29/08/2012 15:11 GMT+7

Xe BMW quý hơn tấm chân tình?

LÂM NGUYÊN
LÂM NGUYÊN

TTO - Câu chuyện về cuộc thi tuyển những cô vợ lý tưởng cho các đại gia Trung Quốc tại thông tin “Thà khóc trong xe BMW hơn là cười sau xe đạp”! đang thu hút những ý kiến trái chiều nơi bạn đọc.

Có bạn đọc ủng hộ, cho rằng đây là một xu thế hợp thời đại, là cầu nối để "trai tài" gặp "gái sắc". Nhiều bạn đọc cho rằng bản thân việc những cô gái quyết định tham gia cuộc thi này để mong kiếm chồng giàu đã thể hiện các cô không thể là "cô vợ lý tưởng".

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc tuyển chọn như thế gây cảm giác phụ nữ như món hàng và những cuộc hôn nhân với xuất phát điểm là tiền và nhan sắc sẽ khó vững bền.

TTO mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và chia sẻ quan điểm riêng.

yRnmrN18.jpgPhóng to

Một cô gái Trung Quốc tham gia cuộc thi tuyển tìm "cô vợ lý tưởng" cho các đại gia - Ảnh: AFP

Một xu thế hợp thời đại

Tôi đồng ý với việc làm này. Lợi cả đôi đường. Nó chỉ là cầu nối để giúp những người chưa tìm ra nhau dễ dàng gặp nhau. Trai tài gặp gái sắc. Khi gặp rồi, nếu thật sự thấy hợp và yêu nhau thì đến với nhau. Đó là chuyện bình thường.

Từ xưa, việc mai mối đã luôn mang lại thành công cho nhiều cuộc tình. Đây cũng chỉ là một hình thức mai mối hợp với xu hướng thời đại, mang tính tự nguyện của hai bên.

Làm người bản lĩnh không dễ!

Đây là một hiện tượng lạ lùng, vừa có dấu ấn thực dụng vừa phảng phất màu cổ tích. Bao nhiêu người trẻ trên thế giới này sẽ chọn con đường và bến đỗ cho cuộc đời mình theo cách ấy?

Pháp luật có thể cấm hoặc không cấm, nhưng xét về đạo đức và những giá trị của cuộc sống thì những lựa chọn này có nên cổ xúy không? Dù sao thì hiện tượng này đã phản ánh sự muôn màu của cuộc sống. Làm một người trẻ bản lĩnh và chân chính thật không dễ dàng!

Con người không phải đồ vật để lựa chọn

Con người không phải là đồ vật để mà đem ra lựa chọn và mua bán. Tình cảm con người phải xuất phát từ trái tim, chấp nhận nhau trên tinh thần yêu thương lẫn nhau, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với nhau cho dù đối phương có thế nào đi nữa. Đây chính là một hình thức lách luật để thỏa mãn dục tính của những người lắm tiền nhiều của.

Tôi không tán thành và sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện này.

Hạnh phúc sao phải qua "tuyển chọn"?

Quả thật là tôi không hiểu nổi tại sao những cô gái với những điều kiện khá hoàn chỉnh như: từ 20-28 tuổi, cao 1,65m trở lên, xinh đẹp, thanh lịch và ít nhất phải có bằng cao đẳng, và quan trọng hơn là không quá nghèo, lại có thể tham gia trò chơi của những kẻ lắm tiền một cách kém nhận thức như vậy.

Hạnh phúc của mình là do chính mình xây dựng, vun đắp nên, sao lại đi nhờ mai mối và tuyển chọn?

BMW không so được chân tình

Tôi chắc chắn rằng số người muốn cười sau xe đạp đông hơn số người muốn khóc trong xe BMW. Bởi vì khi yêu nhau thật sự thì tình cảm sẽ lấn át lý trí. Nếu yêu nhau mãnh liệt thì nhiều lúc người ta đem cả tính mạng để đánh đổi tình yêu. Khi ấy thì chiếc BMW có nghĩa gì?

Coi chừng vớ phải đại gia nhiều tật

Cách các đại gia này tìm vợ như đang chọn một món hàng. Có thể họ viện cớ là bận bịu với công việc không có thời gian tìm hiểu một cô gái để đi đến một cuộc sống hôn nhân. Nhưng thường những người như vậy cũng phải hằng ngày tiếp xúc với nhiều người, không lẽ nào họ không thể nhìn nhận và chọn ai đó đáng mến và hiểu mình? Ngay cả việc chọn lựa này còn không dẫn đến một hôn nhân bền vững nữa là.

Nhiều đại gia rất đáng khâm phục vì họ đã phải làm việc chăm chỉ, tài ba hơn người. Người như vậy rất đáng để chọn làm chồng. Đó có thể là lý do khiến một số cô gái tham gia cuộc tuyển chọn này. Nhưng nếu vớ phải đại gia lắm tiền nhiều tật thì chỉ có mà khổ cả đời.

Cuộc hôn nhân mang mùi thương mại này cần phải cộng thêm yếu tố thời gian thử thách và tìm hiểu cho cả hai bên. Làm người thì phải biết rung động, yêu thương chứ đâu chỉ có ham thích vật chất hay nhu cầu tầm thường.

Đi ngược lại tình yêu chân thực

Từ lúc xã hội còn phong kiến, những cuộc ép duyên đã không có cuộc sống hạnh phúc. Còn đây không phải là ép buộc nhưng hoàn toàn trái ngược với một tình yêu chân thực. Việt Nam ta cũng có rất nhiều người giàu, có địa vị nhưng tình yêu không phải phụ thuộc vào tiền bạc. Khi đi tìm một nửa của mình, nếu cứ nghĩ nhiều về tiền bạc và địa vị thì không bao giờ có tình yêu đẹp.

Bạn nghĩ gì về cuộc thi tìm vợ lý tưởng cho các đại gia này? Liệu đây là một xu hướng hợp thời đại?

Liệu có hạnh phúc không khi xuất phát điểm của một mối quan hệ là sự quan tâm đến túi tiền và nhan sắc?

Bạn có nghĩ xu hướng này cũng đang lan tỏa tại Việt Nam?

Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

LÂM NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên