01/02/2025 09:57 GMT+7

Kho tàng truyện Kiều tại Hội An

Gần như những gì có trên thế gian liên quan đến Truyện Kiều của Nguyễn Du đều đã được chủ nhân của nhà trưng bày CSO Hội An này tích nhặt, sưu tầm...

Kho tàng truyện Kiều tại Hội An - Ảnh 4.

Các tài liệu liên quan đến Truyện Kiều được ông Tài sưu tầm và trưng bày

Xuôi đường Cửa Đại từ trung tâm phố cổ Hội An (Quảng Nam) ra biển, du khách sẽ dễ để ý đến một khu nhà mà mặt tiền phía trước treo những bức tranh hình các con tem mang ảnh các vĩ nhân thế giới.

Chân dung đại thi hào Nguyễn Du song song với nhà viết kịch William Shakespeare, nhà văn lỗi lạc người Pháp Victor Hugo...

Bước vào bên trong, khách sẽ thật sự choáng ngợp bởi gần như những gì có trên thế gian liên quan đến Truyện Kiều của Nguyễn Du đều đã được chủ nhân của nhà trưng bày CSO Hội An này tích nhặt, sưu tầm, phân loại, sắp xếp thành các chủ đề để diễn giải cho người tham quan.

Trần Hữu Tài, ông chủ 50 tuổi của gallery CSO, tâm sự rằng ông đã dành gần như cả đời để đi tìm những câu Kiều, đánh đổi nhiều thứ để có được bộ sưu tập đồ sộ này.

Năm 2022, Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập "Ấn phẩm, vật phẩm liên quan đến Truyện Kiều nhiều nhất Việt Nam" với gallery của ông Tài. Kế đó, năm 2023 Sách Kỷ lục Việt Nam tiếp tục xác lập bộ sưu tập tem linh vật ngựa các quốc gia trên thế giới với số lượng nhiều nhất Việt Nam cũng tại CSO gallery.
Ông TRẦN HỮU TÀI
Kho tàng truyện Kiều tại Hội An - Ảnh 3.

Các tài liệu liên quan đến Truyện Kiều được ông Tài sưu tầm và trưng bày

Kiều, Kiều, và Kiều...

Kho tàng của ông Tài phô diễn cho công chúng gồm: 1.630 ấn phẩm gồm sách, báo, tạp chí, tranh hội họa, các sheet nhạc và cả những trang phục có in những câu trong Truyện Kiều. Tất cả được bài trí theo thời gian, chủ đề ở các góc trưng bày.

Trong bộ sưu tập có bản Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm năm 1906 của nhà in Liễu Văn Đường (Hà Nội), bản thảo và bản in tác phẩm Kim túy tình từ năm 1917 của tác giả Phạm Kim Chi, Văn tập Kiều của cô B năm 1930, Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du năm 1942...

Không chỉ tất cả các bản Kiều đã xuất bản tại Việt Nam, ông Tài còn "đi hết cả tuổi thanh xuân", tới hầu hết các nước trên thế giới có xuất bản, phát hành Truyện Kiều như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hungary, Nga để tìm mua và đưa về.

Có những tài liệu mà ông phải săn đón hàng năm trời, tìm đủ mọi cách và trải qua không ít trầy trật để có được.

Ngoài sách, báo, tạp chí, còn rất nhiều trích đoạn Truyện Kiều được in ở các tài liệu nội bộ của các doanh nghiệp được phát cho nhân viên mà ông dày công sưu tầm được. Có cả những bộ đồng phục có in thơ Kiều trên lưng áo kèm hình ảnh minh họa Thúy Kiều, Thúy Vân...

Bước giữa bộ sưu tập mà mỗi vật phẩm đều là một báu vật, đều chứa một lai lịch, một câu chuyện, Trần Hữu Tài hé lộ câu chuyện của chính ông: "Tôi như là có "căn" với Truyện Kiều.

Nhiều lúc suy nghĩ thấy bứt rứt vì đam mê này mà tốn kém, phiền lụy tới gia đình nhiều lắm nhưng không thể dứt ra được. Có người bảo tôi là đại gia. Điều này hoàn toàn sai vì tôi cũng chỉ làm công ăn lương, phải phụ vợ nuôi con, nhưng cái duyên với Kiều như đã vận vào cuộc đời tôi".

Kho tàng truyện Kiều tại Hội An - Ảnh 2.

Khách nước ngoài tham quan gian trưng bày Truyện Kiều và các hiện vật

Người có "căn" với Truyện Kiều

Câu chuyện Trần Hữu Tài đến với Truyện Kiều có xuất phát điểm từ quê nhà (khu Thông Tây Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM). Từ khi còn nhỏ, Tài được tiếp xúc với nhiều bậc cao niên và thầy giáo quanh nhà mình. Họ thường đọc Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều khiến Tài nghe mà mê đắm.

Dần dần, Tài thấu hiểu được tinh thần thấm đẫm nhân văn của Truyện Kiều. Từng câu lục bát thật Việt Nam mà mang tầm kiệt tác của văn học nhân loại. Mỗi câu thơ trong Kiều đều có ý nghĩa, chân lý và thông điệp riêng, ứng với một giá trị nhân sinh.

Từ khi lên cấp III, hễ có được ít tiền do cha mẹ cho, Tài liền để dành. Mỗi khi lân la các nhà sách cũ gặp các tờ báo, tạp chí, đầu sách có đăng thơ Kiều là Tài tìm cách mua cho bằng được.

Vào đại học ngành kinh tế và ra làm việc trong vai trò quản lý bán hàng của các tập đoàn đa quốc gia, có cơ hội đi nhiều nước, biết rằng Truyện Kiều - Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới năm 2013 do UNESCO vinh danh, chính là hình ảnh của Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới, đam mê sưu tập những gì liên quan đến Truyện Kiều của Trần Hữu Tài lại càng mãnh liệt.

"Cứ vậy mà bộ sưu tập cứ dày lên, đầy lên, ngập cả nhà, và tôi nghĩ cần phải chia sẻ cho người Việt Nam, người nước ngoài chiêm ngưỡng", ông Tài kể.

Một đời lang thang sưu tầm và vẫn đang tiếp tục sưu tầm, ông có thêm 6 năm lang thang từ TP.HCM ra Nha Trang, Đà Nẵng để tìm vị trí thuê nhà mở gallery.

Khi chọn căn nhà gần phố cổ Hội An, ông tự mình lên bản vẽ, thiết kế không gian, đào tạo nhân viên rồi hướng dẫn vận hành. Đầu 2023, gallery đi vào đón khách trong sự âu lo, hồi hộp của chủ nhân.

Kho tàng truyện Kiều tại Hội An - Ảnh 5.

Các tài liệu liên quan đến Truyện Kiều được ông Tài sưu tầm và trưng bày

Choáng ngợp với Kiều

Ông Lê Trường An - kiến trúc sư, nhà thơ và là nhà sưu tầm Truyện Kiều ở Quảng Nam - trầm trồ khi nhắc đến gallery CSO: "Sưu tầm vốn đã là đam mê kén người chơi, sưu tầm Truyện Kiều lại càng hiếm vì tư liệu đã rất cổ xưa.

Tôi vô tình biết tới gallery này khi ông Tài tới quầy bán vé du lịch của gia đình tôi ở Hội An để giới thiệu, mời du khách đến tham quan. Cũng là người sưu tầm, nhưng tôi hoàn toàn choáng ngợp trước kho tàng dày dặn, giá trị và đầy công phu của ông Tài.

Thực sự để sưu tầm, phân loại với hơn 1.600 tư liệu, trong đó có nhiều tài liệu rất cổ xưa, có những phiên bản Truyện Kiều bằng các ngôn ngữ rất hiếm như tiếng Bỉ, là việc không đơn giản, đòi hỏi người chơi phải đủ duyên để theo đuổi".

Bà Nguyễn Quỳnh Vân, hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đăng Lưu (Đà Nẵng), nói rằng bà đã tìm thấy rất nhiều tài liệu hiếm có về Truyện Kiều ở gallery CSO.

"Ngoài các bộ Truyện Kiều được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên thế giới, ở đó còn có nhiều công trình nghiên cứu, bình luận đắt giá. Ngoài ra cũng rất bất ngờ là trên đồ gốm, trên trang phục... cũng có dấu ấn Truyện Kiều. Càng xem thì chúng ta càng tự hào hơn về dân tộc mình", bà Vân nói.

Trong bức thư điện tử gửi phản hồi gallery CSO, ông Shingo Takeuchi, giáo sư người Nhật đang giảng dạy ở một trường đại học tại Việt Nam, nói rằng lúc đầu khi phải bỏ một khoản tiền ra mua vé vào CSO tham quan thì ông hơi phân vân.

Tuy nhiên khi được chứng kiến kho tàng tư liệu cổ đồ sộ, công phu do chỉ một cá nhân sưu tầm, ông đã thực sự rất bất ngờ. "Tôi sẽ giới thiệu tới tất cả các kênh liên lạc, những bạn bè của tôi để họ tìm tới chiêm ngưỡng", ông Shingo cam kết.

Bán vé cho khách tham quan, ngoài hơn 1.600 tài liệu Truyện Kiều, gallery CSO còn có sáu khu trưng bày 20.000 hiện vật có niên đại từ 50 năm đến 2.000 năm tuổi gồm tiền xu, tiền giấy, tem của 200 quốc gia trên thế giới.

Kho tàng truyện Kiều tại Hội An - Ảnh 7.

Gian trưng bày các bộ sưu tập tem của thế giới


Kho tàng truyện Kiều tại Hội An - Ảnh 8.365 ngày vừa xé lịch vừa đọc Kiều, ngắm tranh minh họa quý

‘Kim Vân Kiều tân truyện’ - một bản Kiều cổ chép tay với nhiều tranh vẽ đẹp của triều Nguyễn, hiện đang được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Anh ở London vừa được đưa lên cuốn lịch bloc 2024 của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên