18/07/2021 09:51 GMT+7

Khơi thông 'luồng xanh' cho hàng hóa

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Ngành giao thông đang triển khai nhiều giải pháp để khơi thông luồng xanh, đẩy nhanh vận chuyển hàng hóa, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng TP.HCM vừa giải quyết đầu ra cho nông sản các địa phương.

Khơi thông luồng xanh cho hàng hóa - Ảnh 1.

Chốt liên ngành kiểm soát y tế trên quốc lộ 1, đặt tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận - Ảnh: Đ.TRONG

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các địa phương cần lập ngay các điểm test nhanh cho tài xế chở hàng hóa tại các điểm chốt trên trục quốc lộ hoặc cao tốc, các chợ đầu mối... Ngoài ra, cần thống nhất thời gian có hiệu lực của kết quả xét nghiệm.

Đã có kịch bản lưu thông hàng hóa

Ngày 17-7, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết Tổng cục Đường bộ VN đã xây dựng kịch bản đảm bảo lưu thông hàng hóa trong trường hợp nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ. 

Theo đó, với mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất, xe chở chuyên gia, xe chở hàng tới cảng..., Sở GTVT TP đang thực hiện cấp giấy nhận diện phương tiện (luồng xanh ưu tiên) cho phương tiện đi, đến và đi qua TP.HCM. 

Các doanh nghiệp gửi đề xuất thông qua các đầu mối tại đơn vị quận huyện, TP Thủ Đức, cảng, Sở Công thương TP.HCM và sở GTVT các tỉnh thành... Khi nhận được danh sách từ các đầu mối, trong vòng 24h, Sở GTVT TP sẽ cấp giấy.

"Sở đã cấp hơn 33.000 giấy nhận diện cho các đơn vị trên 19 tỉnh thành ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Bộ GTVT cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu mô hình của Sở GTVT TP đang làm và xây dựng phần mềm để ứng dụng luồng xanh trên cả nước" - ông Lâm nói, đồng thời cho biết một ý tưởng mới để tăng lưu thông hàng hóa về TP cũng đang chuẩn bị triển khai.

Cụ thể, từ 16-7, ngay sau khi nhận được thông tin về Công ty Greenline DP đề xuất sử dụng tàu cao tốc chở hàng hóa rau củ quả, thủy hải sản từ miền Tây về TP, sở đã liên hệ và lên các phương án thực hiện. 

Qua đề xuất này, Bộ GTVT cũng đã thống nhất mở luồng xanh cho đường thủy. Dự kiến đầu tuần sau, chuyến tàu cao tốc đầu tiên sẽ xuống tỉnh Tiền Giang chở rau củ quả về TP.HCM. Do tất cả thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu đã được tổ chức tiêm vắc xin rồi nên việc đi lại rất yên tâm.

"Thuyền viên, thuyền trưởng đều ở trên tàu hết, chỉ có nhiệm vụ vận chuyển hàng từ điểm đi đến điểm đến mà không lên bờ. Tiền Giang cũng đã chọn được 1 bến, tàu đến đó sẽ có lực lượng bốc xếp đưa hàng lên. 

Tàu về TP cũng sẽ có lực lượng bốc hàng xuống. Hàng hóa từ các tỉnh sẽ đưa về các điểm bốc dỡ ở các bến của TP. Về thủ tục cảng vụ, trước mắt sở sẽ cử một cảng vụ viên đi theo tàu hỗ trợ các thủ tục kết nối với bến ở các địa phương cho nhanh", ông Lâm nói.

Tuy nhiên, Sở Công thương và Sở NN&PTNT TP.HCM sẽ phải làm việc với sở ngành các địa phương để kết nối và điều phối nguồn hàng. 

"Theo doanh nghiệp, tàu cao tốc có thể chở khoảng 20 tấn rau củ quả, tương ứng với khối lượng vận tải 30 - 40 xe tải rau nhỏ. Có 5 tàu cao tốc lớn được đưa vào hoạt động. Các mặt hàng này đi bằng tàu cao tốc sẽ nhanh hơn. Rau củ quả, thủy sản tươi sống sẽ được cung ứng cho bà con", ông Lâm cho hay.

Chăm sóc cho tài xế

Ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Hàng hóa TP.HCM - cho rằng các tài xế là lực lượng quan trọng nhất cho mạch vận tải được lưu thông. Tuy nhiên, do mỗi địa phương áp dụng quy định về giấy xét nghiệm một kiểu khiến nhiều tài xế nản lòng, có người nghỉ việc. Do đó, theo ông Quản, các địa phương cần phải lập ngay các điểm test nhanh cho tài xế chở hàng hóa tại các điểm chốt trên trục quốc lộ hoặc cao tốc, các chợ đầu mối.

Ngoài việc thống nhất thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm, nếu được chấp thuận từ ngành giao thông, điểm test nhanh còn là nơi tạo điều kiện cho các tài xế tiêm vắc xin. "Tài xế đi đường giấy hết hiệu lực, đi đâu mà xét nghiệm. Hầu hết các điểm test ở trong bệnh viện hoặc ở nội thành, ai cho xe tải chạy vào. Còn nếu tài xế dừng xe thì lấy xe gì mà đi test trong khi xe ôm, xe công nghệ, xe buýt đều dừng", ông Quản nói.

Một doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM cũng cho rằng nếu không sớm tháo gỡ, thống nhất thời hạn giấy xét nghiệm và bố trí điểm test nhanh thì các tài xế rất ngại vận chuyển hàng hóa trong thời điểm này. "Nếu không tháo gỡ nhanh các khó khăn, doanh nghiệpsẽ thiếu tài xế, xe có hàng có nhưng không ai chạy", vị này cho biết.

Theo ông Trần Quang Lâm, với các tuyến đi tối đa trong vòng 3 ngày, cơ bản sẽ thuận lợi, không ảnh hưởng đến việc cung cấp hàng hóa nhu yếu phẩm. Vướng mắc chủ yếu hiện nay là một số tuyến đi đường dài quá 3 ngày, giấy xét nghiệm hết hạn. 

"Các tài xế cũng ngán bởi khi hết hạn xét nghiệm, không có phương tiện để đi lại tìm điểm xét nghiệm. Về việc này, một số tài xế cũng có đề nghị tạo điều kiện thêm", ông Lâm cho hay.

Do đó, theo ông Lâm, các địa phương nên bố trí các điểm test nhanh cho tài xế tại các điểm dừng chân, trạm chốt cửa ngõ. Nếu giải quyết được việc này, tài xế sẽ yên tâm và đảm bảo việc điều hành vận tải hàng hóa được thông suốt. Cũng theo ông Lâm, lực lượng tài xế là mắt xích quan trọng để vận chuyển hàng hóa nên cần được ưu tiên tiêm vắc xin sớm.

"Ngay từ đầu, sở đã chủ động kiến nghị và TP đã ưu tiên tiêm vắc xin cho tài xế sớm nhằm phục vụ hoạt động lưu thông hàng hóa. Theo thống kê, thành phố đang có khoảng 10.000 tài xế tải, taxi, xe buýt và các thủy thủ, thuyền viên. Đến nay, cơ bản lực lượng nòng cốt trong vận tải này đã được ưu tiên. Trong đợt tới, lực lượng này sẽ được tiếp tục ưu tiên", ông Lâm cho hay.

Phân luồng lại sau chỉ thị 16

Rút kinh nghiệm từ điều phối giao thông liên tỉnh thời gian qua cótắc nghẽn cục bộ, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết triển khai Chỉ thị 16, Bộ đã phân lại luồng, quy định cụ thể để bảo đảm giao thông trong 19 tỉnh, thành phố. Bộ cũng cử cán bộ phối hợp với ngành y tế để xét nghiệm nhanh các lái xe ngay tại chốt kiểm soát tại Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Đồng thời chỉ đạo các Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các Sở Y tế để khẩn trương thống kê, tổ chức xét nghiệm cho các lái xe có nhu cầu. Hiện thời gian có hiệu lực của kết quả xét nghiệm là 3 ngày, Bộ GTVT và Bộ Y tế sẽ phối hợp để xem xét điều chỉnh thời gian hiệu lực phù hợp với tình hình.

Từ ngày 19-7, Bộ giao Tổng cục Đường bộ tổ chức cấp mã QR để giúp các doanh nghiệp và lái xe được cấp nhanh, lưu thông nhanh hơn.

Thêm luồng xanh đường thủy chở hàng hóa đến TP.HCM Thêm luồng xanh đường thủy chở hàng hóa đến TP.HCM

TTO - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thống nhất phương án của TP.HCM về tổ chức thêm luồng xanh đường thủy để vận chuyển thực phẩm, rau củ quả, ưu tiên sử dụng các tàu cao tốc hiện đang không hoạt động để chở hàng.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên