiếp diễn.

Đặc biệt, việc đào tạo lại đạo đức công vụ, thuế, hải quan cũng hết sức quan trọng.

"Quy định tốt, nhưng người thực hiện không tốt thì mọi nỗ lực cải cách đều bị tắc", ông Dũng nhấn mạnh.

Giảm bớt phí, thuế để hỗ trợ doanh nghiệp

Từ các địa phương, nhiều hiệp hội DN cũng gửi đến Thủ tướng những kiến nghị trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN.

Liên quan đến nhóm thuế và hải quan, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN cho rằng cần có chính sách miễn trừ thuế thu nhập DN ngành đối với các đơn hàng cơ khí xuất khẩu như một số quốc gia khác đã làm, để khuyến khích các DN cơ khí xuất khẩu.

Trong khi đó, Hiệp hội cơ điện từ Bình Dương kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội có mức thuế ưu đãi từ 5 - 7,5% cho DN VN sản xuất được sản phẩm cơ cơ điện đạt tiêu chí như có đăng ký nhãn hiệu tại VN, có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm được Bộ Công thương phê duyệt là sản phẩm trong nước sản xuất…

Hiệp hội Công thương TP.HCM cũng đề nghị ngoài những phí và lệ phí đã được quy định, Chính phủ cần kiểm soát để hông được phát sinh những loại phí và lệ phí khác để không gây tổn hại cho DN.

Các hiệp hội cho rằng ưu đãi về thuế cần rõ ràng, cắt giảm thời gian hoàn thuế cho DN để DN có nguồn vốn phát triển.

Mặt khác, để được hưởng các khoản ưu đãi về thuế, DN phải vượt qua các thủ tục và điều kiện phức tạp cho nên khó thực thi. Đề nghị nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện để các biện pháp ưu đãi cho doanh nghiệp có thể đi vào cuộc sống.

Một trong những nội dung được các hiệp hội DN địa phương kiến nghị nhiều là sớm có cơ chế, tháo gỡ để giúp DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn, nhanh chóng phát triển.

Theo kiến nghị của Hội doanh nghiệp Q.Hải An, Hải Phòng, hiện nay đa số các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về tài chính.

Nếu như doanh nghiệp lớn tìm cách xoay sở, vay được vốn từ thị trường “chợ đen” với mức 1% thì những DN nhỏ phải xở từ thị trường tín dụng này ở mức 6% trên tổng số vốn đầu tư. DN thiếu vốn trong khi việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng lại chậm và chưa đều.

Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP Hà Nội cũng kiến nghị việc tiếp cận vốn gặp khó khăn do điều kiện của Ngân hàng và DN chưa đồng thuận.

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc dù lãi suất vay đã được cải thiện nhưng hiện vẫn còn cao. Các DN vừa và nhỏ khó có thể hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Điều kiện vay vốn tín dụng của các DN vừa và nhỏ còn khó khăn vì DN không có tài sản thế chấp.

Hầu hết các hiệp hội DN đều cho rằng lãi suất cho vay có giảm nhưng DN khó tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng. DN không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn, mặt khác tiêu thụ hàng hóa vẫn còn chậm nên khả năng hấp thu vốn của DN còn yếu.

Trong khi đó, lãi suất cho vay trung và dài hạn còn khá cao, DN gặp khó khăn trong việc đổi mới công nghệ.

Theo Hiệp hội DN Thanh Hóa, nếu DN tư nhân được ưu tiên vay vốn ODA, hiệu quả sử dụng sẽ cao hơn DN nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, số DN tư nhân vay được ODA mới đếm trên đầu ngón tay.

“ODA là nguồn vốn có lãi suất thấp, thời hạn cho vay lâu, DN Nhà nước vay được thì đã là lợi thế cạnh tranh quá lớn, tạo cạnh tranh không bình đẳng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đại diện Hiệp hội DN Thanh Hóa nói.

NHƯ BÌNH ghi

"Đừng tưởng Thủ tướng không biết đâu nhé"!

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ kiểm tra việc ký cam kết tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp giữa VCCI, UBND TP.HCM và UBND TP Hà Nội bằng các hành động cụ thể, và làm thực chất.

Với truyền thống tôn trọng doanh nghiệp, tôn vinh doanh nhân, thủ tướng cho rằng Đảng và Nhà nước đã tập turng làm thể chế, làm chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Sự thay đổi này rất nhiều, chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế cạnh tranh. Nên doanh nghiệp, doanh nhân VN đã có công rất lớn trong việc xây dựng đất nước giàu mạnh.

Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn phát triển mới, cần nhìn nhận thực chất bức tranh hiện tại là môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa được thuận lợi.

Các luật ban hành còn chậm so với thực tiễn. Các thông tư, luật, nghị định hướng dẫn vẫn còn rối rắm, nên vẫn còn nhiều “kêu ca” trong đời sống. Các luật, thông tư hướng dẫn không rõ ràng, đưa đến nhiều cảm tính, nhiều cách hiểu khác nhau, gây nhiều hệ lụy trong cuộc sống.

Chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vươn ra biển lớn, chưa có nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn hóa trên thị trường. Thực trạng DN có quy mô nhỏ, chưa kết nối được với DN FDI càng cao.

Tình trạng phí chồng phí, gây khó khăn cho DN, trong đó một bộ phận đảng viên, công chức đã góp phần gây ra những phiền hà, trở ngại này. Các địa phương chưa có nhiều thay đổi rõ nét trong đổi mới năng lực cạnh tranh tranh, cải cách thủ tục hành chính.

Đừng tưởng Thủ tướng không biết đâu nhé. Tôi không phải không biết có tình trạng “cưa đôi” của mấy ông
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng yêu cầu DN phải xây dựng chiến lược phát triển trong hội nhập, văn hóa doanh nhân, “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Đổi lại, Chính phủ, Nhà nước khi ban hành chính sách thì không được làm chính sách theo kiểu sáng nắng chiều mưa, không được hồi tố chính sách.

Các cơ quan nhà nước khi ban hành chính sách thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chính sách của mình đưa ra. Phải coi doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ. Cơ quan nhà nước phải thấm nhuần tư tưởng này để thực hiện trong thực tiễn.

Song song đó, Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, thành lập doanh nghiệp để làm ăn. Chính phủ, các bộ ngành sẽ tiếp tục giải quyết những vướng mắc trong luật doanh nghiệp, luật đầu tư mà doanh nghiệp đã phản ánh. Tiếp tục đẩy mạnh, hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp trong nước.

Thủ tướng yêu cầu tập hợp rà soát các quy định về quản lý nhà nước, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Cơ quan nhà nước phải đổi mới tư duy, và doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Trước mắt, sẽ không tăng thuế, phí, lãi vay ngân hàng, đặc biệt sẽ giảm 1% khi cho vay cho khoản vay trung dài hạn, lĩnh vực ưu tiên.

Thủ tướng cũng yêu cầu thanh tra, kiểm toán thuế cần minh bạch để chống tiêu cực.

Thủ tướng cho rằng bộ máy hành pháp, tư pháp, lập pháp cần phải hợp lực để tạo môi trường mới cho doanh nghiệp hoạt động.

“Chính phủ đã có một nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp và sẽ thảo luận trong thời gian ngắn tới. Một đất nước anh hùng, dân tộc anh hùng thì không thể chỉ hơn được Lào và Campuchia”, thủ tướng nhấn mạnh. 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRẦN VŨ NGHI - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên