Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - đạo diễn Victor Vũ chuyển thể tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh |
Trước giờ tôi không viết về phim, cũng không bàn luận về các vấn đề đang nổi cộm, phần vì không thích cảm giác chảy cùng trong cơn lụt với đám đông, phần vì lười, bởi đã nói rồi thì phải nói nhiều, không thì sự vô tâm sẽ biến các ý tưởng trở thành nửa vời, hời hợt.
Nếu với độ một người ngoài cuộc, thì họ ngỡ ngàng về sự phát điên của công chúng trong cơn sốt hoa vàng, họ nghi vấn vì phim hay thật sự hay vì chỉ vì truyền thông làm lố? Với tôi thì...
Tôi viết, vì thấy tuổi thơ mình nằm vừa vặn trong đó |
Nguyễn Thanh Tâm |
Con người khóc cười mạnh mẽ nhất khi họ đồng cảm
Ở đây, chân lý không bao giờ có chung cho số đông. Nhất là khi bàn luận về hay, dở. Điều duy nhất luôn đúng là Human Interest - là con người khóc, cười mạnh mẽ nhất khi họ đồng cảm, khi họ xem những điều liên quan, đánh động đến ký ức, tâm tư, tình cảm của mình.
Những điều bản thân mơ hồ nhìn nhận nhưng chưa bao giờ được gọi tên, khái quát lên thành hình tượng rõ ràng, cụ thể. Các nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ nói chung thành công khi họ khiến công chúng thốt lên “A, đúng rồi”.
Như thế, người ta có thể cho cái này hay hoặc dở tùy vào trải nghiệm cá nhân của bản thân họ.
Với tôi, Hoa vàng trên cỏ xanh để gọi là một phim xuất sắc thì khó - nó không chứa đựng tư tưởng gì cả. Nhưng nó chứa đựng trong đó tất cả những hình ảnh điển hình nhất trong tuổi thơ bất cứ đứa trẻ nào ở thế hệ 8x, 9x vùng quê Việt Nam.
Tôi không biết điều gì đặc biệt về cá nhân khiến Victor Vũ chọn một tác phẩm nhiều người cho là không có gì đặc sắc của Nguyễn Nhật Ánh để lên phim.
Tôi chỉ nghĩ, có lẽ anh đã không đi chọn một cốt truyện, anh đã chọn một dải hình ảnh để tái hiện. Và điều này đã làm nên sự thành công cho phim.
Bởi lẽ, dải hình ảnh này có thể được xem như một thước phim tài liệu về đời sống của những đứa trẻ lớn lên trên khắp làng quê Việt Nam - chân thật từng chút một - chẳng có gì sai phạm, chẳng có chỗ để hư cấu, dư thừa. Và do vậy, nó quá dễ dàng để bất cứ một đứa trẻ nào từng lớn lên bật khóc, bật cười.
Ai cũng có một ...tuổi thơ như thế
Bạn vừa xem ra, nói với tôi, mắt đỏ hoe:
“Cái tấm lưng đổ mồ hôi nhọc nhằn, cái vẻ khắc khổ, nghiêm nghị mà im lặng nuốt những lo lắng vào trong, bố anh cũng có một tấm lưng như thế.”
Tôi nói:
“Bố em cũng vậy. Và xóm nhà em cũng có một ông "điên" như thế.”
Rồi bạn tôi lại đồng ý: “Xóm nào cũng có một ông điên, hai bà ba bị.”
Và những trò đá gà, bắn bi, những đoàn moto làm xiếc, những đêm trung thu đốt đèn lon đi dạo, những cây bút, những hủ mực nước để trên bàn học, những đôi dép nhựa xám đen, những buổi trưa trốn ngủ chạy chơi sợ mẹ mắng, những ông thầy nhéo tai khi bắt thư chuyền,...cả những ganh tị, nhà giàu, nhà nghèo, những buổi xem ké ti vi, những ước ao đổi đời, mua nhà lầu, xe hơi cho mẹ.
Những ai lớn lên ở miền Trung mỗi mùa bão lụt, sẽ bật khóc khi nhìn thấy những đứa trẻ háo hức hứng nước, thắt thuyền thả chơi mùa lụt. Còn bố thì những trầm tư như hằn thêm vào im lặng, mẹ như thêm trăm công nghìn việc, tay chẳng nghỉ bao giờ.
Tôi nhớ cái nhà lênh láng nước những ngày đó. Có năm bố bị gai cột sống, mang miếng đá nặng lên nhà chặn mái tôn, trẹo lưng nằm luôn mấy ngày. Vậy mà bọn tôi vẫn ngồi cửa sổ đếm cái nước lên, thả thuyền, chờ đợi.
Đương nhiên, những bạn ở thành thị có thể thấy phim chẳng có gì ngoài những thước hình đẹp - đơn giản là vì họ không chia sẻ chung những khung hình tuổi thơ với trẻ con vùng quê - những tranh cãi sẽ trở nên sa đà, vô nghĩa nếu hệ quy chiếu khác biệt.
Tôi không nhận xét thêm về hình ảnh hay âm nhạc, mọi thứ không thiếu, không thừa, vừa đủ. Vừa đủ để người xem nhìn thấy tuổi thơ của mình một cách trọn vẹn, nghĩa là vừa đủ thật, vừa đủ buồn, vừa đủ vui.
Và tôi viết, vì thấy tuổi thơ mình nằm vừa vặn trong đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận