Một điểm đổi ngoại tệ tại thủ đô Matxcơva ngày 16-12 - Ảnh: Reuters |
Liên bang Nga đang trải qua thời khắc khủng hoảng mà truyền thông nước này không ngại dùng những tính từ như “sâu sắc nhất”, “khủng hoảng nhất”, ngang với cuộc vỡ nợ năm 2008. Cựu chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Bá Anh giải thích về diễn biến hiện nay.
* Tuổi Trẻ: Ông vừa từ Nga trở về. Là một doanh nhân làm ăn nhiều năm trên đất Nga, ông có thể khái quát bức tranh cuộc sống Nga hiện nay?
- Ông Nguyễn Bá Anh: Thật sự tình hình biến động quá nhanh và vượt ngoài dự kiến của nhiều người. Ðồng rúp mất giá và cùng lúc giá dầu mỏ sụt nhanh. Ngoài chợ, giá thực phẩm cơ bản tăng khoảng 15%.
Còn hàng hóa tại các cửa hàng phục vụ tầng lớp bình dân giá cả cũng nhích lên, ví dụ thịt tăng giá khoảng 20%, bánh mì, trứng, sữa cơ bản ổn định. Giá dịch vụ công và giao thông công cộng, điện nước, liên lạc viễn thông... chưa có thay đổi.
Có một số mặt hàng dựa trên nhập khẩu thì giá tăng cao hơn hoặc ít đi (do dừng bán ra hoặc không nhập). Nhìn chung trượt giá các mặt hàng sản xuất trong nước khoảng 10-15%. Có thể từ đầu năm sau, số mặt hàng tăng giá sẽ nhiều hơn.
Với người Nga, biến động giá ảnh hưởng chủ yếu khi mua sắm các hàng nhập khẩu hay chi cho du lịch nước ngoài. Còn với người nước ngoài sống tại Nga, trong đó có người Việt, thì rất khó khăn, do nhập hàng bằng ngoại tệ mà giá bán bằng rúp, và thanh toán nội bộ cho nhau như trả công người làm hay làm dịch vụ đều tính bằng USD...
Thật sự giai đoạn này rất khó khăn cho người buôn bán. Với người sản xuất thì trừ khâu phụ thuộc nhập ngoại, còn lại tạm ổn.
Các công ty của Nga đang khó khăn nếu hoạt động dựa vào nhập khẩu. Công ty càng lớn thì càng khó, vì quan hệ tín dụng - ngân hàng đang biến động khó lường.
Ông Nguyễn Bá Anh - Ảnh: nhân vật cung cấp |
* Những khó khăn hiện nay có nguyên nhân từ đâu? Từ hậu quả cấm vận mà Mỹ và phương Tây áp đặt do khủng hoảng Ukraine, hay từ giá dầu lao dốc, hay cả hai?
- Lý do cấm vận, theo tôi, chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ. Lần này chủ yếu do sụt giá dầu mỏ, từ đó giá trị đồng vốn của Nga giảm nhanh và thu nhập quốc gia co lại nhiều. Vụ Crimea chỉ là lý do để giải thích thôi.
Thật sự đang có một cuộc chiến tài chính thế giới và công cụ là đồng USD. Thế giới tài chính đến nay vẫn là đơn cực, trong khi thế giới chính trị và quyền lực đang chuyển sang hai hay ba cực!
Giá dầu, hoặc chiến tranh tài chính qua đồng USD (đơn cực) tác động đến kinh tế Nga là nguyên nhân chính. Nhưng ở đây có cả nguyên nhân nội tại rất lớn là nền kinh tế Nga chưa thoát khỏi cơ cấu dựa vào xuất khẩu tài nguyên, năng lượng.
Nước Nga muốn thành cường quốc và vững vàng trước mọi dông bão thì cần phải cải tổ cơ bản cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp và xã hội, và xa hơn là tạo được hệ thống tài chính vững vàng của mình, cân bằng với hệ thống tài chính dựa trên đồng USD.
Các định hướng đó đã được vạch ra, nhưng trên thực tế chuyển biến rất chậm. Cần ít nhất 2-4 năm để tiến được bước cơ bản theo hướng đó với nỗ lực cao nhất nếu có. Năm 2015 sẽ là năm khó khăn của nền kinh tế Nga, nhưng chắc chắn không “ảm đạm” như một số nhà bình luận phương Tây nói. Liên minh châu Âu (EU) có thể cũng “ảm đạm” không kém mà!
* Một số ý kiến trên truyền thông Nga chỉ trích sự thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan tài chính Nga, cho rằng quyết định tăng lãi suất hôm 16-12 đã cứa thêm vết thương cho nền kinh tế đang chảy máu?
- Hành động cấp bách của Ngân hàng Trung ương Nga có vẻ là “bị động” khi chưa có giải pháp thông minh và hiệu quả hơn. Nhưng tôi tin đánh giá của ông Alexei Kudrin, cựu bộ trưởng tài chính Nga, cho rằng đây là “hành động cần thiết lúc này”.
Cá nhân tôi nghĩ rằng không thể dùng riêng biện pháp ngắn hạn này và chỉ dùng mỗi biện pháp này, vì nó sẽ dẫn đến sụp đổ cân bằng và tê liệt xã hội. Hồi khủng hoảng năm 1998, đồng rúp mất giá sáu lần sau khi lãi suất ngân hàng tăng lên tới 35%, nhưng nguyên nhân hình thành khủng hoảng và quyết định phá giá đồng rúp khi đó hoàn toàn khác.
* Còn yếu tố đầu cơ, thưa ông?
- Yếu tố đầu cơ trục lợi thì rất rõ, nếu chú ý cảnh báo của Tổng thống Vladimir Putin ngay khi đồng rúp mất giá mới 10-15%. Rõ ràng không loại trừ có sự thao túng và hợp tác giữa chợ đen với khối quan chức hư hỏng trục lợi khi “đục nước”, làm trầm trọng hơn tình trạng kinh tế - xã hội. Chắc chắn sắp tới sẽ có biện pháp hành chính can thiệp để loại bớt các yếu tố phá hoại.
* Thái độ của người dân Nga trước những khó khăn như thế nào? Họ bi quan hay lo âu
nhiều không?
- Những người Nga mà tôi biết có lo lắng: lo cho nước Nga và cho Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng họ không hốt hoảng bi quan, có ý hướng tới điều chỉnh kinh tế dù khó khăn. Các doanh nghiệp có ít tiền thì chủ yếu lo vì lúc này khó lựa chọn hướng kinh doanh và bảo vệ đồng vốn.
Cũng có người oán trách chính sách của ông Putin, nhưng khi được hỏi: “Vậy ở vị trí anh thì nhường nước Nga cho phương Tây và đầu hàng hay sao?” thì họ lại nói: “Không bao giờ! Với Mỹ, nước Nga không bao giờ cúi đầu!”.
Dĩ nhiên, ở góc độ của mình, mỗi người đều có những suy nghĩ trước tình huống mới, nhưng lòng yêu nước thì không ai sao nhãng.
Số đông đánh giá khó khăn này đang thức tỉnh nước Nga để trở lại là mình. Một người bạn Nga của tôi là ông Yuri Gerashkin - chủ dự án Vận tải quốc tế TTT - cho biết đối sách của một số doanh nghiệp Nga hiện nay là tiết kiệm và hợp lý hóa trong chi tiêu, đầu tư vào sản xuất đáp ứng tiêu dùng xã hội và xuất khẩu. Còn tiếp đó?
“Không ai ở phương Tây muốn nước Nga mạnh. Vậy người Nga sẽ chấp nhận mọi khó khăn để chứng minh đó là sai lầm”, ông Gerashkin đã nói như thế.
* Tổng thống Putin từng phát biểu là kinh tế Nga vẫn có thể đương cự khi giá dầu ở mức 80 USD/thùng. Nhưng với tình hình giá dầu rớt như hiện nay thì lời trấn an của Chính phủ Nga có còn hiệu quả?
- Tổng thống Putin cùng Chính phủ Nga đều đang chuẩn bị các kịch bản xấu hơn, nhưng không xa rời mục tiêu chiến lược quốc gia. Tôi tin là nhân dân Nga sẽ đồng lòng với tổng thống và sau một thời gian sẽ khắc phục cơn sốc tài chính, ổn định mặt bằng thị trường mới.
Chính phủ của Thủ tướng Dmitry Medvedev từ đầu năm 2015 sẽ thực hành nhiều biện pháp cải cách quản lý doanh nghiệp, ủng hộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất và dịch vụ quốc nội, đẩy mạnh xuất khẩu, miễn thuế cho tư nhân và doanh nghiệp đưa vốn trở lại Nga, đa dạng hóa thanh toán quốc tế...
* Các doanh nghiệp Việt Nam ở Liên bang Nga đang xoay xở thế nào trước những khó khăn
hiện nay?
- Thật sự khó khăn nếu nhập hàng về bán! Nhưng nếu đầu tư sản xuất nông nghiệp, các ngành hàng nhỏ có nhu cầu xã hội và xuất khẩu thì lại thuận lợi. Nếu bạn sống tại một quốc gia giàu tài nguyên, rộng lớn và đang chuyển đổi chính sách đối với người lao động nhập cư và các biện pháp cải tiến quản lý với doanh nghiệp nhỏ và vừa (từ 1-1-2015) và khi Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan - mà Việt Nam tham gia và đã hoàn tất đàm phán - được ký kết thì việc mở rộng thị trường hàng hóa và lao động Việt Nam, đầu tư sản xuất sang không gian rộng lớn này là một hướng nhiều triển vọng và có lợi.
“Ngày thứ hai đen tối” Hôm qua (17-12), theo AFP, trong phiên mở cửa thị trường, đồng rúp Nga đã không còn lao dốc như hai ngày trước khi chuyển đổi ở mức 83,35 rúp “ăn” 1 euro và 66,96 rúp “ăn” 1 USD. Trong hai ngày 15 và 16-12, thị trường tài chính Nga đã trải qua “ngày thứ hai đen tối” khi đồng rúp liên tục tháo đáy so với các đồng tiền thế giới: theo tỉ giá ngày 16-12, 1 euro “ăn” 100,74 rúp và 1 USD “ăn” hơn 80 rúp. Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 10% lên 17% nhưng tình hình vẫn chưa khả quan hơn. Theo Newsru, bình luận quyết định tăng lãi suất cơ bản này, phó chủ tịch thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga Sergey Shvetsov cho biết hội đồng quản trị các ngân hàng Nga đã lựa chọn giữa các giải pháp “xấu và rất xấu”. Ông tiên báo trong những ngày sắp tới, kinh tế Nga có thể so sánh với giai đoạn trầm trọng nhất của cuộc khủng hoảng năm 2008. Ông bình luận: “Với những gì đang diễn ra, quả thật chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng thấy, cả trong cơn ác mộng khủng khiếp nhất một năm trước”. Tuy nhiên, ông cho biết tăng lãi suất không phải là giải pháp cuối cùng và Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tiếp tục các bước đi khác nhằm ổn định tình hình. Trong khi đó, sáng hôm qua, Bộ trưởng phát triển kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cũng thông báo kết quả cuộc họp khẩn đêm trước để ổn định tình hình tài chính. Theo ông, Matxcơva “sẽ bảo đảm cân bằng tốt hơn giữa cung và cầu trên thị trường trong nước bằng cách tăng cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng Nga, chuyển trọng tâm cung cấp vốn từ đồng rúp sang đồng USD cho các kênh thế chấp”. Ông khẳng định cuộc họp không bàn về vấn đề kiểm soát ngoại tệ. Trưa nay (18-12), Tổng thống Putin tổ chức họp báo để nói về các giải pháp của Nga. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận