31/08/2012 21:00 GMT+7

"Khóc trong BMW" cũng có thể... hạnh phúc?

 MỘT BẠN ĐỌC
 MỘT BẠN ĐỌC

TTO - Trong loạt ý kiến phản hồi câu chuyện “Thà khóc trong xe BMW hơn là cười sau xe đạp”!, Tuổi Trẻ Online nhận được hai câu chuyện với quan điểm phần nào trái chiều nhau.

Một cho rằng "khóc trong BMW" không hoàn toàn xấu và có thể có hạnh phúc. Một cho rằng hạnh phúc trên nền "xe BMW" chỉ là ảo ảnh ngắn ngủi vì nỗi đau tổn thương, bị xem thường, đổ vỡ thường rình rập. Chỉ người ỷ lại, ích kỷ mới chọn lối sống ấy. Còn có thể "khóc trên BMW" được đã tốt, chỉ sợ đau đến mức không khóc được mà thôi.

TTO mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và chia sẻ quan điểm.

Đừng trách người thích "khóc sau BMW"?Xe BMW quý hơn tấm chân tình?“Thà khóc trong xe BMW hơn là cười sau xe đạp”!

znrATIgV.jpgPhóng to

"Dẫu biết tình yêu không thể xây dựng trên cơ sở của tiền bạc thế nhưng liệu thiếu tiền bạc thì cuộc sống có thể hạnh phúc không?" - câu hỏi do độc giả Khổng Thu Hà đặt ra - Ảnh minh họa: từ Internet

“Khóc trong BMW” không hoàn toàn xấu

Dẫu biết hôn nhân nên xuất phát từ tình yêu nhưng không có nghĩa là 100% những cuộc hôn nhân có tình yêu đích thực đều hạnh phúc. Câu chuyện buồn của bạn học chung thời phổ thông của tôi là một minh chứng.

Tình yêu của Linh và Toàn nảy nở từ thời học THPT. Cả hai cùng nhau cố gắng thi vào đại học. Tình yêu ấy lớn dần theo thời gian và thấm thoắt đã 4 năm qua đi, cả Linh và Toàn đều tốt nghiệp đại học ra trường.

Còn tình yêu ở lại

Cuộc đời này là có - có -không - không. Tất cả rồi sẽ ra đi, chỉ còn tình yêu thương là ở lại.

Có ai chắc được ngày mai người mà bạn mong đợi đó có còn là đại gia? Vậy nên hãy yêu chân thành bạn ạ.

Linh là cô gái nhanh nhẹn, hoạt bát với ngoại hình ưa nhìn cùng với tấm bằng khá chuyên ngành quản trị nên sớm tìm được công việc ổn định. Toàn tốt nghiệp khoa chăn nuôi, dễ dàng tìm được công việc ở quê, nhưng vì chiều theo ước mơ muốn trụ lại thành phố của Linh nên chật vật lắm Toàn mới tìm được một công việc trái ngành với mức lương khiêm tốn.

Linh và Toàn nhanh chóng kết hôn khi đã có công việc tạm gọi có thể nuôi sống bản thân mà không phụ thuộc vào gia đình. Thời gian đầu chung sống, Linh không cảm thấy cuộc sống hôn nhân của mình ngọt ngào như mơ ước bởi những giây phút hạnh phúc, ấm áp của cuộc sống vợ chồng phải nhường chỗ cho nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Với đồng lương ít ỏi, Linh phải cân đối chi tiêu cho hai vợ chồng, từ những khoản tiền lặt vặt đến những món tiền chi tiêu lớn, tiền điện, tiền thuê nhà… Có lúc Linh cảm thấy căng thẳng và kiệt sức khi phải “vật lộn” với cơn bão giá trong khi các khoản thu nhập của hai vợ chồng vẫn giậm chân tại chỗ.

Những mâu thuẫn nhỏ bắt đầu xảy ra giữa hai vợ chồng, dần dần tích tụ và trở thành những vết rạn hôn nhân. Cũng chính thời điểm ấy, Linh lọt vào tầm ngắm và là mục tiêu “tấn công” của Tâm - sếp mới được điều chuyển về bộ phận làm việc của cô. Tâm không đẹp trai, nhưng một trong những thế mạnh của anh là tài chính khá ổn.

Tâm nhớ được những sở thích nhỏ nhất của Linh và nhất là những dịp như 8-3, 20-10 hay sinh nhật của Linh. Trong khi đó Toàn cho rằng đã là vợ chồng thì không cần phải quan tâm đến những điều "phù phiếm" này vì nó chỉ khiến anh phải chi tiêu những khoản ngoài dự kiến.

“Mưa dầm” thấm lâu, khi ở bên Tâm, Linh có cảm giác yên tâm về kinh tế, Linh có thể sắm sửa những bộ váy áo đắt tiền, có thể đi shopping, spa bất cứ khi nào muốn mà không phải đắn đo. Còn với Toàn, anh không có khả năng đáp ứng những nhu cầu này cho cô.

Thế rồi điều gì đến cũng phải đến, Linh và Toàn chia tay nhau với lý do chỉ đơn giản là tiền. Linh nhanh chóng kết hôn với Tâm và theo tôi biết, hiện cô sống khá hạnh phúc.

Vậy nên theo tôi tiền bạc, của cải vật chất tuy được coi là vật ngoài thân nhưng cũng rất quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại và phát triển, câu nói: "Một mái nhà tranh hai trái tim vàng” dường như chỉ còn đúng với những trường hợp thiểu số.

Dẫu biết tình yêu không thể xây dựng trên cơ sở của tiền bạc thế nhưng liệu thiếu tiền bạc thì cuộc sống có thể hạnh phúc không?

(*) Vì lý do tế nhị, tên các nhân vật trong câu chuyện đã được thay đổi)

Người ỷ lại, bất lực mới "khóc trong BMW"

Tôi có một người bạn nữ rất xinh đẹp. Cô lấy con trai của một đại gia. Nhiều người ghen tỵ với cô vì hằng ngày cô chỉ tiêu xài ăn chơi như bà hoàng. Cô đi spa hàng triệu đồng, ăn nhà hàng hàng triệu đồng và tụ tập bạn bè ngày đêm. Nhưng đến khi say, cô mới bộc lộ hết những niềm đau bên trong. Lúc này thì đúng là cô đang "khóc trên BMW". Tiếng khóc thật bi ai, thảm thương.

Chồng cô lấy cô vì cô đẹp, còn cô cũng chẳng thật sự yêu thương gì chồng. Nói chung hai người đến với nhau bằng sự si mê. Người mê sắc, kẻ mê tiền. Khi sự si mê qua đi, khi cô dần lớn tuổi thì chồng bỏ bê. Anh ta là kẻ có tiền, cô là người lệ thuộc.

Biết chồng ngủ với các cô gái đẹp qua đêm, cô không dám ghen. Biết chồng xem mình như con búp bê trưng trong nhà, cô không dám buồn. Cô mà làm căng thì anh ta sẵn sàng ly dị ngay. Ngoài kia thiếu gì những cô gái đẹp khác chờ được lên "BMW" của hắn mà khóc.

Chuyện lấy chồng đại gia xuất phát từ sự ỷ lại có bản chất trao đổi mua bán. Nếu may mắn gặp đại gia người tốt, bạn rất diễm phúc, vì vậy hãy vun vén thêm cho hạnh phúc trời cho ấy. Như đa số cuộc hôn nhân với đại gia do xuất phát từ bản chất trao đổi mua bán nên chắc chắn không có hạnh phúc. Những niềm đau sẽ bị che giấu vì sĩ diện mà thôi.

Chi bằng tình yêu xuất phát từ sự yêu quý cuộc sống và bản thân mình. Hai người có chung mục đích sống, có sự đồng cảm, đến với nhau và xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn. Bạn có thể chưa giàu nhưng rồi hai bạn sẽ giàu. Bạn chưa có BMW, nhưng khi bạn có BMW, bạn sẽ cười hạnh phúc chứ không phải khóc nhục nhã bởi được người ta cho đi ké cuộc đời trên BMW của họ.

Ý nghĩa của tình yêu là ở chỗ đó. Ngày nay nhiều người thực dụng quá. Thực dụng vì họ chỉ thấy cái trước mắt mà không thấy cội nguồn của hạnh phúc là con đường sống dài hạn.

Nhưng người nói không bằng đời dạy. Chỉ e khi những cô gái thích "khóc trên BMW" nhận ra bài học thì thường đã quá muộn. "Khóc trong BMW" được đã tốt, chỉ sợ đau đến không khóc được mà thôi.

Theo tôi, tư tưởng lấy một đại gia bất kể hạnh phúc hay không để được cuộc sống vật chất xuất phát từ sự ỷ lại và bất lực trong cuộc sống. Có một số cô gái thuộc gia đình nghèo khó, học thức không đến đâu đang mơ lấy chồng ngoại, lấy chồng giàu. Có nên thông cảm cho họ, nhất là trong thời buổi nhiều đạo lý đang bị đe dọa đảo lộn này?

Bạn nghĩ gì về cuộc thi tìm vợ lý tưởng cho các đại gia này? Liệu đây là một xu hướng hợp thời đại?

Liệu có hạnh phúc không khi xuất phát điểm của một mối quan hệ là sự quan tâm đến túi tiền và nhan sắc?

Bạn có nghĩ xu hướng này cũng đang lan tỏa tại Việt Nam?

Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

 MỘT BẠN ĐỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên