Không chỉ thế, bé còn hùng hồn: “Con chỉ thích xem phim Hàn Quốc thôi, nội dung thì hơi ướt át, nhưng được cái diễn viên của họ biết cách ăn mặc”. Rồi bé tự hào khoe: “Hôm nọ sinh nhật bạn Khoa, con mặc bộ đầm màu cam và mang chiếc túi ton sur ton, con nổi bật khiến các bạn mê tít”.
Hơn ai hết, chị Hạnh hiểu rõ chị là người chịu trách nhiệm khiến con gái có suy nghĩ và hành vi “già trước tuổi” như vậy. Nghe các bé “tám” về chuyện “yêu đương” của mình còn thấy “khủng” hơn nữa.
Cậu bé Minh (7 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) kể: “Lớp cháu giờ ai cũng yêu cả chú ạ! Cháu đang thích bạn Ngọc, bạn ấy không xinh lắm nhưng được cái dễ thương, không hay dỗi hờn vô cớ”. Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì Tuấn - học cùng lớp với Minh - chép miệng: “Chuyện yêu đương nhố nhăng con nít đó không phải ai cũng hưởng ứng đâu nhé, đừng vơ cả nắm mà tớ bo xì đó”.
Trẻ bị “già cỗi” do tác động nhiều chiều
Một số bậc cha mẹ thường không cho con trẻ tham gia các hoạt động ngoài khu phố và chính điều đó làm trẻ chỉ biết bắt chước khuôn mẫu trong gia đình mà không hoặc rất ít được học hỏi, giao lưu.
Với một số trẻ khí chất trầm và ưu tư với biểu hiện nhút nhát, ủy mị, kín đáo... nếu gia đình, nhà trường không tìm hiểu và có biện pháp giáo dục phù hợp, đưa trẻ tham gia các hoạt động tập thể thì những trẻ này nhanh chóng “già trước tuổi” về mặt tâm lý.
Ngược lại, những trẻ mang kiểu khí chất hoạt bát thì rất nhanh nhạy, luôn chạy theo cái mới, cái lạ. Nếu không có sự định hướng kịp thời và đúng đắn của cha mẹ sẽ khiến trẻ có thể bị lệch lạc trong sự phát triển tâm lý.
Không ít bậc cha mẹ đã nhầm lẫn sự “già trước tuổi” với hiện tượng thông minh trước tuổi. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, một là sự già đi của tâm hồn, của hành vi so với lứa tuổi, thể hiện trong lối ứng xử bị “lão hóa”. Còn sự thông minh trước tuổi là những biểu hiện của sự phát triển vượt trội về trí tuệ và cảm xúc.
Đặc biệt, người lớn thường hay lợi dụng sự thơ ngây, thuần khiết, vô tư của trẻ để đùa cợt, bày cho trẻ nói những từ ngữ của người lớn. Khi phát ra những câu từ đó, trẻ thấy người lớn cười đùa, cổ vũ. Điều đó kéo dài khiến ngôn ngữ của trẻ phát triển lệch lạc.
Giữ sự hồn nhiên cho trẻ
Cha mẹ cần nắm vững sự phát triển trí tuệ so với lứa tuổi của trẻ; phát hiện, điều chỉnh biểu hiện “già trước tuổi” của con trẻ cho phù hợp. Đồng thời, không nên gò ép con theo những khuôn mẫu cứng nhắc của người lớn; để trẻ tự tìm hiểu và tự khám phá thế giới xung quanh bằng chính năng lực của bản thân, giúp trẻ phát triển cân bằng giữa hoạt động vui chơi và học tập; tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động bổ ích của nhóm bạn cùng lứa tuổi.
Trong gia đình, cha mẹ nên định hướng cho con trẻ tìm những phương tiện vui chơi giải trí - nhất là truyền hình, các trò chơi - phù hợp với độ tuổi, không nên đáp ứng quá mức các nhu cầu vật chất. Cần kiểm soát các bộ phim dành cho người lớn, nếu buông lỏng trẻ dễ bị ảnh hưởng. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện “già trước tuổi” nên định hướng để trẻ hiểu rằng điều đó không phù hợp với lứa tuổi của trẻ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận