22/05/2018 17:13 GMT+7

Chiếc xe đạp và đôi bông tai của mẹ

DÂN SINH (Bến Tre)
DÂN SINH (Bến Tre)

TTO - Hồi đó, gia đình tôi nghèo lắm. Cha mất sớm để lại cho mẹ tôi một bầy chích chòe nheo nhóc gồm hai người chị, đứa em gái và chỉ tôi là nhóc trai.

Chiếc xe đạp và đôi bông tai của mẹ - Ảnh 1.

Gánh nặng gia đình oằn nặng trên đôi vai gầy của mẹ từ đó với bộn bề lo toan.

Không đất đai, không ruộng vườn. Năm mẹ con nương náu trong căn nhà nhỏ mái lá, vách phên trống hoác ở đậu (ở nhờ) trên phần đất của bà chủ đất mà chị em tôi thường gọi là bà Tư Xuân. 

Bà sống rất tử tế, tuy giàu nhưng vẫn tốt với người nghèo, khi thì cho gạo, lúc lại cho thức ăn, quần áo... Bà thường dạy bảo những điều hay lẽ phải, khiến chúng tôi vô cùng cảm mến và từ đó cũng hình thành nhân cách cho trẻ nhỏ về lòng nhân ái từ bà.

Ngày ngày, cứ ba giờ sáng, trong lúc mọi người đang say giấc nồng thì mẹ tôi lục tục thức dậy soạn đôi quang gánh cùng với mẹt xề rau cải, ớt, gừng... kèm mấy miếng lót nilông và chiếc ghế bẹp rồi lẳng lặng ra chợ cách nhà hơn cây số.

Mẹ ngồi khép nép bên một góc nhà lồng chợ Mỹ Lồng, dầu dãi nắng mưa, bán hàng bông kiếm từng đồng bạc nuôi con ăn học.

Mẹ không biết chữ bởi từ nhỏ đã vật lộn với cuộc sống, đâu có thời gian mà đi học. Hơn nữa, ông bà xưa không cho con gái đi học vì quan niệm phong kiến là sau này nó sẽ lấy chồng, "biết chữ chỉ viết thư cho trai chớ ích lợi gì"... Nhưng mẹ thì khác: mặc dù nghèo dốt, khó khăn nhưng vẫn quyết cho con đi học để không thua sút người ta, không khổ cực như mình.

Hồi thời tiểu học, từ lớp năm đến lớp nhất (lớp một đến lớp năm bây giờ), mỗi khi được ghi tên vào bảng danh dự hằng tháng hay được khen thưởng cuối năm là tôi lật đật về khoe. Mẹ mừng lắm, khen đáo khen để rồi ôm tôi vào lòng hôn chùn chụt. Cách thưởng cho con nhà nghèo là vậy đó.

Nhưng số phần tôi lại trắc trở: hết năm lớp nhất, khi thi vào lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ), học sinh phải có khai sinh mà tôi thì không có nên phải ở lại lớp nhất thêm... hai năm nữa! Cứ hết học với đàn anh rồi lại học với đàn em. 

Lúc ấy tôi chẳng biết mắc cỡ là gì. Cũng không bao giờ trách mẹ bởi biết mẹ bận bịu mưu sinh. Nhưng cũng có lúc ưu buồn tự hỏi, chả lẽ cứ ở lại lớp hoài vầy sao? Hay cánh cửa vào trường trung học công lập khép lại với mình rồi?...

Như hiểu được lòng con, một hôm mẹ kêu tôi ra căn dặn: "Đừng có nản chí, cố gắng lên. Nhà mình nghèo không có cục đất chọi chim, nên các con phải sống bằng cái chữ. Bất cứ giá nào mẹ cũng sẽ lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn...".

Rồi mẹ bỏ vài bận chợ, qua hai lần dắt tôi hầu tòa tỉnh Kiến Hòa (bây giờ là Bến Tre) và thẩm vấn của cảnh sát quận Giồng Trôm. Sau đó tôi được cấp "giấy thế vì khai sinh" trong niềm vui sướng khôn nguôi!

Kết quả như mong đợi, năm ấy tôi thi đậu vào lớp đệ thất Trường trung học công lập Kiến Hòa (bây giờ là Trường THCS thành phố Bến Tre).

Mừng thì mừng nhưng mẹ rất lo vì tôi phải lên tỉnh học cách nhà đến tám cây số mà nhà thì không có chiếc xe đạp nào. Cứ vào ra mà mẹ không nói tiếng nào.

Càng gần đến ngày nhập học, tôi càng nôn nao với ngôi trường mới rộng thênh thang, với bao bạn bè mới từ khắp nơi trong tỉnh về học... 

Nhưng cũng lo vì không có xe đi học. Rồi chị em tôi bảo nhau chịu khó dậy sớm đi bộ vậy. Mấy ngày liền tôi hăm hở soạn tập vở. Mùi thoang thoảng của giấy mới khiến đứa học trò trung học tương lai ngất ngây. Đi bộ thì đi bộ, sợ gì!

Chiều hôm đó, từ chợ về, mẹ không gánh hàng bông mà hì hục dắt chiếc xe đạp mới toanh.

Cả nhà trầm trồ khen xe đẹp quá. Bỗng chị tôi kêu: "Mẹ, mẹ bán đôi bông tai, mua xe hả?". Nhìn đôi vành tai mẹ trống trơn, chị em tôi thương mẹ quá.

Đó là đôi bông cưới của mẹ đeo lâu nay. Mấy chị em ngồi lặng thì mẹ nói tỉnh bơ: "Tụi bây lo chi cho mệt, mẹ bán nó để mua xe cho em con đi học, tiền bạc như râu tóc, nó sẽ mọc lại, mai mốt mẹ buôn bán có tiền sắm lại mấy hồi...".

Tấm lòng bao la, lời động viên ân cần của mẹ đã thôi thúc chị em tôi cố gắng học hành đến nơi đến chốn. Bây giờ chị em tôi ai cũng sống bằng cái chữ với nghề dạy học.

Ngậm ngùi nhớ mẹ, chị em tôi ước gì mẹ còn sống để chứng kiến con cái thành đạt, thực hiện đúng lời dạy của mình nhưng nào có được đâu.

Mẹ đã đi xa...

Từ ngày 17 đến 21-5, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Lê Đức Châu (quận 10, TP.HCM); Phan Minh Tuấn, Bùi Văn Chiến, Đăng Vỹ (Thủ Đức, TP.HCM); Huỳnh Mai Lưu, Trần Thọ Sơn (Bình Thạnh, TP.HCM); Phạm Huy Mười, Lưu Mạnh Khởi (quận 3, TP.HCM); Hoàng Thị Mỹ (quận 5, TP.HCM); Hoàng Thị Vân, Huỳnh Thái Ngọc (Phú Nhuận, TP.HCM); Đào Tăng Phò, Nguyễn Thu Thủy (Gò Vấp, TP.HCM); Trần Lâm Hương (quận 2, TP.HCM); Đào Đình Tuấn (Tân Phú, TP.HCM); Hà Quang Thiện, Nguyễn Dinh Thự (Tân Bình, TP.HCM); Võ Thị Hồng Châu, Vương Thị Nguyệt Quế, Nguyễn Thị Mỹ Châu, Nguyễn Lâm Giang, Trần Thị Nga (TP Cần Thơ); Huỳnh Hộ Nam, Trần Tú (Quảng Nam); Phạm Đình Phong (Hà Nội); Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên); Nguyễn Lương Xin (Đà Nẵng); Mai Thắng (Vũng Tàu); Hồ Hữu Thiện (Đồng Nai); Đinh Thị Hồng Nhung (Hải Dương); Huy Khanh, Lê Quang Thọ (Đắk Lắk); Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Bình Định).

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Trân trọng.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện

TTO - Tôi nhận kết quả tại phòng khám nhưng không mở ra ngay, mà cầm ra ngoài sân bệnh viện. Chọn một cái ghế đá cạnh gốc cây, tôi bóc ra.

Chiếc xe đạp và đôi bông tai của mẹ - Ảnh 4.
DÂN SINH (Bến Tre)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên