03/04/2019 12:54 GMT+7

Khi phận 'hợp đồng' bị bỏ quên

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Cô Nguyễn Hương Trà (lứa tuổi 7X) và cô Đào Thị Nga (8X) là hai trong số gần 300 giáo viên làm hợp đồng nhiều năm ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Khi phận hợp đồng bị bỏ quên - Ảnh 1.

Cô Đào Thị Nga (trái) và cô Nguyễn Hương Trà - Ảnh: NAM TRẦN

Sau 10-20 năm gắn bó với nghề, họ đang đứng trước một kỳ thi rủi nhiều hơn may để được tuyển chính thức hoặc sẽ bị đào thải.

Cuộc đối thoại của Tuổi Trẻ với hai cô giáo ở hai thế hệ có cùng đam mê, cùng "số phận hợp đồng" tuy vẫn có những hào hứng, "máu lửa" nhưng mang vị đắng chát.

Không có môn học nào phụ

* Với nhiều người, còn là giáo viên hợp đồng có nghĩa vẫn ở ngoài rìa. Các cô đã làm thế nào để trụ lại khi tới giờ vẫn chưa được tuyển dụng?

- Cô Nguyễn Hương Trà: Tôi tốt nghiệp sư phạm năm 1999, ngành giáo dục công dân - lịch sử. Khi đó Sóc Sơn rất thiếu giáo viên giáo dục công dân nên tôi vào nghề với môn học này, tới giờ là 20 năm làm giáo viên hợp đồng. Tôi gắn bó với nghề từ đó.

- Cô Đào Thị Nga: Tôi có hơn 10 năm là giáo viên hợp đồng ở đây. Tôi luôn hiểu làm hợp đồng hay đã biên chế đều luôn phải làm mới mình, thích ứng với yêu cầu đang thay đổi. Tôi làm việc với tâm thế đó trong suốt những năm qua. Nếu nói về tâm huyết của nhà giáo trong điều kiện khó khăn, lương thấp như thế này thì không thể tả hết được đâu. Không yêu nghề, yêu học sinh thì những người có cơ hội đều đã từ bỏ hết rồi.

Khi phận hợp đồng bị bỏ quên - Ảnh 2.

Giấy khen vì thành tích dạy học của cô Nguyễn Hương Trà và cô Đào Thị Nga

* Giáo viên hợp đồng, lại chỉ dạy môn "phụ" như theo suy nghĩ phổ biến, làm cách nào để khẳng định giá trị của mình, ngoại trừ việc "lấp chỗ trống" về thiếu giáo viên?

- Cô Nguyễn Hương Trà: Về lý thuyết, không có môn học nào phụ, nhưng trên thực tế phần đông học sinh chỉ học những môn sau này sẽ thi, phụ huynh cũng chỉ muốn con học toán, văn, ngoại ngữ. Cũng vì thế nhiều giáo viên dạy môn như tôi không đầu tư đổi mới hay tìm cách để học sinh có hứng thú mà chỉ dạy cho xong bài. Khi mới ra trường, vì còn trẻ, nghĩ thương học sinh đã phải học nặng các môn khác nên tôi đã nghĩ cách để bọn trẻ bước vào tiết học của tôi nhẹ nhàng nhất.

Sáng tạo

* Làm cách nào để học sinh bước vào tiết học của cô "nhẹ nhàng" nhất?

Khi phận hợp đồng bị bỏ quên - Ảnh 3.

Cô Nguyễn Hương Trà - Ảnh: NAM TRẦN

- Cô Nguyễn Hương Trà: Tôi dùng các câu chuyện đời thường, thậm chí là những chuyện thời sự đang được nhiều người quan tâm để dẫn dắt vào bài học. Bọn trẻ có thể chán ngán một bài dạy khô cứng nhưng đều quan tâm đến việc trường A, trường B có học sinh đánh nhau, nơi này, nơi kia có chuyện tiêu cực, gian lận, vi phạm an toàn giao thông, vi phạm trong ứng xử... Tôi lấy đó làm sự thu hút học sinh.

Thường tôi cho học sinh tham gia các trò chơi, hoạt động, cuộc thi nhỏ trong lớp để từ đó các em nói ra suy nghĩ, cách ứng xử, tranh luận, tôi làm trọng tài. Bọn trẻ nhớ lâu những kiến thức thông qua hoạt động, cuộc thi như thế. Ví như để dạy về an toàn giao thông, tôi tổ chức cuộc thi có các vòng loại, hoặc đôi khi chỉ là các trò chơi nhỏ trong lớp như chia đội trong các cuộc thi "Ai thông minh hơn", "Ô chữ may mắn", hoặc trò chơi đóng vai, diễn tiểu phẩm...

Đó là những sáng kiến được chứng nhận, khen thưởng cấp thành phố. Sáng kiến kinh nghiệm là chứng nhận của các cấp. Còn thực ra đó là cách tôi nghĩ để làm sao trẻ con có hứng thú. Học sinh có thích môn của mình thì mình mới có vị trí trong lớp học, trong nhà trường. Đó là cách tôi duy trì để gắn bó với nghề.

* Cô Nga là người có những giải thưởng về tự làm đồ dùng dạy học và hướng dẫn học sinh đoạt giải quốc gia trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên. Điểm chung của cô và cô Hương Trà có phải là luôn lấy những gì trong đời sống để cho học sinh vận dụng vào bài học?

Khi phận hợp đồng bị bỏ quên - Ảnh 4.

Cô Đào Thị Nga - Ảnh: NAM TRẦN

- Cô Đào Thị Nga: Tôi tự làm đồ dùng thực hành từ phế liệu rồi hướng dẫn học sinh. Giải thưởng toàn quốc cho nhóm học sinh lớp 6 của tôi hướng dẫn là "Tình yêu qua đèn coca tự quay", tận dụng vỏ lon coca để làm đèn từ kiến thức đối lưu trong vật lý lớp 6. Sau này ở bài học này tôi để học sinh đọc trước bài và chọn vật liệu khác nhau tự thực hành trên lớp. Chị hỏi vì sao giáo viên hợp đồng mà vẫn gắn bó, tâm huyết thì chính là những lúc học sinh tự làm được những thí nghiệm từ vật liệu đơn giản đó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

* Cô Trà là một trong số những gương mặt được trao danh hiệu Người tốt, việc tốt tiêu biểu thủ đô năm 2014, cũng xuất phát từ những sáng kiến này?

- Cô Nguyễn Hương Trà: Tôi có 10 năm là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi để dự thi cấp thành phố. Trong đó có những năm liên tục tôi có 9 - 10 học sinh đoạt giải, trong đội tuyển 10 học sinh đi thi. Những cố gắng đổi mới cách dạy học của tôi không chỉ nhằm dạy cho học sinh giỏi, mà để đáp ứng được cho nhiều học sinh. Nhưng có lẽ cũng chính vì việc tôi tạo được hứng thú cho học sinh nên huyện chọn tôi bồi dưỡng học sinh giỏi.

Ngần ngại thi tuyển, vì sao?

* Là những người đã được ghi nhận trong nghề, vậy tại sao các cô không tự tin vượt qua kỳ tuyển dụng trước mắt?

- Cô Nguyễn Hương Trà: Năm 2000 khi mới vào nghề 1 năm, tôi cũng tham dự kỳ thi tuyển. Điểm thực hành khi đó của tôi khá cao, đạt 7,5 điểm nhân hệ số 2. Nhưng điểm lý thuyết tôi bị điểm liệt vì chỉ đạt 4,7 điểm. Chuyên ngành của tôi là giáo dục công dân nên tôi nắm các quy định pháp luật khá chắc. Khi đó tôi rất tự tin nên sốc khi biết kết quả. Trải nghiệm đó khiến tôi nhận thấy dù tự tin đến đâu thì cũng không lường được điều gì xảy ra.

- Cô Đào Thị Nga: Cũng như cô Trà, tôi từng tham gia kỳ thi tuyển một lần khi còn rất trẻ. Tôi bị trượt ở bài thi thực hành dù cá nhân tôi tự tin về bài thi. Phần thi chỉ có 10 phút, tôi trình bày cho ba giám khảo chấm, không có ghi âm, ghi hình và không được phúc khảo. Cách thi thực hành lệ thuộc nhiều vào người chấm.

Là một giáo viên luôn cố gắng tìm phương pháp dạy học đa dạng, tôi rất hoang mang vì không rõ vị giám khảo tới đây của tôi sẽ chấm theo tiêu chí nào? Họ ủng hộ cách dạy truyền thống hay hiện đại, sử dụng công nghệ, cách tôi tích hợp giữa phương pháp mới vào cách dạy truyền thống có hiệu quả cho học sinh bây giờ tôi dạy, nhưng liệu có thuyết phục được giám khảo không?

* Vậy các cô mong muốn có một sự đặc cách?

- Cô Nguyễn Hương Trà: Nghị quyết 29 ra đời cho phép xét đặc cách đối với giáo viên hợp đồng có thâm niên 3 năm trở lên. Trải qua 6 năm cho tới nay, trước khi có quy định mới, chúng tôi không được xem xét dù ở thời điểm đó tôi có trên 10 năm công tác, nhiều ghi nhận thành tích. Chúng tôi đã bị bỏ quên để bây giờ vì một quy định mới chúng tôi phải trải qua một kỳ thi chung với nhiều đối tượng khác nhau. Điều đó không công bằng.

Những giáo viên đã trải qua thời thanh xuân làm việc hết mình, vì huyện cần, trường cần, học sinh cần chúng tôi. Nhưng bây giờ khi có cơ chế tuyển người khác, chúng tôi không được một sự ưu tiên xét tuyển, cả về tình và lý đều không ổn.

- Cô Đào Thị Nga: Nếu quan niệm kỳ thi tuyển dụng để xét những người đạt yêu cầu vào ngành giáo dục, vậy tại sao với những giáo viên đã có thành tích, đã được ghi nhận từ hiệu quả lao động thật lại không được sử dụng thước đo thực tế công việc để xem xét? Tôi không lo việc phải minh chứng năng lực của mình, nhưng trước một kỳ thi rất mông lung, tôi không tự tin có thể vượt qua.

265 giáo viên huyện Sóc Sơn có nguy cơ mất việc

Cô Nguyễn Hương Trà và cô Đào Thị Nga (giáo viên Trường THCS Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội) là 2 trong số 265 giáo viên dạy tiểu học, THCS diện hợp đồng ở huyện Sóc Sơn. Họ đều có thời gian công tác từ 10 năm đến 27-28 năm. Nhiều người trong số họ là giáo viên cốt cán, kiêm nhiệm các vị trí công tác khác nhau, có thành tích trong dạy học, giáo dục học sinh.

Khi có cơ chế xét đặc cách cho giáo viên có thâm niên công tác, có đóng góp cho giáo dục thì họ bị "quên". Còn bây giờ họ được đề nghị tham gia một kỳ thi tuyển dụng không giới hạn đối tượng, khu vực, chốt danh sách dự thi vào giữa tháng 4-2019. Những người không thi đỗ sẽ phải cắt hợp đồng, ngừng việc dạy học.

Để họ thi tuyển là thiếu nhân văn

Cô Nguyễn Hương Trà và cô Đào Thị Nga là hai giáo viên tâm huyết, không chỉ hoàn thành công việc bình thường của mọi giáo viên mà các cô ấy luôn tìm cách đổi mới sáng tạo. Cô Trà là một giáo viên tiêu biểu trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn giáo dục công dân của huyện. Tuy là giáo viên hợp đồng nhưng hiện là tổ phó tổ bộ môn. Cô Nga là cô giáo say sưa với cách dạy gắn với thực hành, thí nghiệm, mang lại hứng thú cho học sinh.

Tôi cho rằng họ có đủ minh chứng cho năng lực, trách nhiệm với công việc nên việc họ phải trải qua một kỳ thi tuyển như người mới bước vào nghề là thiếu nhân văn.

Cô Trần Thị Thanh Nga (chủ tịch công đoàn Trường THCS Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội)

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên