Đầu năm lên rừng xuống biển
Chị Đặng Thị Kim Liên - ngụ TP Long Xuyên, An Giang - cho hay năm nào cũng vậy, công việc buôn bán của gia đình thường kết thúc vào 20 tháng chạp, rồi cả nhà quây quần lau dọn nhà cửa, giặt mùng mền tinh tươm, đi chợ mua bông hoa về trang trí, mâm ngũ quả cúng ông bà... Tất cả đi vào tâm thức, cứ lặp đi lặp lại. Cúng giao thừa xong, năm mới bắt đầu, gia đình ăn bánh tét, uống nước ngọt.
Hành trình vi vu Tết chỉ chính thức bắt đầu vào mùng 2 Tết. Chị Liên kể: "Tôi ở nhà trọn vẹn ngày mùng 1. Từ mùng 2 đến mùng 4 Tết là một lịch trình dày đặc cho cả gia đình bốn người.
Từ TP Long Xuyên, chúng tôi đi xe máy đến TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang khoảng 100km, hết 3 giờ. Tại đây có rất nhiều điểm tham quan như: Chùa Hang, Thạch Động, Hòn Phụ Tử, núi Đá Dựng, chùa Tam Bảo... chỉ cách trung tâm Hà Tiên 5km - 20km và nằm trên cùng một cung đường.
"Tôi đặc biệt ấn tượng và đến chiêm bái chùa Hang (Hải Sơn Tự) đều đặn hơn so với các điểm khác, vì chùa nằm sát bờ, sóng biển vỗ về quanh năm, vách dựng lên thẳng đứng nằm dưới chân An Hải Sơn. Khu vực này có một hang rộng thông ra tới bờ biển, ngắm nhìn toàn cảnh Hòn Phụ Tử.
Những ngày đầu năm tham quan chùa, đi qua một hang động đá vôi rồi cuối cùng thả tầm mắt về phía biển thăm thẳm, mọi phiền muộn của năm qua như tan biến hết", chị Liên chia sẻ.
Kết thúc một ngày ở Hà Tiên, chúng tôi đi TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) nghỉ đêm, hôm sau đi tàu ra đảo. Nơi đây có nhiều đảo để lựa chọn, như Hòn Sơn, Nam Du, Phú Quốc...
Gia đình tôi thích đi Hòn Sơn vì cách đây 1-2 năm, nơi này vẫn còn hoang sơ, chỉ có một vài hộ kinh doanh nhà nghỉ bên cạnh bãi biển. Chúng tôi thuê xe máy ngay tại nhà nghỉ rồi đi dạo quanh đảo, mua hải sản về tự chế biến. Quán cà phê bên sườn núi hướng biển là điểm cộng nơi đảo nhỏ này.
Cuối cùng, mùng 4, chúng tôi đi núi viếng chùa ngay tại quê hương An Giang mình: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu du lịch Núi Cấm. Từ TP Long Xuyên đi xe máy 60km thì đến khu du lịch núi Sam (TP Châu Đốc). Cúng Bà xong, chúng tôi đi thêm 30km đến khu du lịch núi Cấm độ khoảng 8h sáng, trời khá mát mẻ. Có nhiều sự lựa chọn để du khách đến được đỉnh núi viếng chùa, như cáp treo, xe lữ hành, xe máy và đi bộ hành hương.
Chúng tôi đi bộ. Khoảng cách từ chân núi đến đỉnh núi đi theo các bậc tam cấp ngoằn nghèo qua các rừng cây và vách núi dựng đứng ước khoảng 10km. Nhưng bạn phải chắc chắn rằng có một thể lực ổn và sự quyết tâm mới có thể chinh phục được.
Thông thường chúng tôi mất khoảng 5 tiếng để đi đến đỉnh núi, sau đó viếng chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tham quan tượng Phật Di Lặc rồi ngủ lại một đêm, hôm sau đi bộ xuống núi, kết thúc chuyến hành hương đầu năm của gia đình".
Kỳ vọng một năm rực rỡ như hoa
Còn chị Nguyễn Thị Kim Pha (ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) chia sẻ vì bản thân là giáo viên lại có con nhỏ, nên những chuyến đi chơi gần nhà và các tỉnh lân cận để đại gia đình đi cùng nhau là tiêu chí lựa chọn của chị.
"Gia đình tôi có 7-8 thành viên thường đi du lịch cùng nhau và chọn tỉnh Đồng Tháp vì gần nhà. Điểm đến đầu tiên là TP Sa Đéc. Gia đình tôi đi viếng chùa Kim Huê, chùa Kiến An Cung và chùa Bà Sa Đéc, sau đó tham quan khu vực làng hoa với các khu du lịch để chọn lựa như: Khu du lịch cánh đồng hoa hồng, ngôi nhà Hoa Ếch, khu du lịch Sa Nhiên Garden... Những nơi này có nhiều tiểu cảnh bắt mắt, hoa nở rực rỡ... đển đến ngắm hoa, chụp ảnh ngày đầu năm, mong một năm mới tươi vui.
Sau đó chúng tôi tham quan đường hoa xuân TP Cao Lãnh mỗi năm chỉ phục vụ du khách khoảng 1 tuần (từ 28 đến mùng 5 Tết) và hoàn toàn miễn phí, không thu vé như các điểm du lịch. Năm 2023, đường hoa Cao Lãnh tạo ấn tượng với linh vật mèo màu xanh lá, thân mèo tựa như được ốp bằng vân những lá sen cách điệu khiến ai đi qua cũng phải ngừng lại nhìn thật kỹ vì sự lạ mắt. Đường hoa là sự kết hợp của Sen - Lúa - Sếu biểu tượng của tỉnh này, ngoài ra còn tái hiện làng nghề dệt chiếu, các khu điểm thu hút của tỉnh...
Năm nay, gia đình tôi vẫn tiếp tục đi làng hoa và đường hoa ngày đầu năm mới, với nhiều sự kỳ vọng một năm mới hân hoan", chị Pha nói.
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận