17/02/2025 14:50 GMT+7

Động thái đáng chú ý từ khối ngoại với chứng khoán Việt ngay đầu năm

Các quỹ ngoại thường mua ròng vào tháng 1 mỗi năm vì đây là khoảng thời gian tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư toàn cầu. Nhưng tháng 1-2025, khối ngoại đã bán ròng 144 triệu cổ phiếu thị trường Việt Nam.

Động thái đáng chú ý từ khối ngoại với chứng khoán Việt ngay đầu năm - Ảnh 1.

Khối ngoại vẫn chưa dừng rút tiền khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 13.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán, sau năm 2024 rút tiền kỷ lục. Các chuyên gia đã đưa ra phân tích và dự báo về xu hướng này.

Theo dõi yếu tố để kỳ vọng sự đảo chiều của khối ngoại

* Chuyên gia phân tích Niên Nguyễn - Chứng khoán Shinhan Việt Nam:

- Các quỹ đang dần có ảnh hưởng đáng kể lên thanh khoản của toàn thị trường nên việc liên tục bán ròng khối ngoại ảnh hưởng đến đà tăng của thị trường chung.

Thông thường, các quỹ ngoại sẽ mua ròng vào tháng 1 mỗi năm vì đây là khoảng thời gian tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư toàn cầu, nhưng trong tháng 1 vừa qua khối ngoại đã bán ròng 144 triệu cổ phiếu, tương ứng với 6.500 tỉ đồng trên HoSE.

Ngoài ra, các quỹ đầu tư có xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn, đặc biệt là các quỹ nước ngoài. Vì vốn hóa của các cổ phiếu này lớn nên mức tăng giảm của các cổ phiếu ảnh hưởng đáng kể vào mức tăng giảm của thị trường chung.

Đơn cử, FPT bị bán ròng 6.000 tỉ đồng khi giá cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2024. Trong khi cổ phiếu này luôn kín room ngoại trong suốt nhiều năm liền trước 2024.

Xu hướng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng và tập trung bán ở các cổ phiếu lớn sẽ tiếp tục ít nhất trong quý 1-2025 khi mà thị trường Việt Nam chờ đợi thông tin hỗ trợ từ việc nâng hạng thị trường để dòng vốn ngoại có thể trở lại.

Ngoài nâng hạng, các yếu tố cần theo dõi để kỳ vọng về sự đảo chiều của dòng vốn ngoại, bao gồm việc lãi suất toàn cầu (Fed và trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm) giảm hoặc ổn định ở vùng giá mới. Khi lãi suất ổn định, tỉ giá cũng sẽ ổn định.

Tỉ lệ sở hữu của khối ngoại giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2015

* Bà Hoàng Việt Phương - giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI:

- Các quỹ ETF duy trì trạng thái rút ròng trong tháng đầu tiên của năm 2025 với tổng giá trị -616 tỉ đồng, đây cũng là tháng thứ 15 liên tiếp các quỹ ETF rút ròng khỏi Việt Nam.

Trong năm 2025, dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều. 

Dòng vốn sẽ bị hạn chế bởi kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của Fed và áp lực tỉ giá, chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump hoặc tiềm ẩn suy thoái kinh tế, hay số lượng các cổ phiếu ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền như công nghệ khá hạn chế.

Tuy nhiên, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế.

Kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell.

Ngoài ra, các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và nghị định 155 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn.

Khối ngoại bán, nhà đầu tư "cân" thị trường

* Đội ngũ phân tích SGI Capital:

- Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi được nửa chặng đường của quý 1-2025 với nhiều yếu tố đan xen. Điểm tích cực xuyên suốt là báo cáo tài chính quý 4 tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng ổn định trên một nền định giá hợp lý hơn.

Quyết tâm của Chính phủ nhằm đạt mức tăng trưởng 8% năm nay thông qua thúc đẩy đầu tư hạ tầng và tín dụng cùng với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE là những kỳ vọng đủ lớn, thúc đẩy niềm tin và giữ dòng tiền lại bất chấp các rủi ro từ bên ngoài đang gia tăng.

Tuy vậy, giao dịch và thanh khoản tiếp tục ảm đạm cho thấy chưa có dòng tiền mới tham gia vào thị trường gần đây.

Nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng 11.000 tỉ đồng kể từ đầu năm 2025, tiếp tục gây áp lực lên sức mua tổng thể khi số dư tiền mặt của nhà đầu tư nội đã giảm hơn 30% trong 3 quý liên tiếp về 73.000 tỉ đồng cuối quý 4-2024.

Trong lịch sử, những lần số dư tiền mặt giảm mạnh thường song hành với các đợt bán tháo và suy giảm mạnh, lần này mức định giá hợp lý và niềm tin của nhà đầu tư nội đang giúp thị trường trụ vững.

Động thái đáng chú ý từ khối ngoại với chứng khoán Việt ngay đầu năm - Ảnh 2.Khối ngoại bán ròng đột biến cổ phiếu của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang

Ngày 7-2, khối ngoại tiếp tục có một phiên bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó bán ròng mạnh nhất cổ phiếu MSN của Masan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên