Trương Ngọc Ánh, Phan Thị Mơ và Trình Mỹ Duyên là 3 diễn viên lần lượt đóng Kiều (hoặc vai mô phỏng Kiều) trong Sài Gòn nhật thực, Kiều@ và Kiều - Ảnh: ĐPCC
NSND Lê Khanh, diễn viên đóng Hoạn Bà trong phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền, nói về bộ phim: "Việc hóa thân những nhân vật trong các tác phẩm văn học lớn, đã được khẳng định với thời gian là khó khăn vô cùng, áp lực vô cùng vì đó là ước mơ của nhiều thế hệ nghệ sĩ".
Tiếc thay, Kiều của Mai Thu Huyền đã trở thành một bộ phim thảm họa đúng nghĩa. Phim yếu về hầu hết các khâu: nhân vật, kịch bản, kỹ thuật... nên không tạo được cảm xúc cho khán giả, mà thay vào đó là cảm giác sống sượng.
Kiều - chủ đề quá sức với điện ảnh Việt?
Truyện Kiều có 3.254 câu thơ lục bát trải dài suốt hơn 15 năm thanh xuân lưu lạc của nàng Kiều. Khung thời gian 15 năm không phải là quá sức để đưa lên màn ảnh rộng, điện ảnh thế giới từng có nhiều phim tiểu sử bao quát suốt cuộc đời nhân vật. Tuy nhiên, với điện ảnh Việt Nam, dường như cuộc đời nàng Kiều vẫn là chủ đề quá sức.
Lường trước khó khăn này, 3 phim Việt trên có những cách xử lý khác nhau.
Sài Gòn nhật thực (2007) đưa câu chuyện về Kiều vào bối cảnh hiện đại với nhiều cải biên - Ảnh: ĐPCC
Sài Gòn nhật thực (2007, của đạo diễn Othello Khánh) có Trương Ngọc Ánh vào vai Kiều. Phim đưa nhân vật vào thời hiện đại, là một nữ diễn viên nổi tiếng nhưng vẫn rơi vào cảnh bán mình để trả nợ cho gia đình. Các nhân vật Kim, Trọng Hải, bà Tú... được cải biên từ Kim Trọng, Từ Hải, Tú bà...
Chủ đề buôn người, mua bán trao đổi thân xác phụ nữ được bê nguyên từ truyện cổ vào bối cảnh thời hiện đại gây cảm giác lệch pha, khiên cưỡng, thiếu hiểu biết về xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, Sài Gòn nhật thực còn thất bại vì ngôn ngữ lộn xộn, tình tiết ngô nghê.
Kiều@ (2021) cũng gây khó hiểu khi mượn danh Truyện Kiều nhưng thực chất là chuyển thể từ vở cải lương Nửa đời hương phấn. Trên thực tế, Nửa đời hương phấn cũng là tác phẩm lấy cảm hứng từ Truyện Kiều nhưng hành động mượn danh Kiều này cũng gây không ít lùm xùm.
Trong phim Kiều@, Phan Thị Mơ vào vai Hương, nhân vật có số phận giống nàng Kiều trong nguyên tác Nửa đời hương phấn - Ảnh: ĐPCC
Được quảng bá là bộ phim "một cú máy" suốt 90 phút, Kiều@ ghép nối nhiều cảnh phim khác nhau bằng kỹ thuật quay, dựng chuyển cảnh để tạo cảm giác một cú máy nhưng đi kèm là sự chóng mặt, khó xem, khó nắm bắt. Âm thanh, diễn xuất và kịch bản của phim cũng đạt tầm thảm họa.
Mới đây nhất, Kiều có cách làm ít ôm đồm hơn bằng cách lựa chọn một lát cắt trong cuộc đời Thúy Kiều để đưa lên màn ảnh. Đó là giai đoạn Kiều được Thúc Sinh cứu khỏi lầu xanh và đối mặt với cơn ghen từ Hoạn Thư.
Nói đúng hơn, phim lấy trọng tâm là mối tình tay ba Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư, trong đó Kiều đánh mất vai trò nhân vật chính và trở nên mờ nhạt.
Phim Kiều của Mai Thu Huyền sử dụng trang phục cưới màu trắng (ảnh) hoặc kỹ nữ mặc trang phục màu vàng vốn dành cho vua chúa - Ảnh: ĐPCC
Chọn lát cắt trong một tác phẩm văn học đồ sộ để chuyển thể, phóng tác là lựa chọn hợp lý của điện ảnh. Mặc dù vậy, Kiều thất bại, không đạt được tiêu chí nào về mặt điện ảnh.
Tóm lại, cả 3 phim đều mượn danh Truyện Kiều (đều có dòng chữ "cảm hứng từ tuyệt tác Truyện Kiều" hay "lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du") nhưng sản phẩm lại cải biên quá nhiều và không truyền tải được một phần nhỏ tư tưởng của nguyên tác.
'Phóng tác' không phải là bình phong của phim dở
Nếu nhà làm phim không đặt ra mục tiêu truyền tải tư tưởng của nguyên tác, thì câu hỏi là tại sao họ phải mượn danh, phóng tác Truyện Kiều mà không làm một phim hoàn toàn khác?
Dù các nhà làm phim thường chỉ nhận "phóng tác, lấy cảm hứng" chứ không "chuyển thể", hành động mượn danh là không nên.
Phim ảnh có quyền chuyển thể, lấy cảm hứng, cải biên... văn học nhưng phải chấp nhận nếu phim dở, dư luận sẽ phản ứng dữ dội hơn so với một phim nguyên gốc thông thường.
Và ngược lại, nếu phim tốt, họ sẽ "đứng trên vai người khổng lồ".
Chẳng hạn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Mắt biếc, được đạo diễn Victor Vũ khẳng định rõ ràng là "chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh". Cả hai phim đều không quá xuất sắc nhưng gây xúc động, quay đẹp, sản xuất công phu và được khán giả đón nhận.
Victor Vũ cũng có những cải biên gây tranh cãi, nhưng vẫn có sự tôn trọng nguyên tác nhất định ở nhân vật, tình tiết, ý nghĩa. Đồng thời, phim điện ảnh có đời sống riêng, tạo cơn sốt về du lịch.
Kinh nghiệm đặt ra là khi chuyển thể, phóng tác, làm phim từ văn học, nhà làm phim vẫn cần nắm vững tinh thần của tác phẩm gốc và cố gắng truyền tải những phần quan trọng.
Hồi tháng 1, phim Cậu Vàng "lấy cảm hứng từ những truyện ngắn của nhà văn Nam Cao" bị khán giả phản ứng dữ dội. Nếu quá nhiều nhân vật không giữ được tinh thần nguyên tác, từ "lấy cảm hứng" hóa ra chỉ là bình phong để nhà làm phim đưa ra những cải biên vụng về, vô nghĩa.
Cậu Vàng không thành công vì cải biên nhiều nhưng không hợp lý, làm phai nhạt ý nghĩa các nguyên tác - Ảnh: ĐPCC
Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc phóng tác Truyện Kiều, đạo diễn Mai Thu Huyền từng nói: "Tôi từng ấp ủ truyền tải, đưa hết tất cả câu chuyện Đoạn trường tân thanh, 15 năm lưu lạc của nàng Kiều lên phim. Điều đó đã bắt đầu từ 10 năm trước với dự án phim truyền hình 40 tập nhưng chưa thực hiện được.
Năm 2020 là kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du. Để làm phim kịp thì chỉ có phương án là phiên bản điện ảnh 90 phút. Tôi cùng biên kịch Phi Tiến Sơn đã bàn nhau để quyết định làm gì trong 90 phút phim đó. Chúng tôi quyết định chọn giai đoạn Thúy Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư".
Phim Kiều sản xuất trong 2 năm, từng một lần lùi lịch quay và 2 lần lùi lịch chiếu, đến tháng 4 năm nay mới ra rạp. Khi phim ra, dịp kỷ niệm cũng đã trôi qua. Do đó, ưu tiên hàng đầu của nhà làm phim vẫn nên là một bộ phim hay, có chiều sâu.
Tuy nhiên, "lực bất tòng tâm"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận