Mùng bảy tháng giêng, từ trung tâm thành phố Huế, cả nhà tôi lên đường đến cầu ngói Thanh Toàn thuộc làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.
Con đường về xã rộng rãi, khang trang, bao quanh bởi cánh đồng lúa non mượt mà. Thấp thoáng những cánh cò trắng muốt chấp chới bay lên trên sóng lúa rập rờn, dưới những tia nắng sớm trải vàng như mật. Khoảng mười phút, xe đã đến đầu làng Thanh Thủy Chánh trong sự ngỡ ngàng của tôi, khi quãng đường gần hơn dự kiến.
Chúng tôi dừng chân ở một quán bún bò không có mái che, nằm sát bên dòng kênh gió mát hiu hiu. O bán hàng niềm nở mời chào khách vào bàn. Thưởng thức tô bún bò đậm đà hương vị, ăn kèm với rau sống vừa thơm vừa tươi, tôi đã sẵn sàng tinh thần cùng gia đình thăm thú ngôi làng nổi tiếng.
Còn đương tiếc nuối khi nhìn thấy tấm biển đề Chợ đêm Cầu Ngói ở ngay đầu làng, trong khi đến đây vào buổi sáng thì tôi bị thu hút ngay bởi một nhóm đông rộn ràng phía trước. Hóa ra mọi người đang hào hứng chơi bài chòi - trò chơi dân gian quen thuộc của người Trung Bộ trong các dịp lễ Tết, hội hè.
Mỗi người chơi ngồi trong một cái chòi nho nhỏ lợp bằng lá, tay cầm những thẻ bài, tay gõ gõ thanh tre vào cột tạo âm điệu nhịp nhàng vui tươi. Một người phụ nữ trung niên đội nón lá, áo lụa tím quần đen, dáng vẻ nhanh nhẹn đóng vai trò người hò. Ai có con bài trùng với tên do người hò xướng thì gõ 3 tiếng và hô lên.
Hội bài chòi ở làng Thanh Thủy Chánh - Video: PHẠM THỊ NHUNG
Giọng hò khỏe khoắn lôi cuốn cả người xem lẫn người chơi vào những làn điệu dí dỏm mà sâu sắc. Niềm vui lan tỏa trong không gian. Các du khách nước ngoài thích thú ra mặt, vài người còn đến ngay các khu chòi lá để xem cận cảnh hoặc nhiệt tình hỏi hướng dẫn viên du lịch. Chúng tôi bất giác cùng vỗ tay khi trò chơi kết thúc và phần thưởng được trao cho người thắng cuộc.
Chồng tôi đùa: "Đây là một kiểu chơi lô tô của người Huế". Nhưng bài chòi độc đáo và hấp dẫn hơn rất nhiều nhờ dẫn trò chơi bằng những câu vè, điệu hò được phóng tác từ ca dao, tích truyện gần gũi với đời sống, khơi gợi tình yêu gia đình, quê hương đất nước. Chỉ đứng bên ngoài xem mà tôi đã cảm nhận được không khí vui nhộn, đậm chất làng quê Việt Nam của trò chơi dân gian xưa.
Bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng hiện nay ở Huế chỉ còn làng Thanh Thủy Chánh là duy trì. Đến đây vào dịp lễ, Tết hoặc chiều thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, bạn sẽ được tham gia trò chơi giải trí lành mạnh, mang tinh thần kết nối cộng đồng rất cao này.
Rời khu vực chơi bài chòi, đi dọc bờ sông Như Ý độ chừng hơn hai trăm mét, chúng tôi đã tới cây cầu ngói Thanh Toàn với kiến trúc "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu) đặc sắc, được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Mùng bảy tháng giêng, khách đã vãn nên chúng tôi có nhiều không gian để thỏa thuê ngắm nghía cây cầu. Dưới sông, những con thuyền được trang trí rực rỡ với đèn lồng đỏ và những chậu cúc mâm xôi vàng ươm, để du khách thuê làm nơi chụp hình.
Cầu ngói nom giống một ngôi nhà trên sông, với kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói, được chạm khắc tỉ mỉ theo phong cách đặc trưng của Huế. Cầu chia làm 7 gian, có hai dãy bục gỗ như chiếc ghế dài và lan can bên thân để mọi người tựa lưng nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Gian chính giữa đặt ban thờ bà Trần Thị Đạo, người đã bỏ tiền để xây cầu vì thương dân làng phải đi thuyền, đò vất vả và mất thời gian. Bà là người làng Thanh Thủy Chánh, vợ của vị quan đầu triều thủ phủ xứ Thuận Hóa, thời vua Lê Hiển Tông. Bà được vua ban sắc khen ngợi và dân làng nhớ ơn, với lễ hội được tổ chức linh đình hằng năm vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, cũng là ngày giỗ của bà.
Xung quanh cầu ngói, ngoài đình làng và đền thờ liệt sĩ, còn là khu vực diễn ra các hoạt động vui chơi, buôn bán, hội họp của người dân trong làng. Tiếc rằng chúng tôi đến không đúng dịp "Chợ quê Cầu Ngói" để được thưởng thức những món ăn đồng quê và tham gia lễ hội sôi động.
Ngồi cạnh những người thân trên bục gỗ phía trong cầu ngói, tận hưởng làn gió trong lành từ sông Như Ý hiền hòa thổi vào, ngắm cảnh làng quê, non nước thanh bình, lòng tôi dâng lên một niềm an lạc khó tả. Phút giây ấy bình dị mà đong đầy niềm vui của cả gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Tôi lặng lẽ thắp nén hương thơm lên ban thờ bà Trần Thị Đạo, thầm cảm ơn tấm lòng của bà, đã để lại cho dân làng Thanh Thủy Chánh và đất nước một công trình không thể đo đếm được giá trị cả về vật chất và tinh thần.
Tạm biệt ngôi làng xinh đẹp và giàu truyền thống, chúng tôi lên xe trở về. Bên đường, những cánh cò trắng chao nghiêng trên cánh đồng lúa xanh rì, giữa khoảng không đang nhuốm trong nắng vàng rực rỡ.
Ngày 24-2 (rằm tháng giêng) là hạn cuối nhận bài cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận