Không vì cái khó mà không thể có cái Tết vui. Nếu chắt chiu, mỗi người mỗi nhà đều có thể vui Tết và Tết an lành.
Khéo co thì ấm
Mấy hôm trước, tôi ghé thăm bà chủ trọ cũ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Mở cửa đón tôi, bà không nói về một năm ít nhiều khó khăn theo tình hình chung, bà chỉ bày tỏ thương cảm cho mấy người ở trọ.
"Tết này có vài gia đình không về Tết. Đây là năm đầu tiên họ ở lại ăn Tết TP.HCM. Trong cái khó chung, nhiều nhà chồng bị giảm việc, còn vợ thì năm nay công ty khó khăn, chỉ thưởng bằng 1/3 năm ngoái, trong khi tàu xe giá vé cao quá. Vị chi một chuyến về Tết với đại gia đình ở miền Trung cũng hết vài chục triệu gồm tiền xe, quà cáp, sắm sửa các kiểu... cũng đắn đo lắm - bà chủ nhà kể câu chuyện đời ở xóm trọ - Không được đón Tết quê với đại gia đình, hẳn ai cũng buồn ít nhiều nhưng ăn Tết ở TP.HCM cùng gia đình nhỏ của mình cũng là một trải nghiệm nên có. Sát Tết, cô sẽ chuẩn bị bánh trái tặng mấy gia đình không về được quê đón Tết".
Đây không phải là câu chuyện cá biệt của những gia đình công nhân, lao động khó khăn trong dịp Tết. Sự san sẻ này của cô chủ nhà cũng là việc không quá khó để tìm thấy nơi thành phố giàu lòng sẻ chia như TP.HCM.
Trong hoàn cảnh khó khăn chung, "nhịn" một cái Tết sum vầy để đỡ chật vật, khó khăn sau đó cũng là cách có một cái Tết an vui. Thay vì than thở hay mượn nợ để về thì chọn cách vui Tết trong điều kiện khó khăn, như ông bà mình nói - khéo co thì ấm - cũng là một giải pháp nhẹ nhàng. Nhín chút chi phí đường xa để gửi về chút quà xuân cho ba mẹ thắp hương ngày Tết cũng là một cách thu vén được chọn lựa trong Tết này.
Ai có thể về quê thì việc giảm bớt quà cáp cũng là cách giảm áp lực để ai cũng có Tết vui. Với tôi, có mặt cùng nhau trong chén trà đầu năm, cùng nhìn về năm mới với hy vọng mới, sống tích cực chính là món quà ý nghĩa nhứt mà những người thân thương trao cho nhau trong xuân mới.
Mùa xuân không ở chỗ đủ đầy, dư dả
Hơn một tuần trước, tôi có dịp đồng hành cùng Trương Thư Hoàng - trưởng nhóm Hữu duyên Sài Gòn - trong chương trình "Mang Tết lên vùng cao" mà các bạn thực hiện. Đam Rông (Lâm Đồng) là điểm đến của nhóm. Trước đó, các bạn đã chuẩn bị bằng những chuyến tiền trạm, lên kế hoạch và mời gọi nhà hảo tâm, tình nguyện viên chung tay góp sức.
"Thực ra, không chỉ có người giàu mới có thể đóng góp, nhiều anh chị lao động nghèo cũng sẻ chia được. Tình người thể hiện rõ nhất từ sự chắt chiu trong khó khăn", Trương Thư Hoàng bày tỏ. Và hàng trăm phần quà, học bổng, xe đạp, nhu yếu phẩm, lì xì Tết... đã được trao là món quà của tinh thần "lá lành đùm lá rách" giữa ngày tháng khó khăn.
Người Việt mình luôn có cách sẻ chia với người khó hơn và chọn sống tích cực trong mọi hoàn cảnh. Trong những ngày này, xã nghèo Sơn Viên, huyện Nông Sơn, Quảng Nam cũng đón nhận rất nhiều phần quà Tết trao tay cho người nghèo, thuộc diện bảo trợ xã hội ở xã. Anh Đỗ Duy Hoàng - bí thư xã đoàn xã Sơn Viên - bày tỏ: "Năm nay khó khăn mà cũng có nhiều người đóng góp, của ít lòng nhiều như vậy thật đáng quý". Đây cũng là truyền thống sẻ chia ngày Tết, gửi mùa xuân đến những người khó khăn nhất để ai cũng có Tết.
Với tôi, thương người khó hơn trong dịp Tết nhứt cũng là cách cùng kiến tạo một cái Tết vui, ấm, một dịp để trao truyền bài học sẻ chia cho con cái mình một cách sống động, nhẹ nhàng, thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận