24/07/2024 06:14 GMT+7

Khi Tổng bí thư yêu cầu đưa nước về cứu người Ba Na ở vùng đất khát

Từ nơi sâu thẳm giữa núi rừng Tây Nguyên, bà con đồng bào Ba Na những ngày này nhớ về chuyến thăm xã nghèo Ayun, huyện Chư Sê (Gia Lai) của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4-2017.

Khi Tổng bí thư yêu cầu đưa nước về cứu người Ba Na ở vùng đất khát- Ảnh 1.

Vợ chồng ông cụ Đinh Boc (80 tuổi) và bà Đinh Gam gieo trồng lúa nước trên thửa ruộng trước đây vốn quanh năm khô hạn - Ảnh: TẤN LỰC

Sau đó, khi thủy lợi Pleikeo đưa nước trải khắp mênh mang ruộng đồng, những ngôi làng Ba Na thượng nguồn hồ Ayun Hạ như được phục sinh, thoát khỏi những đêm dài đói khát.

Trước đó tự bao đời, người Ba Na khai đất lập làng dưới thung lũng ven sông Ayun. Những ngôi làng của họ đặt nơi lòng chảo dài kẹp hai bên bởi khối núi cao vút.

Con sông Ayun chảy xuôi ở nơi thấp nhất dải đất, không thể vươn tay đưa nước tới những vạt ruộng nơi lưng chừng đồi. Trên vùng cát sỏi bạc màu, nương lúa, rẫy mì quanh năm thiếu nước còi cọc sống lay lắt như phận người thiếu ăn.

Cái nghèo, cái khổ bao trùm hàng ngàn nóc nhà dưới thung lũng giữa rừng sâu như lời nguyền muôn kiếp.

Khi đến xã nghèo vào tháng 4-2017, chứng kiến nỗi cơ cực của đồng bào chốn thâm sơn cùng lời đề đạt nguyện vọng của chính quyền huyện và xã, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cấp phải làm ngay thủy lợi đưa nước về cứu khát cho dân.

Ông Nguyễn Văn Hợp, chủ tịch UBND xã Ayun, nói dòng kênh đã hồi sinh hơn 500ha đất và cũng gián tiếp hồi sinh xã nghèo. Từ chỗ trông đợi nước trời mỗi năm một vụ, năm được năm mất, 500ha đất nay mỗi năm trồng hai vụ lúa, vụ nào cũng được mùa to, đời sống đồng bào trở nên ấm no, sung túc.

Những ngày cuối tháng 7 này, dọc con đường bê tông liên xã đâu đâu cũng thấy đồng lúa nối tiếp rẫy mì (sắn) xanh thắm một màu trải dài hàng cây số. Dường như đường ống thép to màu đỏ sẫm chạy xuyên đồng kéo dài đến đâu, sự sống nối nhau mọc lên tới đó.

Nơi cánh đồng ở ngã ba đầu làng Keo, bà Đinh Chrem (62 tuổi) nói từ chỗ chạy tiền mua gạo mùa giáp hạt, gia đình bà đã không còn lo cái ăn trong nhà, lại còn dư lúa bán lấy tiền phòng khi túng thiếu.

Những đổi thay kỳ diệu ấy đến với bà và bà con nơi này từ ngày có thủy lợi Pleikeo.

Anh Đinh Ven (22 tuổi) thì nói là lớp người trẻ được kết nối với bên ngoài nhờ truyền thông, Internet, Đinh Ven nói mấy hôm nay nghe tin Tổng bí thư từ trần, sống mũi Đinh Ven lại cay lên xúc động, không diễn tả được bằng lời.

Trước mắt anh là công trình thủy lợi còn ghi dấu sự quan tâm của Tổng bí thư đến đời sống người dân nơi đây.

Giữa trưa 20-7, chúng tôi gặp cảnh vợ chồng ông cụ Đinh Boc (80 tuổi) và bà Đinh Gam gùi thau lúa giống bước chậm ra cánh đồng làng Keo. Ruộng đất đồi thửa cao thửa thấp lô nhô nhưng ông cụ không lo lắng gì vì đã có đường ống nước thủy lợi chạy ngang.

Cụ Đinh Boc nói mấy năm nay đã hết đói ăn. Trong nhà lúc nào cũng có gạo, không phải lo đói cơm lạt muối vì hai đám ruộng mỗi năm hai vụ thu đều đều.

Từ đêm trước, ông cụ được đám trẻ trong làng báo tin Tổng bí thư từ trần, ông cụ lại nhớ về lần Tổng bí thư về tận xã thăm bà con.

Ông nói không thể nào quên gương mặt vị Tổng bí thư hiền hậu, mái đầu bạc trắng và đôi mắt trìu mến nhìn bà con lúc nào cũng như đang cười.

Giúp đồng bào thoát nghèo bền vững

Công trình thủy lợi Pleikeo có tổng mức đầu tư gần 120 tỉ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 6-2018, có năng lực tưới cho 500ha cây trồng, chủ yếu là lúa nước.

Ông Siu Blí, phó bí thư Đảng ủy xã Ayun, nói thủy lợi Pleikeo hết sức có ý nghĩa với đồng bào xã Ayun, giúp người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và mang lại lợi ích lâu dài, thoát nghèo bền vững.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bài viết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bài viết 'Lớp tôi - Có gì đặc biệt?'

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ câu chuyện về người anh, người bạn học chung lớp đại học của mình: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên