14/10/2018 09:56 GMT+7

Khổ vì mua đất nông nghiệp để ở

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Sống ở thành phố nhưng có khu dân cư nhiều không: không điện, không nước máy, không hộ khẩu...

Khổ vì mua đất nông nghiệp để ở - Ảnh 1.

Những ngôi nhà tạm bợ do xây dựng trên đất nông nghiệp - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Người dân tự mua bán bằng giấy viết tay sẽ gặp rủi ro cao. Khi phát sinh tranh chấp, pháp luật không công nhận giao dịch, người mua có thể bị mất trắng tiền

Luật sư Nguyễn Văn Thái

Đó là tình cảnh của nhiều người dân ở phường Hòa An, Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng khi mua đất nông nghiệp bằng hình thức giấy viết tay để ở. Trong khi cơ quan chức năng chưa cho phép việc chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất ở.

Sơ sài giấy tay

Điều dễ nhận ra nhất ở khu vực này là những ngôi nhà tạm bợ, nóng hầm hập. Đứng trước "túp lều" chỉ có bốn bức tường, phía trên che mấy tấm tôn, chị Nguyễn Thị Diệu Phúc (quê ở Thừa Thiên - Huế, trú tổ 45) rầu rĩ: "Không có sổ đỏ nên gia đình chỉ dựng bốn bức tường với lợp tôn lên để chui ra chui vào". Chị Phúc cho biết chị được bà Đ.T.B. bán gần 100m2 đất nông nghiệp với giá 35 triệu đồng. Giao dịch giữa hai bên chỉ có một tờ giấy viết tay.

Chủ đất cho chị Phúc xem một sổ photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng là đất trồng cây hằng năm. Sổ này có tổng diện tích đất đến gần 800m2, chủ đất xẻ ra gần chục lô để bán cho nhiều người khác nhau.

Sau khi mua đất xong, chị Phúc đến gõ cửa cơ quan chức năng nhiều lần để làm sổ đỏ nhưng không được do đất nông nghiệp chưa chuyển quyền sử dụng đất. "Nếu có tiền, có điều kiện chắc không ai chui vô ở đây làm gì. Chỉ nghĩ đất nông nghiệp mua rẻ, khả năng tài chính mình có chừng đó thôi chứ có biết là hợp pháp hay không đâu" - chị Phúc cho hay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết bà mua 100m2 đất nông nghiệp qua hình thức giấy viết tay với giá 50 triệu đồng. Bà Thủy đưa ra tờ giấy chuyển nhượng đất giữa bà với chủ đất rất sơ sài, được viết tay nguệch ngoạc trên một tờ giấy A4. Trong đó, nội dung chỉ gói gọn là chủ đất đồng ý chuyển nhượng cho bà Thủy diện tích 100m2, ngang 5m, dài 20m, số thửa, tờ bản đồ, giáp 4 phía...

Bà Thủy cho biết đã đi làm sổ đỏ mấy lần nhưng bất thành. Do không có sổ đỏ, không có giấy tờ nên vừa qua khi nhà tạm của bà bị sập thì không thể sửa chữa lại nhà cửa. "Nếu tôi biết mua đất mà nhà cửa không được làm, sổ đỏ không có, điện nước cũng không thì tôi cạch rồi" - bà Thủy nói.

Rủi ro cao

Theo UBND phường Hòa An, hiện có 51 hộ dân rơi vào tình cảnh mua đất nông nghiệp và tự xây nhà trên đó. Trước việc người dân sống trong cảnh "nhiều không", bà Lê Thị Ngọc Thủy - chủ tịch UBND phường Hòa An - cho biết đã có văn bản gửi UBND, HĐND quận Cẩm Lệ để có hướng giải quyết.

Theo bà Thủy, khu vực này chưa được đầu tư hệ thống nước sạch, việc sinh hoạt của người dân rất khó khăn, mất vệ sinh. Các trường hợp ở đây đa số xây dựng nhà trên đất nông nghiệp do tự xây dựng đã lâu hoặc nhận chuyển nhượng lại nên phường không thể xác nhận nhà ở hợp pháp để đi đăng ký nước sạch được.

Bà Thủy cũng cho biết trước đây đất ở khu vực này nguồn gốc là đất nông nghiệp. Phần lớn người dân ở địa phương khác đến mua bán đất bằng hình thức tự thỏa thuận, giấy viết tay bán với nhau. Qua nhiều thời kỳ lãnh đạo trước, người dân đã xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.

Hiện nay cơ quan chức năng chưa cho phép việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Do không có giấy tờ nhà đất hợp pháp, khu vực này lại chưa có quy hoạch mạng lưới điện, nước nên người dân ở đây phải đi "câu" nhờ điện, nước từ nhà có sổ đỏ về dùng.

Theo bà Thủy, nguyên nhân một phần do người dân không nhận thức được việc mua bán đất qua giấy viết tay sẽ gặp rủi ro và do mua đất nông nghiệp thì giá rẻ hơn rất nhiều so với ở phố.

Liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, ông Nguyễn Thành Quốc - giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Cẩm Lệ - cho biết việc chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất ở nếu có trong kế hoạch sử dụng đất 2018 thì mới được phép chuyển đổi, còn không thì không được.

Ông Nguyễn Quang Vinh - phó giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng - cho biết thêm đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, hiện UBND TP đang giao Sở Xây dựng lập quy hoạch trình TP phê duyệt, có quy hoạch rồi mới cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Luật sư Nguyễn Văn Thái - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - cho biết Luật đất đai, Bộ luật dân sự quy định về pháp lý thì chủ sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được chuyển nhượng. Về hình thức giao dịch buộc phải đảm bảo thủ tục công chứng, chứng thực hợp pháp. Đồng thời việc sử dụng đất để xây dựng nhà ở phải là đất có mục đích sử dụng làm đất ở, không thể tùy tiện sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích đất ở.

"Người dân tự mua bán bằng giấy viết tay sẽ gặp rủi ro cao. Khi phát sinh tranh chấp, pháp luật không công nhận giao dịch, người mua có thể bị mất trắng tiền" - luật sư Thái cho biết.

Luật sư Thái lưu ý, với các giao dịch nhà đất, người mua cần phải kiểm tra hồ sơ pháp lý của đất, có giấy tờ hợp pháp không, có đủ điều kiện về mục đích sử dụng không, được phép chuyển nhượng hay không thì mới tiến hành giao dịch mua bán hợp pháp qua công chứng, chứng thực hợp pháp để có thể đăng ký sang tên và sử dụng hợp pháp.

Bà Nguyễn Thị Dung cho biết bà từ Quảng Nam ra mua của một người dân địa phương một lô đất bằng giấy tờ viết tay với giá hơn 20 triệu đồng. Bà Dung cũng cho biết thêm lúc ở quê ra không có tiền, mà cũng chẳng biết hồ sơ pháp lý mua bán là phải có sổ đỏ, sang tên hay như thế nào nên cứ mua về dựng túp nhà để ở. Tuy nhiên, vì đất không có giấy tờ nên các thủ tục kèm theo như sổ hộ khẩu cũng không thể làm được. “Nước dùng nước giếng khoan. Điện thì phải đi câu nhờ nhà khác về với giá điện cao” - bà Dung nói.
Mua đất hợp pháp cũng có nguy cơ mất trắng Mua đất hợp pháp cũng có nguy cơ mất trắng

TTO - Hàng chục hộ dân mua đất dự án, đã cất nhà ở bỗng dưng mất đất do chủ đầu tư thế chấp và ngân hàng lấy đất từ một quyết định hòa giải thành của tòa án.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên