14/04/2012 08:39 GMT+7

"Khoảng trống" trong hồ sơ bà Hoàng Yến

Nhóm PV Tuổi Trẻ
Nhóm PV Tuổi Trẻ

TT - Nhiều thông tin đáng tin cậy cho biết bà Đặng Thị Hoàng Yến - ĐBQH - đã từng được kết nạp Đảng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong hồ sơ ứng cử viên, đây là “khoảng trống”, không đề cập việc này.

Hủy bản án ly hôn của bà Đặng Thị Hoàng YếnBà Đặng Thị Hoàng Yến rút đơn xin ly hônBà Đặng Thị Hoàng Yến có trung thực?

esy7JzWK.jpgPhóng to
Bà Đặng Thị Hoàng Yến trong một cuộc tiếp xúc cử tri - Ảnh: Ngọc Hậu

Tiếp xúc với phóng viên Tuổi Trẻ, một cựu lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (nơi bà Đặng Thị Hoàng Yến từng công tác) khẳng định bà Đặng Thị Hoàng Yến có tham gia sinh hoạt Đảng tại trung tâm. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này không nhớ sau khi không còn công tác tại trung tâm, bà Hoàng Yến đã làm hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng đi đâu.

Tương tự, qua tìm hiểu và qua nhiều cuộc trao đổi với những người có hiểu biết về những vấn đề liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến, phóng viên Tuổi Trẻ đều nhận được các thông tin cho rằng trong khoảng thời gian cuối thập niên 1980 đến những năm đầu thập niên 1990, bà Hoàng Yến có sinh hoạt Đảng trong một số chi bộ ở Q.5, sau đó không rõ bà Hoàng Yến chuyển sinh hoạt Đảng đi đâu, có còn là đảng viên nữa không.

Trong khi đó ngày 13-4, trước thông tin bà Đặng Thị Hoàng Yến từng được kết nạp Đảng, ông Lê Minh Cường - bí thư Đảng ủy xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - phản đối ngay: “Làm gì có. Từ trước đến giờ bà Yến về đây sinh sống, làm việc không hề chuyển sinh hoạt Đảng. Nếu có Đảng thì chúng tôi phải biết chứ!”. Ông Cường khẳng định chưa bao giờ nghe nói bà Hoàng Yến là đảng viên. Khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Long An giới thiệu bà Hoàng Yến ứng cử đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng không làm việc với Đảng ủy xã Đức Hòa Hạ về tư cách đảng viên. Lãnh đạo Huyện ủy Đức Hòa cũng xác nhận hồ sơ đảng viên của huyện không có tên bà Hoàng Yến.

Khi tra cứu các thông tin, hồ sơ ứng cử viên đại biểu Quốc hội trước ngày bầu cử (tháng 5-2011) tại tỉnh Long An, không chỗ nào thể hiện bà Hoàng Yến là đảng viên hoặc từng là đảng viên. Thông tin chính thức về ứng cử viên đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An cũng cho thấy bà Hoàng Yến không khai là đảng viên.

Theo đó, danh sách ứng cử viên đơn vị bầu cử số 1 (gồm các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Bến Lức), bà Đặng Thị Hoàng Yến được xếp ở vị trí thứ năm (bầu ba đại biểu). Lý lịch trích ngang của bà Hoàng Yến ghi như sau: sinh ngày 1-6-1959; quê quán ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Nơi cư trú: ấp Bình Tiên 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trình độ: đại học. Trình độ chuyên môn: kinh tế thương mại. Nghề nghiệp, chức vụ: chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Tân Đức. Các thông tin như: ngày vào Đảng, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì chừa trống (không có thông tin).

Phóng viên Tuổi Trẻ cũng có cuộc trao đổi với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Long An - nơi giới thiệu bà Hoàng Yến ứng cử đại biểu Quốc hội. Ông Võ Lê Tuấn (chủ tịch) cho biết cơ quan này không giới thiệu trực tiếp bà Hoàng Yến, chỉ giới thiệu Công ty CP đầu tư Tân Đức theo cơ cấu của trung ương. Công ty Tân Đức giới thiệu bà Đặng Thị Hoàng Yến là chủ tịch HĐQT ra ứng cử. Cả ba vòng hiệp thương công khai từ nơi cư trú đến cấp tỉnh không ai có ý kiến hoặc thắc mắc gì về trường hợp bà Hoàng Yến, nên bà được chọn là một trong năm ứng cử viên chính thức của đơn vị bầu cử số 1.

Khi được hỏi ai chịu trách nhiệm xác minh nhân thân, lý lịch của bà Hoàng Yến, ông Tuấn nói phần này thuộc trách nhiệm của Sở Nội vụ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chỉ giới thiệu và tổ chức hiệp thương nên không rõ. Mãi đến sau khi có kết quả bầu cử mới nghe lùm xùm về nhân thân, lý lịch của đại biểu này.

Người trực tiếp được phân công làm hồ sơ ứng cử viên đại biểu Quốc hội tỉnh Long An thời điểm đó là ông Nguyễn Minh Thắng, phó giám đốc Sở Nội vụ. Theo ông Thắng, sở không xác minh lý lịch, nhân thân của ứng cử viên mà chỉ hướng dẫn họ ghi và bổ sung hồ sơ theo đúng quy định. Sau khi có kết quả bầu cử, sở chuyển hồ sơ đại biểu trúng cử về Quốc hội. Bây giờ Sở Nội vụ cũng không còn hồ sơ để đối chiếu thông tin mà dư luận đang đặt ra.

Tối 13-4, để trao đổi thêm về các vấn đề liên quan đến chuyện sinh hoạt Đảng, phóng viên Tuổi Trẻ đã cố gắng tìm cách liên lạc với bà Hoàng Yến thông qua điện thoại của trợ lý nhưng không nhận được hồi âm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trần Đình Triển - người bảo vệ quyền lợi của bà Đặng Thị Hoàng Yến trong vụ án ly hôn với ông Jimmy Trần - cho biết việc bà Yến rút đơn khởi kiện vụ ly hôn không phải là bà Yến không muốn ly hôn nữa, mà là để khởi kiện vụ án ly hôn tại tòa án Mỹ. Theo luật sư Triển, nếu tiếp tục vụ kiện tại Việt Nam sẽ rất khó giải quyết, bởi ông Jimmy Trần đang bị cơ quan công an phát lệnh truy nã, tòa án không thể triệu tập được ông Jimmy Trần tới tòa.

Theo luật sư Triển, “bà Yến và ông Jimmy Trần đăng ký kết hôn tại Mỹ nên theo quy định của nước này thì tòa án Mỹ có quyền xét xử vụ án ly hôn của bà Yến. Do giữa Việt Nam và Mỹ chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nên hiện nay dù cơ quan tố tụng đã phát lệnh truy nã nhưng Jimmy Trần vẫn đang sinh sống bình thường tại Mỹ. Chính vì vậy, chúng tôi đã tư vấn cho bà Yến qua Mỹ để khởi kiện vụ ly hôn. Khi có bản án xét xử của Mỹ, bà Yến có thể làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự để bản án có hiệu lực thi hành tại Việt Nam”.

Còn về chuyện bà Yến không khai về chồng trong bản lý lịch ứng cử đại biểu Quốc hội, luật sư Triển cho rằng thời điểm đó bà Yến đã hoàn tất thủ tục ly hôn với ông Jimmy Trần, đã có bản án xét xử của tòa án nên việc bà Yến không khai về chồng là có cơ sở. Bản án xét xử vụ ly hôn của bà Yến sau này đã bị hủy là do lỗi của tòa án, thẩm phán xét xử vụ án đã có sai sót về thủ tục tố tụng trong xét xử, chứ không phải lỗi của các bên đương sự trong vụ kiện.

Nhóm PV Tuổi Trẻ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên