
Thị trường chứng khoán hồi phục tích cực trong phiên ngày 19-2, khi khối ngoại mua ròng trở lại - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 19-2, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng khoảng 350 tỉ đồng. Động thái này được ví như cú "quay xe" của nhà đầu tư ngoại, sau khi họ bán ròng miệt mài từ đầu tháng 2 đến nay.
OCB (Ngân hàng Phương Đông), HDG (Tập đoàn Hà Đô), TCH (Công ty CP Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy), SIP (Đầu tư Sài Gòn VRG), VCI (Vietcap) hay DBC (Dabaco)... là những cổ phiếu hút dòng tiền khối ngoại nhiều nhất hôm nay.
Việc mua ròng trở lại hôm nay đã thu hẹp phần nào giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm của khối ngoại (tính đến thời điểm này, khối ngoại đã bán ròng hơn 13.000 tỉ đồng).
Trong đó FPT, VIC, VNM, MWG, STB, SSI, VCB, MSN, FRT, CTG… là những mã bị khối ngoại rút tiền mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Ở chiều ngược lại, VGC, HDB, GEX, OCB, LPB, KBC, TCH, PC1… là những mã được khối ngoại "gom" mạnh nhất.
Theo các công ty chứng khoán, động thái mua - bán từ khối ngoại là yếu tố cần được quan sát trong thời gian tới. Việc bán ròng của khối ngoại không chỉ khiến một lượng tiền bị rút khỏi, mà còn ảnh hưởng tới tâm lý chung toàn thị trường.
Theo Chứng khoán ACB (ACBS), lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tuy có giảm trong quý 3 năm ngoái, nhưng tăng trở lại ngay trong quý 4 khi Fed đưa ra lộ trình 2 lần cắt giảm trong năm 2025 tiếp sau sự kiện ông Trump thắng cử.
Lực bán vẫn duy trì ở mức tương đối cao trong tháng 1-2025 dù có bị ảnh hưởng bởi Tết, theo ACBS.
ACBS cũng cho biết Fed giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tháng 1-2025, trong bối cảnh CPI Mỹ đang có xu hướng tăng trở lại.
Trong bối cảnh áp lực tỉ giá tăng trở lại, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng lãi suất, dẫn đến chênh lệch lãi suất USD-VND đảo ngược từ âm sang dương một lần nữa sau đợt tháng 11-2024.
ACBS dự báo trong ngắn hạn, áp lực từ cuộc "thương chiến" sau khi ông Trump lên nắm quyền có thể đẩy tỉ giá USD/VND lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, áp lực tỉ giá sẽ ổn định trở lại về cuối năm 2025 nhờ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, Fed dự kiến cắt giảm 1-2 lần lãi suất trong năm 2025, trong trường hợp lạm phát có thể được kiểm soát tốt, giúp chênh lệch lãi suất giảm hoặc có thể chuyển qua dương trong khi Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng giữ nền lãi suất thấp để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, dòng tiền FDI có thể sẽ chảy vào Việt Nam mạnh hơn, trong bối cảnh Trung Quốc là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc thương chiến lần này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận