Vượt đèo Đại Ninh ngoằn ngoèo, gia đình tôi từ Sài Gòn đến Đà Lạt trong dịp cận kề ngày Tết.
Nụ cười của mẹ, tiếng nói ríu rít của đứa em gái và ánh mắt hạnh phúc của ba khi cả nhà tôi quây quần ăn gà nướng cơm lam bên ven Suối Vàng là khoảnh khắc mà tôi chẳng thể quên.
Người Sài Gòn luôn nhớ thương Đà Lạt
Mỗi lần gặp gỡ Đà Lạt là một cuộc tao ngộ. Đi cùng bạn bè trong chuyến du lịch ngoại khóa của trường, tôi đến đây với những bỡ ngỡ đầu tiên và rồi mê mẩn vùng đất này.
Rồi tôi cũng đã quay lại trong một dịp khác nữa để nghe đêm nhạc Khánh Ly - Trịnh Công Sơn, và những ngày sau thì đi vi vu một mình trên khắp những con dốc, ngọn đồi trong cơn mưa phùn rả rích.
Còn mùa xuân này, tôi ngắm sương bên bờ hồ Xuân Hương. Hoa mai anh đào đã hồng rực trên khắp nẻo đường.
Tôi uống ly sữa đậu nành nóng bên bờ hồ và lặng im ngắm sương mờ, lành lạnh như trong lời thơ của Hàn Mặc Tử: "Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều / Để nghe dưới đáy nước hồ reo / Để nghe tơ liễu run trong gió / Và để xem trời giải nghĩa yêu" (Đà Lạt trăng mờ).
Tôi yêu lắm những thời khắc đó bởi không mấy khi có thể được đắm mình trong tiết trời lãng đãng sương. Đó là lúc tôi lắng lòng lại và tạm quên đi những ngổn ngang trong lòng mình.
Xe lăn bánh, gia đình tôi dần đi xa khỏi trung tâm thành phố Đà Lạt. Chúng tôi đến làng Cù Lần. Địa điểm này nằm ngay dưới chân núi Langbiang hùng vĩ, cách trung tâm thành phố khoảng 22km.
Làng Cù Lần là ngôi làng đơn sơ nhưng xinh đẹp của đồng bào K'Ho, ẩn trong khu rừng già nguyên sinh.
Dọc hai bên đường đi đến làng là những hàng thông xanh rợp bóng mát. Rừng thông reo lên trong gió như lời chào thân thương đến những người Sài Gòn luôn yêu mến thành phố ngàn hoa.
Tổ chức UNESCO từng tôn vinh làng Cù Lần là địa điểm du lịch văn hóa ấn tượng và góp phần thay đổi diện mạo du lịch của tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây cũng từng được công nhận là một trong sáu ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng làng Cù Lần có ít điều để khám phá lắm bởi làng không có quá nhiều điểm chụp hình "sống ảo" gây sốt. Riêng tôi, tôi yêu ngôi làng này vì nét văn hóa hoang sơ, đậm chất trữ tình của vùng đất và người dân bản địa.
Đà Lạt cũng thương gia đình mình lắm!
Gia đình tôi đến làng Cù Lần khi Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Chúng tôi đi sâu xuống làng, bắt gặp bãi đất rộng bên cạnh hồ nước thơ mộng.
Tôi chẳng thể rời mắt khỏi những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, vách nhà lát rất nhiều viên đá nhỏ. Những chiếc cồng chiêng hình tròn treo dọc trước nhà, đậm nét văn hóa bản địa Tây Nguyên.
Đồng bào K'Ho rất thân thiện và dễ mến. Mọi người rủ gia đình tôi cùng chơi nhảy sạp, ném còn, đi cà kheo, nhảy dây, bắn cung…
Có một chị chỉ em tôi chơi nhảy sạp. Còn chú nọ thì tận tình hướng dẫn tôi đi cà kheo. Chú còn giúp chúng tôi ghi lại thật nhiều khoảnh khắc đẹp của gia đình.
Mẹ tôi bảo: "Làm du lịch thì phải thân thiện và nhiệt tình như vậy để thu hút khách". Nhưng tôi nghĩ đó chính là tính cách, con người thật của họ. Bởi những người Đà Lạt mà tôi gặp luôn hiếu khách và lành như vậy đấy!
Cũng đâu có gì lạ khi trên chiếc ly lưu niệm bán ở chợ Chồm Hổm trong ngôi làng lại khắc dòng chữ: "Hiền như cục đất, đẹp như Cù Lần".
Chúng tôi đi thêm một đoạn nữa thì được xem biểu diễn cồng chiêng và xem người dân bản địa dệt thổ cẩm.
Theo người K'Ho, có những lớp vải thổ cẩm dệt hoàn toàn bằng tay và dệt miệt mài đến 3 ngày mới xong.
Tạm biệt làng Cù Lần, gia đình tôi ghé qua ven bờ Suối Vàng ăn cơm lam gà nướng trong tiết trời trong trẻo, mát lạnh. Cả gia đình quây quần ăn uống và nhớ lại những khoảnh khắc vui chơi vừa qua.
Lòng tôi vẫn chưa hết vấn vương. Tôi trộm nghĩ: "Đà Lạt cũng thương gia đình tôi lắm! Cảm ơn thiên nhiên và con người nơi đây đã tặng cho chúng tôi những trải nghiệm du xuân đáng nhớ bên nhau".
Với tôi, Đà Lạt đã không còn là một địa điểm để ghé thăm đơn thuần. Vùng đất này trở thành "tình nhân" của tôi, một "người yêu" thân thuộc, dịu dàng, luôn sẵn sàng dang tay ôm lấy tôi vào lòng.
Những ngày cận kề Tết năm nay thật đặc biệt.
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận