Theo số liệu tổng hợp của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình bạo lực gia đình năm 2016 cho thấy có 14.790 vụ bạo lực gia đình với tổng số nạn nhân là 13.524 người, tổng số người gây bạo lực là 14.177 người. Tổng số nạn nhân đến cơ sở hỗ trợ (cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng) để được tư vấn về pháp lý, được hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe là 18.104 người. Số người gây bạo lực gia đình được tư vấn là 7.058 người, đạt 49,7%.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng hợp từ 56/63 địa phương cho thấy có 9.698/7.753 nạn nhân được hỗ trợ và có 3.892/7.088 người gây bạo lực được tư vấn (đạt tỷ lệ 55%).
Việc thống kê tỷ lệ nạn nhân được hỗ trợ tại các cơ sở hỗ trợ còn bị trùng lặp do chưa có hệ thống quản lý thống nhất và đồng bộ giữa 4 loại hình cơ sở hỗ trợ. Số liệu thống kê vẫn chủ yếu theo đường hành chính do vậy số lượng nạn nhân được hỗ trợ thường lớn hơn tổng số nạn nhân do kết quả của việc cộng dồn nạn nhân được hỗ trợ tại mỗi loại hình cơ sở.
Do vậy, chưa đánh giá đầy đủ, thực chất về tỷ lệ nạn nhân được hỗ trợ/ tổng số nạn nhân theo yêu cầu.
Về tỷ lệ người gây bạo lực được tư vấn, theo báo cáo hàng năm cũng như kết quả năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra. Do vậy khả năng đạt chỉ tiêu 50% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; 85% số người gây bạo lực được phát hiện được tư vấn tại cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình vào năm 2020 không cao.
Mặt khác, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoài phạm vi gia đình đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội; song đây là vấn đề nhạy cảm, nhiều chị em vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo nhất là khi người gây bạo lực là người thân; tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay xâm hại tình dục đối với trẻ em gái có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp hơn.
Theo số liệu báo cáo trong năm 2016 có 1.627 trẻ em bị bạo lực và xâm hại tình dục (416 em bị bạo lực và 1.211 em bị xâm hại tình dục) trong đó nạn nhân là trẻ em gái là 1.369 em (chiếm 84%); 8 tháng đầu năm 2017 có 832 vụ bạo lực và xâm hại tình dục (116 em bị bạo lực và 716 em bị xâm hại tình dục) trong đó nạn nhân là trẻ em gái là 765 em (chiếm tỷ lệ 92%). Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đã xét xử 1.880 vụ xâm hại trẻ em với 1.976 bị cáo.
Trước thực trạng này Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em.
Đồng thời, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để tăng cường bảo vệ trẻ em, hình thành đường dây Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, các kênh truyền thông đại chúng gia tăng thời lượng thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; lên án hành vi xâm hại trẻ em. Các vụ việc xâm hại trẻ em được dư luận quan tâm, tồn đọng kéo dài thời gian qua đã được điều tra, khởi tố các vụ án, khởi tố bị can.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận