Trong khi người dân có nhiều hoài nghi về tính minh bạch của BOT giao thông thì đây chính là giải pháp tạo niềm tin.
Thấy lợi ích của thu phí không dừng, doanh nghiệp vận tải hăng hái tham gia. Đơn cử như tại một hội nghị hồi năm ngoái, ông Hà Xuân Quỳnh - giám đốc Công ty TNHH Thống Nhất (Bắc Giang) - đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động cử người về ngay Bắc Giang dán thẻ thu phí không dừng cho đội xe tải 120 chiếc chuyên chạy đường dài của công ty ông.
Quốc hội, Thủ tướng cũng chỉ đạo đến ngày 31-12-2019 toàn bộ trạm thu phí trên quốc lộ phải thực hiện thu phí tự động.
Thế nhưng những ngày gần đây, không khỏi ngạc nhiên khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa lệnh Bộ GTVT phải ra "tối hậu thư" đặt thời hạn tạm dừng thu phí với các trạm thu phí của 4 nhà đầu tư dự án BOT nếu không ký lại phụ lục hợp đồng dự án BOT để thực hiện thu phí tự động.
"Giờ G" chỉ còn chưa đầy 6 tháng, vẫn còn một vài nhà đầu tư BOT đưa ra những lý lẽ để biện minh việc chậm thực hiện thu phí không dừng. Trong bối cảnh quy định pháp lý chưa đầy đủ, vừa triển khai vừa tìm giải pháp, lý lẽ của những nhà đầu tư trên có phần đúng.
Nhưng không thể không đặt câu hỏi: Tại sao cùng chủ trương đó đã có 40 trạm thu phí đồng ý thực hiện thu phí tự động mà chỉ vài nhà đầu tư chưa chấp thuận?
Các dự án BOT thời gian qua đều có hợp đồng mở, quy định những điều khoản để điều chỉnh mức phí, thời gian thu phí... Vì vậy, Nhà nước và nhà đầu tư BOT cần sớm thống nhất với nhau về nguyên tắc chung để triển khai thu phí tự động.
Còn những gì khúc mắc, hai bên cùng ngồi xuống tìm cách tháo gỡ, điều chỉnh trong hợp đồng. Đồng thời, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách để thu phí tự động triển khai thuận lợi, hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư và lợi ích chung cho xã hội.
Việc nên bàn là làm thế nào để thực hiện thu phí không dừng cho thật hợp lý, hiệu quả, chứ không nên bàn lùi, càng không nên trì hoãn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận