02/12/2022 05:45 GMT+7

Không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết

THẢO THUƠNG
THẢO THUƠNG

TTO - Giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, theo dõi sát biến động thị trường... để không đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.

Không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết - Ảnh 1.

Sơ chế, đóng gói dưa leo tại WinEco Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM chiều 17-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là những giải pháp được nhắc đến trong diễn đàn "Kết nối tiêu thụ các nông sản chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023" do Bộ NN&PTNT tổ chức trực tuyến ngày 1-12. 

Ông Phạm Huy Huệ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, Sở NN&PTNT TP.HCM - cho biết trong dịp Tết Nguyên đán, TP có nhu cầu khoảng 370.000 tấn rau củ quả nhưng nguồn tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Nhu cầu thịt heo là 230.000 con, TP đáp ứng 8 - 10% và nhu cầu khoảng 450.000 tấn thủy hải sản nhưng khả năng cung ứng đạt khoảng 15%...

Do đó, theo ông Huệ, nguồn cung hàng hóa cung ứng cho người dân trên địa bàn trong dịp Tết chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung ứng tại các tỉnh lân cận. Ông Nguyễn Quốc Đạt, phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết dù giá cả không thuận lợi cho người chăn nuôi nhưng số lượng dự trữ nguồn cung cho dịp cuối năm tương đối ổn định. 

Dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết sẽ giảm so với những năm trước bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, các đô thị lớn chỉ tự cung ứng được khoảng 20 - 40% nhu cầu của người tiêu dùng, còn lại phải nhập từ các địa phương xung quanh. Do đó, theo ông Đạt, vấn đề đảm bảo vệ sinh thực phẩm cần được giám sát chặt.

Ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT - đề nghị các địa phương cung cấp những số liệu để tổ diễn đàn có thông tin cụ thể cung cấp đến các doanh nghiệp, các đối tác đảm bảo hàng hóa không bị ứ đọng trong các chuỗi lưu thông. 

"Rất mong các doanh nghiệp tính đến việc đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường không chỉ ở phía Nam mà cả phía Bắc, đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy mới đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân không chỉ vùng ĐBSCL mà đối với cả nước, hướng tới thị trường xuất khẩu", ông Hòa nói.

Theo bà Phạm Thị Huân - Công ty CP Ba Huân, đơn vị này đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa bằng nhiều hình thức, đồng thời giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bà Huân đề nghị được hỗ trợ để cung ứng hàng hóa tiêu dùng đến khu vực nông thôn.

Cũng tại diễn đàn, đại diện sở NN&PTNT các địa phương đều khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung hàng hóa nông sản, thực phẩm trong dịp Tết cho người dân trên địa bàn, đồng thời cung ứng cho các đô thị lớn có mức tiêu thụ cao, với mức giá không biến động nhiều.

Theo ông Phạm Trường Yên - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đây là cơ hội rất lớn để các hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm. "Hầu hết các nhà vườn đã có liên kết với các doanh nghiệp, thương lái để bao tiêu sản phẩm trong dịp Tết", ông Yên nói.

TP.HCM: Dịp Tết, nguồn cung nông sản 80% phụ thuộc vào các tỉnh lân cận TP.HCM: Dịp Tết, nguồn cung nông sản 80% phụ thuộc vào các tỉnh lân cận

TTO - Dịp Tết Nguyên đán, TP.HCM có nhu cầu khoảng 370.000 tấn rau củ quả, nhưng thành phố đáp ứng được khoảng 20%; thịt heo là 230.000 con, thành phố đáp ứng được 8-10% nhu cầu; về thủy sản cần khoảng 450.000 tấn, cung ứng được khoảng 15%...

THẢO THUƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên