Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường là các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị khai mạc ngày 27-5.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản đến Seoul ngày 26-5, lần lượt gặp riêng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trước sự kiện.
Tuyên bố chung Nhật - Hàn - Trung sau 5 năm?
Nước chủ nhà Hàn Quốc cho biết chương trình nghị sự sẽ xoay quanh 6 lĩnh vực hợp tác, bao gồm kinh tế và thương mại, phát triển bền vững, các vấn đề sức khỏe, khoa học và công nghệ, quản lý thảm họa và an toàn, giao lưu nhân dân. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ra một tuyên bố chung sau đó.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đối mặt với tỉ lệ ủng hộ sụt giảm trong nước.
Cuộc bầu cử Quốc hội tháng 4 vừa qua tại Hàn Quốc đánh dấu sự thất bại của Đảng Quyền lực nhân dân của Tổng thống Yoon Suk Yeol, và sự trở lại của Đảng Dân chủ Hàn Quốc, vốn được cho là có quan điểm mềm mỏng hơn với Trung Quốc.
Mặc dù đối ngoại là lĩnh vực mà một tổng thống Hàn Quốc có đặc quyền quyết định, việc Đảng Dân chủ Hàn Quốc kiểm soát Quốc hội đặt ra không ít thách thức cho Tổng thống Yoon Suk Yeol khi ông thúc đẩy các chính sách kinh tế khác.
Trung Quốc - một trong những đối tác kinh tế và thương mại lớn nhất của Hàn Quốc - đã tỏ ra khó chịu khi chính quyền của ông Yoon Suk Yeol tăng cường liên minh với Nhật Bản và Mỹ.
Tập trung vào đối ngoại, xoa dịu Trung Quốc được cho là một cách để giảm bớt tiếng nói phản đối bên trong Hàn Quốc.
Tương tự, mặc dù đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh được đánh giá là mang tính lịch sử với Mỹ - Hàn và Mỹ - Philippines (lần lượt vào tháng 8-2023 và tháng 4-2024), sự ủng hộ của công chúng đối với Thủ tướng Kishida Fumio và nội các vẫn không được cải thiện.
Kết quả cuộc khảo sát gần nhất được Hãng thông tấn Kyodo News công bố ngày 13-5 cho thấy tỉ lệ ủng hộ vẫn ở mức 24,2%, trong khi tại Nhật Bản dưới 30% là mức nguy hiểm.
Tính toán của Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, theo các nguồn tin của báo Nikkei Asia (Nhật Bản), chính Bắc Kinh đã chủ động đề xuất hội nghị cấp cao ba bên sau nhiều cân nhắc.
Sau hội nghị cấp cao 3 bên lần thứ 8 tại Thành Đô (Trung Quốc), Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối hội nghị kế tiếp để thể hiện sự không hài lòng trước chính sách an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, với cuộc xung đột Nga - Ukraine, việc Triều Tiên tăng cường quan hệ với Nga và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn vào tháng 8 năm ngoái đã khiến Trung Quốc thay đổi quan điểm.
Hội nghị ngoại trưởng ba nước vào tháng 11 năm ngoái ở Trung Quốc đánh dấu sự biến chuyển đầu tiên.
Ông Lee Hee Ok, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sungkyun (Hàn Quốc), tin rằng một phần động lực để Bắc Kinh đồng ý tiếp tục ngoại giao ba bên là mong muốn làm suy yếu những nỗ lực tập hợp lực lượng của Washington.
Hẳn nhiên, Bắc Kinh hiểu rõ sẽ rất khó để phá vỡ quan hệ an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng họ cũng nắm giữ tư cách là đối tác lớn của hai nước này, với rất nhiều công ty Nhật Bản và Hàn Quốc có nhà máy tại Trung Quốc, đồng thời là nhà cung cấp nguyên liệu thô cho ngành sản xuất của hai nước này.
Sau khi đồng ý tổ chức hội nghị cấp cao ba bên "trong thời gian sớm" tại hội nghị ngoại trưởng ba nước vào tháng 11-2023, Trung Quốc đã bắt đầu xác định thời điểm mang lại lợi ích lớn nhất cho họ.
Tuần cuối tháng 5 được chọn vì hai lý do. Thứ nhất, nó sẽ diễn ra sau lễ nhậm chức ngày 20-5 của nhà lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức. Trung Quốc dường như sẽ dùng hội nghị cấp cao lần này để nhắc nhở Nhật Bản, Hàn Quốc về quan điểm của họ đối với Đài Loan và hậu quả của việc xem thường điều đó.
Thứ hai, Trung Quốc muốn trì hoãn hội nghị cho đến sau cuộc tổng tuyển cử của Hàn Quốc (diễn ra vào ngày 10-4 vừa qua). Chính quyền Yoon Suk Yeol đã hy vọng việc tổ chức hội nghị ba bên trước bầu cử sẽ giúp ghi điểm trong mắt cử tri và dập tắt những chỉ trích từ phe đối lập vì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, Triều Tiên.
"Nhưng Bắc Kinh muốn thấy phe đối lập thân Trung Quốc chiến thắng và sẽ không làm bất cứ điều gì có thể giúp kẻ thù của mình là chính phủ Yoon Suk Yeol", một nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc nói với Nikkei Asia.
Vấn đề Triều Tiên, mối quan tâm của cả Hàn Quốc và Nhật Bản, được dự đoán sẽ là một trong các trọng tâm mà lãnh đạo hai nước này nêu trong hội nghị.
Tuy nhiên, đây sẽ là vấn đề mà Trung Quốc tìm cách né tránh tối đa có thể. Thực tế cũng cho thấy Bắc Kinh không có nhiều sức ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng như người ta mong đợi.
Trung Quốc sẽ không tham dự một sự kiện mà ở đó họ sẽ bị o ép vì vấn đề địa chính trị, đồng thời không muốn gửi một thông điệp sai lầm nào đến Triều Tiên rằng Bắc Kinh đã bỏ rơi đồng minh.
Với việc các nhà hoạch định chính sách ở cả ba quốc gia đều chịu áp lực trong nước để giải quyết các nền kinh tế trì trệ, ba nước có thể đồng ý tập trung vào việc tìm kiếm các thỏa thuận có lợi tiềm năng để tạo thuận lợi cho thương mại và bảo vệ chuỗi cung ứng. Đây cũng sẽ là những vấn đề kinh tế Bắc Kinh theo đuổi tại hội nghị lần này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận