Các thí sinh lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Start-up Student Ideas, tại tọa đàm - Ảnh: NAM TRẦN |
Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại tọa đàm “Start-up - từ ý tưởng đến hiện thực” vào ngày 18-3 tại Hà Nội.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên (Start-up Student Ideas) lần 1 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.
Chương trình với sự tham gia của các nhà đầu tư, chuyên gia về khởi nghiệp cùng 15 nhóm thí sinh ba miền Bắc - Trung - Nam vào vòng chung kết cuộc thi.
Sinh viên có nhiều cơ hội
Ông Đỗ Hoài Nam, chủ tịch Không gian làm việc chung UP, chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp từ thời sinh viên của bản thân và khẳng định: “Nếu không may gặp thất bại, sinh viên vẫn còn nhiều cơ hội và thời gian để làm lại. Đặc biệt các bạn trẻ cần nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để khởi nghiệp. Thời điểm khởi nghiệp tốt nhất khi là sinh viên”.
Theo ông Nam, khi là sinh viên có cách nhìn nhận về những bất cập trong xã hội, họ muốn làm cái gì đó và tự trang bị kiến thức, nỗ lực sáng tạo. Tuy nhiên lời khuyên cho các bạn trẻ là cần nắm bắt cơ hội, tìm cho mình những người bạn cùng làm việc.
Thời điểm khởi nghiệp nào cũng cần tiền bạc, song theo ông Nam, đây là thời điểm khởi nghiệp tuyệt vời và các bạn cần tận dụng tốt quỹ 3F. Bao gồm: bạn (friends), gia đình (family) và những nhà đầu tư, quỹ đầu tư (fools). Nên dành thời gian đi thuyết phục và kêu gọi đầu tư từ những người tin tưởng con người và ý tưởng của mình.
“Không có thất bại, chỉ có chưa thành công. Bất kỳ thời điểm nào muốn khởi nghiệp cũng cần những yếu tố nói trên” - ông Nam chia sẻ.
Tại tọa đàm, Lê Bá Thành Đạt - CLB Doanh nhân tương lai, Trường ĐH Kinh tế quốc dân - hỏi làm thế nào tạo ra cộng đồng Start-up trong sinh viên?
Ông Đỗ Hoài Nam nói nếu các bạn sinh viên cần không gian hoạt động, ông sẽ hỗ trợ mượn một không gian tại BKH-UP (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Không chỉ có không gian làm việc, sinh viên có thể tiếp cận thông tin, nguồn vốn, trang bị hành trang pháp lý khởi nghiệp từ đây.
Nội lực lớn hơn đồng vốn
Chia sẻ với sinh viên yếu tố quan trọng để bắt đầu khởi nghiệp, ông Nguyễn Hồng Trường, phó chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam (IDGVV), khẳng định đó là nội lực của các bạn trẻ chứ không phải đồng vốn. Chính các bạn có thể giải quyết vấn đề vốn bằng việc tận dụng kêu gọi các nguồn vốn xã hội.
Yếu tố thứ hai là trường ĐH - quỹ đầu tư lớn nhất cho các bạn trẻ khởi nghiệp và “nhà đầu tư thiên thần” chính là thầy cô, các cựu sinh viên.
“Thầy cô là người nhìn thấy tiềm năng của các bạn đầu tiên. Trường học là môi trường ươm trồng, đưa sinh viên đến với doanh nghiệp và đưa các bạn quay lại trường. Khi trường ĐH thực sự đổi mới sáng tạo thì môi trường khởi nghiệp mới bền vững” - ông Trường nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Trường, khởi nghiệp là đưa đến đổi mới, sáng tạo. “Vì vậy, nếu các bạn sinh viên có ý tưởng hay, thiết thực, chúng tôi sẽ tìm ra các bạn chứ không phải các bạn tìm đến chúng tôi”.
Các chuyên gia tại tọa đàm khẳng định khởi nghiệp có tỉ lệ thất bại lớn, chiếm khoảng 99%. Vì thế không cần chọn các mô hình khó, nên tìm hiểu bản thân có phù hợp với lĩnh vực theo đuổi hay không.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Minh Triết, phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, cho biết đây là lần đầu tiên Trung ương Hội nhận nhiệm vụ tiến hành hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên là tiền đề lên ý tưởng, sắp tới sẽ triển khai đồng hành với sinh viên, kể cả các bạn không vào vòng chung kết để sinh viên có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư. Trung ương Hội mong muốn các thí sinh trở thành đại sứ chương trình, thổi tinh thần khởi nghiệp đến sinh viên trong trường. Vào tháng 6 và tháng 7, Trung ương Hội sẽ kết nối với các đơn vị khởi nghiệp nổi tiếng trên thế giới như thung lũng Sillicon Valley (Mỹ), Singapore để nhóm sinh viên đoạt giải có cơ hội trải nghiệm thực tế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận