Hội hoa xuân Tao Đàn
Một địa điểm mà không năm nào nhà tôi bỏ qua là Hội hoa xuân Tao Đàn. Nơi đây là lá phổi của thành phố, với những cây cổ thụ xanh mát. Ngày Tết trưng bày biết bao kỳ hoa dị thảo, bonsai, hội thi chim cá, cùng các chương trình văn nghệ, tha hồ mà ngắm nhìn, thưởng thức.
Hội hoa xuân mở cửa khá sớm, tầm 26, 27 tháng chạp. Hồi má tôi còn khỏe, cứ canh ngày mở cửa là tôi cùng nhóm bạn chơi với nhau từ hồi đại học, tháp tùng má đi chơi. Chỉ màn chụp hình thôi mà cười lên cười xuống không biết bao nhiêu bận, bởi những kiểu tạo dáng vô cùng độc đáo của lũ bạn thân.
Sau này chân má yếu, đi lại bằng xe lăn, tôi cũng chọn Tao Đàn là điểm vui xuân đầu tiên, vì không gian rộng rãi, thong thả đẩy xe cho má ngắm nhìn, lúc mệt thì kiếm ghế đá cho má nghỉ lưng, khỏe đi tiếp.
Trong công viên Tao Đàn còn có đền tưởng niệm các vị vua Hùng uy nghiêm trầm mặc. Nếu có đến đây, bạn đừng quên dâng nén hương để tưởng nhớ nguồn cội của người Việt trong ngày Tết dân tộc.
Ở góc công viên, ngay ngã ba Trương Định, Nguyễn Du là miếu bà Tao Đàn luôn nghi ngút khói hương. Ngôi miếu nhỏ được sơn son thếp vàng tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đến đây, bạn biết thêm câu chuyện về lịch sử hình thành ngôi miếu từ tấm lòng thành kính của người đàn bà nghèo và công lao lập miếu của một ông quan người Pháp. Vừa đi chơi Tết, vừa được thắp hương ở chốn tâm linh, cầu bình an trong ngày đầu năm, còn gì bằng.
Xuyên qua công viên là một đoạn của đường Trương Định, được che phủ bởi hai hàng cổ thụ thẳng tắp, xanh rì. Mỗi lần đi qua con đường này, tôi đều đi thật chậm, hít đầy lồng ngực cái không khí trong lành mát rượi. Ngày Tết, cổng công viên phía đường Trương Định được bài trí theo hình con vật của năm, vô cùng rực rỡ.
Đường hoa Nguyễn Huệ
Địa điểm khác không thể không đi là đường hoa Nguyễn Huệ. Nơi đây vốn là chợ hoa Nguyễn Huệ, từ năm 2004, chính quyền thành phố trang hoàng đón Tết, trở thành một "đặc sản" Tết, là niềm tự hào của người dân thành phố.
Mỗi năm con đường được bài trí theo những cách khác nhau, tái hiện cảnh sắc, đặc trưng văn hóa các vùng miền, muôn phần hấp dẫn. Đường hoa thường khai mạc ngày 28 tháng chạp, luôn ken đặc người từ khi mở cửa đến lúc kết thúc, khoảng mùng 4, mùng 5 Tết.
Lúc má khỏe, buổi sáng ngày mùng, tôi cùng má dạo chơi ngắm cảnh chụp hình. Sau này có con nhỏ tôi chuyển qua đi buổi chiều, kết hợp đi buýt sông Sài Gòn ngắm hoàng hôn, ở bến Bạch Đằng gần đó.
Đây cũng là một trải nghiệm vui xuân tuyệt vời. Ngồi trên thuyền, hứng gió sông thổi lên mát rượi, nhìn những công trình tráng lệ của Sài thành dần lên đèn, ngắm nhìn những pa nô bảng hiệu lấp lánh ven bờ, cảm nhận một Sài Gòn hoa lệ dưới góc nhìn khác. Con gái tôi, cứ mỗi bận đi xong lại đòi đi nữa.
Có năm từ đường hoa Nguyễn Huệ, tôi mua vé xe buýt hai tầng Hopon - Hopoff, dạo một vòng ngắm Sài Gòn ở độ cao khác, mang lại trải nghiệm tuyệt vời. Cung đường đi qua những kiến trúc, di tích của thành phố, rộn rã mỗi dịp Tết về, dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cầu Thủ Thiêm…
Thảo cầm viên
Một nơi chơi Tết ưa thích khác của nhà tôi là Thảo cầm viên. Má tôi thích ngắm những vườn mai trổ vàng rực rỡ, chi chít những chùm hoa đong đưa theo gió, thu hút ong bướm mỗi độ xuân về.
Tết năm 2022, má đem theo điện thoại chụp hình, tay yếu, điện thoại rớt xuống bể cái màn hình. Má tiếc của, nhưng mỗi lần nhìn tấm hình cây mai tự chụp, má lại cười khoái chí.
Hoa bướm, sinh vật nơi này cũng rộn ràng không khí Tết khi khuôn viên được trang hoàng tươi tắn, đón dòng người đông đúc đi tham quan thưởng lãm.
Vui chơi thỏa thuê, nhà tôi kéo nhau đi xem biểu diễn múa rối nước tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sát bên Thảo cầm viên. Đây là chương trình mà bọn con cháu nhà tôi thích thú, vỗ tay bôm bốp theo từng động tác của các chú rối.
Còn biết bao điểm vui Tết hấp dẫn khác, mà trong bài viết này tôi không thể kể hết. Bạn hãy đến Sài Gòn vào những ngày Tết, để cảm nhận một Sài Gòn rất khác, đường phố thưa vắng người, khắp nơi tươi mới rực rỡ, đầy niềm hân hoan.
Một không khí Tết hiện đại mà không thiếu đi hồn cốt của Tết trong các hoạt động. Một Sài Gòn đầy năng lượng, khởi đầu năm mới với nhiều mong ước tốt đẹp.
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận