25/10/2014 10:31 GMT+7

​“Không bắt buộc nhận xét tất cả học sinh trong một tháng”

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - Ðó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Ðịnh - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ÐT - trước những băn khoăn của thầy cô, nhà trường và xã hội sau một tuần thực hiện đổi mới việc đánh giá.

Ông Phạm Ngọc Định - Ảnh: Anh Hoài
Thông tư 30 yêu cầu giáo viên không được “quên” một học sinh nào nhưng không có nghĩa bắt buộc giáo viên ghi nhận xét một cách cứng nhắc 100% học sinh. Có nhiều hình thức khác nhau để quan tâm, đánh giá, giúp đỡ học sinh. Việc quan tâm, đánh giá với từng học sinh cũng khác nhau, trong đó chú ý những học sinh có hoàn cảnh, tính cách, khả năng nhận thức nổi bật hay cá biệt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Ðịnh cho biết thêm: “Việc “thay chấm điểm bằng nhận xét” chỉ áp dụng trong đánh giá thường xuyên.

Có nghĩa trong quá trình dạy học, giáo viên cần bám sát quá trình tiếp thu, nỗ lực của học sinh để nhận xét, hướng dẫn, khích lệ, giúp đỡ học sinh theo các cách khác nhau, tùy theo từng trường hợp khác nhau chứ không phải thay việc cho điểm số bằng cách nhận xét khuôn cứng như “hoàn thành”, “không hoàn thành”, hoặc tích dấu “x” vào các cột thể hiện sự hoàn thành hay không của học sinh.

Mục đích đổi mới nhằm tăng cường trách nhiệm của giáo viên trong việc hiểu những ưu, nhược điểm, kịp thời giúp đỡ học sinh trong mỗi bài học, tiết học, trong quá trình học tập của cả học kỳ, năm học”.

* Áp lực lớn nhất đối với giáo viên tiểu học hiện nay là phải đối diện với khối lượng “nhận xét” quá lớn... Với sĩ số trung bình 50 học sinh/lớp, giáo viên chủ nhiệm phải nhận xét bằng viết tay khoảng 100 lần/tháng cho các mục khác nhau trong sổ liên lạc, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, còn giáo viên chuyên biệt có thể phải thực hiện cả ngàn nhận xét/tháng... Bộ GD-ÐT có được phản ảnh về việc này?

Ông PHẠM NGỌC ĐỊNH:

Nên nhận xét bằng lời nói nhiều hơn

Việc dùng lời nhận xét bằng dấu gỗ không sai nhưng không nên lạm dụng. Hơn nữa, nếu hiểu đúng tinh thần thông tư thì việc đánh giá học sinh có thể sử dụng bằng nhiều cách, với mục đích hướng dẫn, giúp đỡ, khích lệ. Nhận xét đánh giá có sự khác biệt trong mỗi trường hợp, mỗi học sinh. Vì thế “nhận xét dấu gỗ” không thể đảm bảo các mục đích trên.

Để giúp học sinh kịp thời điều chỉnh cách học thì lời nói có tác dụng tốt hơn chữ viết. Vì vậy giáo viên nên sử dụng hình thức nhận xét bằng lời nói trực tiếp nhiều hơn hình thức nhận xét viết trong đánh giá thường xuyên.

- Ngay trong các đợt tập huấn đã có cán bộ giáo viên hỏi, chúng tôi cũng giải đáp. Trong một tuần thực hiện vừa qua cũng có những nhà quản lý, giáo viên trực tiếp liên hệ, gửi ý kiến thắc mắc. Chúng tôi đã có văn bản trả lời gửi các sở GD-ÐT với mục đích giải thích thêm và yêu cầu các sở GD-ÐT phải theo sát, giải đáp, hướng dẫn cho giáo viên, giúp họ hiểu kỹ thông tư 30 và giải quyết những khó khăn.

Việc giáo viên lo lắng về khối lượng nhận xét bằng tay là do các cơ sở giáo dục, giáo viên hiểu chưa đúng tinh thần thông tư.

Thông tư 30 không bắt buộc mỗi giáo viên phải nhận xét bằng chữ viết với tất cả học sinh trong một tháng. Giáo viên có thể vận dụng linh hoạt nhận xét bằng lời nói hoặc viết. Nhận xét viết cũng linh hoạt, viết vào vở học sinh, phiếu học tập, bài kiểm tra...

Thật ra, đây cũng là việc nhiều giáo viên vẫn làm trước đây. Ngoài ra trong giờ học, giáo viên có thể tổ chức để học sinh tự nhận xét, giúp các em thấy được hạn chế, ưu điểm của mình và tự khắc phục, khuyến khích phụ huynh nhận xét để cùng giáo viên giúp đỡ con...

Ðiều quan trọng là giáo viên phải dựa vào mục tiêu nội dung bài học đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của học sinh với chuẩn kiến thức, kỹ năng; xem xét, cân nhắc các đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh... của học sinh để có nhận xét xác đáng, kịp thời sao cho khích lệ được học sinh, làm các em hứng thú học tập.

* Theo phản ảnh của các nhà trường, họ đã phải mua số lượng sổ sách khá lớn theo mẫu chung. Trên các sổ mẫu đều có các mục yêu cầu giáo viên phải nhận xét. Việc quản lý sổ sách, ghi chép theo đúng mẫu. Việc này chẳng lẽ không phải “quy định cứng”?

- Mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục do bộ hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó. Mặt khác, giáo viên có thể dùng sổ điện tử thay sổ bằng giấy.

Một giáo viên dù dạy một hay nhiều môn có thể chỉ cần thiết kế một cuốn sổ (sổ bằng giấy hoặc sổ điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục, do giáo viên quản lý sử dụng, có thể để tại lớp học hoặc tại trường hoặc mang về nhà tùy theo điều kiện cụ thể.

Hoặc nhà trường có thể thiết kế mỗi lớp một cuốn sổ chung để tại lớp học, miễn sao đạt mục đích yêu cầu của sổ theo dõi chất lượng. Như vậy, việc giáo viên chuyên biệt, giáo viên bộ môn phải sử dụng khối sổ sách lớn, nhận xét cả ngàn học sinh/tháng là hiểu và áp dụng chưa đúng thông tư.

Nhân chuyện này tôi cũng nhắc lại Bộ GD-ÐT đã yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm chỉnh công văn số 68/BGDÐT-GDTrH về việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường của Bộ GD-ÐT.

TS NGUYỄN TÙNG LÂM (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):

Bậc học càng thấp, chất lượng đào tạo giáo viên càng dễ dãi

Tôi ủng hộ thông tư 30 vì sự kiên quyết, mạnh dạn trong đổi mới đánh giá học sinh. Ở nhiều nước phát triển, việc đánh giá bằng nhận xét, đánh giá bằng các hình thức linh hoạt khác nhau, không lệ thuộc vào điểm số người ta đã làm lâu rồi và rất phổ biến.

Chỉ có điều khi chúng ta thực hiện thì gặp phải một số khó khăn do những bất cập từ chính thực tiễn giáo dục. Có khó khăn thì cần tìm cách gỡ chứ không nên phủ nhận hoặc bỏ đi một quy định mang tính nhân văn.

Đối với lứa tuổi học sinh tiểu học rất cần sự giao tiếp trực tiếp, trong đó có nhận xét, khen ngợi, khích lệ, chỉ dẫn cụ thể của giáo viên, cha mẹ. Vì thế nếu hiểu cứng nhắc, dẫn đến ứng phó bằng cách vật dụng được quy ước thay cho điểm số, hay lời nhận xét bằng dấu gỗ, hoặc lạm dụng các hình thức dạy học, đánh giá bằng công nghệ, máy móc cũng đều không nên.

Một trong nhiều bất cập của thực tiễn dạy học ở bậc tiểu học hiện nay là giáo viên tiểu học chưa được chú trọng bổ sung kiến thức về tâm lý trẻ em, phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục cho lứa tuổi trẻ em.

Nếu như ở nước ngoài giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển chọn rất kỹ, yêu cầu cao thì ở VN ngược lại, bậc học càng thấp chất lượng đào tạo càng dễ dãi.

Khi ra nghề, giáo viên phải đối diện với nhiều khó khăn về chính sách đãi ngộ, khối lượng công việc quá tải do sĩ số học sinh đông, do cách quản lý cứng nhắc, rườm rà. Đó là những khó khăn, cản trở bất cứ quá trình đổi mới nào.

Vì thế, ngoài việc cần thay đổi ở khâu đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ đối với giáo viên, tôi nghĩ việc cần thay đổi ngay là nhận thức của các cấp quản lý giáo dục trong áp dụng việc đổi mới và cần phải đặt ra một lộ trình cho việc này.

V.HÀ ghi

 

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên