Xe chở hàng nông sản Việt Nam chờ làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu - Ảnh: L.Hòa |
Chuyện dội chợ không mới, “điệp khúc được mùa rớt giá” nhiều lần được cất lên tại các kỳ họp Quốc hội khi bàn về tiêu thụ nông sản nhưng chậm được khắc phục.
Sự kiện dưa ế, trước đó là người trồng rau củ, hoa khóc ròng vì hàng dội chợ... cho thấy trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chẳng có mối liên kết nào cả, hoặc có nhưng lỏng lẻo nên nhà nông luôn nắm dao đằng lưỡi.
Cũng đã có “thuốc” giúp nhà nông thoát cảnh “dội chợ”. Đó là sự liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến. Hai bên sản xuất theo hợp đồng, xuống giống khi đã biết người tiêu thụ, giá cả, lời lỗ rõ ràng...
Nhưng đến nay, với nhiều sản phẩm vẫn thiếu vắng sự liên kết, cả cơ quan quản lý và nhà nông chưa biết làm thế nào để rút ngắn khoảng cách từ sản xuất đến tiêu thụ, giảm đi các khâu trung gian.
Nông dân chỉ có mảnh ruộng. Họ không thể tìm thị trường, chẳng thể xây kho bảo quản hay chế biến, lại vẫn quen sản xuất theo kiểu cầu may.
Doanh nghiệp thì cần nông dân sản xuất số lượng lớn, ổn định, đủ để họ xây kho bảo quản, nhà máy chế biến, tìm thị trường tiêu thụ ở nước ngoài.
Muốn vậy, cần phải có quy hoạch trồng gì, nuôi con gì. Rồi phải tính đến làm ăn lớn, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ mới. Không thể trồng lúa theo kiểu con trâu đi trước cái cày theo sau hay dùng sức người chặt mía rồi vác lên ghe đưa về nhà máy.
Nhưng với thực trạng đất đai manh mún như hiện nay thì không thể sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ mới nên doanh nghiệp khó gắn kết theo hợp đồng, đầu tư và bao tiêu sản phẩm.
Ngay hình thức gắn kết thông qua hợp tác xã giúp nông dân làm ăn bài bản, nếu có thành công cũng chỉ là cá biệt.
Sản xuất nhỏ lẻ thì tiêu thụ cũng nhỏ lẻ. Khi chưa thể làm ăn lớn, nông dân vẫn cần thương lái, chấp nhận tiêu thụ “may rủi”, loay hoay với kiểu canh tác cũ, giống cũ, chịu nghèo ngay trên mảnh ruộng của mình.
Đã có toa thuốc “liên kết, hợp đồng” nhưng không thể chữa dứt bệnh là do “cơ địa” không phù hợp để thuốc có tác dụng. Không thể liên kết nếu tư liệu sản xuất manh mún.
Cần sự thay đổi, bắt đầu từ gốc của vấn đề như hạn điền, tích tụ ruộng đất... Chỉ có thế mới tạo ra động lực để doanh nghiệp làm ăn lớn, gắn kết với nông dân, giúp thay đổi cơ bản kiểu tiêu thụ nông sản có từ vài chục năm qua mà nay đã lạc hậu.
Đã đến lúc cần có nhiều hợp tác xã thực chất để nông dân tham gia hay doanh nghiệp nông nghiệp ở đó nông dân làm công nhân cho các doanh nghiệp này.
Chúng ta từng nhận ra rằng đã khai thác hết động lực có được từ quá trình đổi mới. Với quy mô kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn.
Nhưng cạnh tranh trên quy mô toàn cầu ngày càng gay gắt, quy mô kinh tế hộ không đáp ứng được yêu cầu này.
Thiếu vắng hợp tác xã thực chất, ít doanh nghiệp nông nghiệp và những cánh đồng lớn, thiếu tích tụ ruộng đất thì không thể làm ra sản phẩm có giá trị cao, không thể ở “chiếu trên” trên khi thương lượng giá bán...
Dưa hấu khó bán như giọt nước tràn ly, càng thúc ép sớm tạo ra động lực, cơ hội mới cho nền nông nghiệp nước nhà, có thế mới dần đem lại sự sung túc cho nhà nông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận