25/08/2022 11:14 GMT+7

Khổ với "ông Tí"

MẠNH DŨNG
MẠNH DŨNG

TTO - "Hình như mấy "ông Tí" giờ thành yêu tinh hết rồi. Tui rải keo bẫy lớn nhỏ, xanh đỏ khác nhau cũng hổng ăn thua. Ông nhà cũng hùng hổ đặt đủ loại bẫy nhưng cũng bó tay, dính cái đuôi chuột cũng hổng thấy, chỉ suýt đứt cái... ngón tay ổng".

Khổ với ông Tí - Ảnh 1.

Anh Phương kể từ đại dịch COVID-19 đến giờ, nhiều người ý thức phòng chống chuột bọ - Ảnh: MẠNH DŨNG

Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Hòa ở tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, TP.HCM). Nhà bà Hòa bán đồ ăn sáng bình dân. Bà rất ý thức việc cất kỹ đồ ăn, không để ra ngoài nhử "ông Tí" vào nhà. "Nhưng mấy "ổng" tinh quái như quỷ, vẫn lẻn vô lục lọi cắn phá tùm lum", bà Hòa kể. Ông Bảy, chồng bà, nói thêm: "Xơi xà bông còn đỡ, mấy "ổng" còn cắn luôn cả sợi dây điện nồi cơm, bình nước nóng, quạt máy ở khu bếp...".

Gọi "ổng" vẫn không ăn thua

Hồi mới thuê trọ khu này, ông bà Hòa suốt ngày cứ lo đuổi bắt chuột và than vãn đám chuột phá phách, nhưng chúng ngày càng quậy dữ hơn. Về sau, mấy người quê miền Tây Nam Bộ cùng trọ khuyên: "Dưới tui để mấy "ổng" khỏi phá phách ruộng, hiếm ai dám gọi thẳng là chuột mà phải gọi "ông Tí". Nhiều người còn bày mâm cúng mấy "ổng" tận bờ ruộng". Ông bà Hòa nghe theo, không dám gọi chuột nữa mà phải gọi "ổng", nhưng vẫn không ăn thua.

Xóm ông bà Hòa ở nhà hẻm chật chội, ai cũng mệt mỏi mấy "ông Tí" quậy phá. Nhưng ngay cả những khu đô thị mới, đường sá rộng rãi, nhà cửa tươm tất cũng không được đám chuột... tha cho. Anh Trần Văn Hải, ở khu dân cư Bình Phú (quận 6, TP.HCM), kể: "Khu này trước là ruộng vườn, chuột bọ thì khỏi nói rồi. Nhưng từ khi lên khu đô thị sạch đẹp, chúng cũng đâu chừa ra. Ban ngày chuột nấp đâu đó dưới ống cống và ngóc ngách nhà cửa, tối đến là tủa ra". Anh Hải kể thêm có hôm thấy cả cảnh chó, mèo nháo nhác chạy giật lùi trước đội quân "ông Tí" đông áp đảo.

Cách đó không xa, người dân các khu dân cư An Lạc, Tân Tạo (quận Bình Tân) nghe hỏi chuyện chuột bọ phá phách cũng cười như khóc. Hầu hết họ đều có nhà cửa ở những khu quy hoạch đô thị tươm tất, ít bãi rác tự phát, nhưng không hiểu sao chuột vẫn có chỗ trú ẩn, sinh sôi. Bà Phương ở đường số 33B (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), cười méo xẹo kể: "Nhiều tối mình giật cả mình với những con chuột to như cổ chân người lớn, đen thui lui. Còn chuột nhỏ thì khỏi nói, chúng nhào vô các thùng rác rồi túa ra cũng cả bầy. Mình đi bộ mà sợ cả bị chuột cắn".

Gần đây, nhiều họng thu nước của hệ thống cống ngoài đường được thay mới bằng vỉ sắt có kẽ nhỏ hơn trước. Người dân tưởng chuột sẽ không còn chỗ trú ẩn, sinh sôi, nhưng rồi thực tế vẫn như cũ. Ban ngày, đám chuột tinh quái vẫn tìm ra chỗ để chui rúc, lẩn trốn và túa ra phá phách khi bóng tối buông xuống.

Cuộc chiến với... chuột

Là người bán thức ăn, vợ chồng bà Hòa đã tìm đủ cách trị chuột. Đầu tiên là họ dùng keo bẫy chuột vào ăn để mắc dính. Ban đầu cũng dính được vài con, nhưng lạ là sau đó đám chuột như biết "cảnh báo nhau" để né ra. Thua keo bẫy, ông Bảy mua mấy loại bẫy về đặt, từ bẫy sập cửa đến bẫy kẹp lò xo làm ông dập cả ngón tay, nhưng số chuột dính bẫy vẫn ít hơn hẳn số chuột tinh quái đêm đêm phá phách nhà ông. "Quái là tôi bỏ cả tôm khô, cá khô ngon lành vào bẫy và đặt trên miếng keo dính mà chuột không vào, chúng lại chui vào cái bếp để... ăn dây điện nồi cơm và cục xà bông. Họa hoằn dính bẫy được một con thì cả 100 con đã quậy tưng nhà mình rồi", ông Bảy bực bội cho biết.

Chị Diễm Huê ở đường 32B (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), kể nhà ở khu quy hoạch mới, hai lớp cửa trước, một lớp cửa sau. Chị yêu cầu thợ làm cửa kín để chuột không chui vào được, "nhưng chả hiểu sao chúng vẫn vào. Có hôm chính mắt tôi còn thấy con chuột nhỏ lững thững leo vào theo đường dây điện và có con đẩy bật cả nắp phễu cống chui lên". Chiến đấu với đám khách không mời này, chị Huê cũng dùng từ bẫy keo đến bẫy sập, bẫy kẹp và cả thuốc chuột nhưng vẫn chịu thua. "Ban đầu, tôi rải thuốc, chúng còn ăn. Về sau, chúng như biết báo nhau để né xa. Chẳng biết có phải thuốc giả không nữa" - chị Huê bực bội kể thêm giờ chị xài cả long não, tinh dầu và máy phát âm đuổi chuột, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy cái đuôi chuột lấp ló dưới gầm bếp, sau lưng tủ lạnh...

"Tôi còn kêu cả công ty chuyên trị chuột tới. Họ cho người leo trèo khảo sát cả ngày rồi tư vấn xây chỗ này, bít chỗ kia chặn đường chuột vào nhà. Sau đó, họ còn đặt các loại bẫy và rải thuốc cả tuần để diệt hết chuột trong nhà", anh Hải ở khu Bình Phú (quận 6) kể mình tốn nhiều tiền cho đội săn bắt chuột nhưng cũng chỉ yên được ít hôm rồi tình hình lại như cũ.

Nhà có con nhỏ, vợ anh Hải không cho nuôi mèo vì sợ bé hít phải lông. Nhưng hết chịu nổi, và giờ họ đã nuôi cả hai con mèo, tình trạng chuột phá phách tuy giảm hẳn nhưng vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn.

Nhiều người dân ý thức phòng chống chuột

bay chuot 3 1(Read-Only)

Bẫy kẹp bắt chuột nhưng chỉ... dập ngón tay

"Hình như từ hồi xảy đại dịch COVID-19 đến giờ, người dân ý thức hơn trong việc phòng chống chuột bọ - mầm mống lây truyền bệnh nguy hiểm. Nhiều người ghé tôi mua đồ trị chuột, thậm chí có người mua một lần cả vài trăm ngàn đồng với mấy thứ bẫy, thuốc chuột khác nhau" - anh Nguyễn Văn Phương, người bán đồ diệt chuột ở vỉa hè đường số 7 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) cho biết.

Theo anh Phương, tình trạng chuột "lờn", "né" các loại bẫy là có thật, nên phải sử dụng phối hợp nhiều loại khác nhau và quan trọng nhất là phải tìm ra đường chuột vào nhà để bít lại. Nhưng cũng có thực tế là nhiều nhà dân không thể đủ kín đáo để chặn được triệt để chuột vào. Đặc biệt, người dân không nên để rác sớm trước cửa nhà vì trong đó thường có thức ăn như nuôi chuột, mà nên canh gần lúc xe thu gom rác tới hãy đưa rác ra.

Điện đã về đến làng O2 Điện đã về đến làng O2

TTO - Những ngày qua, bà con sống tại làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định luôn nở nụ cười rạng rỡ vì sau bao đời sống âm thầm giữa rừng già sâu hun hút, bây giờ ngôi làng mới có được ánh sáng đèn điện.

MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên