15/12/2017 11:35 GMT+7

Khi những chiếc phong bì bị trả lại!

KIM THOA
KIM THOA

TTO - Có ai đó từng nói: "cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng... nhiều tiền!". Tuy nhiên, thực tế chưa chắc đã vậy. Câu chuyện: "khi những chiếc phong bì bị trả lại" của bạn Kim Thoa mang đến góc nhìn khác!

Khi những chiếc phong bì bị trả lại! - Ảnh 1.

Bố chồng tôi bị bệnh tiểu đường, suy thận nên thường xuyên phải vào bệnh viện. Vì "sống chung với lũ" nên chúng tôi thường tâm niệm: việc nhờ cậy bác sĩ, y tá là không thể tránh khỏi.

Thậm chí, người nhà bệnh nhân còn rỉ tai nhau, mách nước cho nhau là nên đi phong bì bác sĩ bao nhiêu? Nên đưa phong bì trước, trong lúc điều trị, hay đưa sau? Tôi cũng nghe nhiều phản hồi tiêu cực ở trên báo, mạng xã hội về việc bác sĩ, y tá gây khó dễ bênh nhân…

Có khi chiếc phong bì cảm ơn đã được kẹp khá kín đáo nhưng vẫn bị trả lại, không hiểu sao tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi hiểu, còn nhiều bác sĩ, y tá tốt bụng tận tâm với bệnh nhân. Vì thế, chúng ta đừng vội đánh đồng, chụp mũ khi bàn về y đức nghề Y."

Kim Thoa

Chính vì suy nghĩ phong bì là những lời cảm ơn nên khi bác sĩ điều trị cho bố chồng tôi kê đơn thuốc, chỉ định cho về, chúng tôi thường nhẹ nhàng nhét chiếc phong bì với số tiền nhỏ vào túi hoặc dưới cuốn sổ. Tuy nhiên, cuộc sống đã thay đổi quan điểm của tôi, bởi không ít lần các bác sĩ đều từ chối nhận… quà.

Hầu như mỗi đợt bố chồng tôi vào viện cấp cứu thường phải nằm nửa tháng. Nhớ lại những ngày trong bệnh viện Xanh pôn (Hà Nội), bố tôi bị cấp cứu vì tràn dịch màng phổi, khó thở, chân bị phù. 

Mẹ chồng tôi bảo: "Phải đút tiền cho bác sĩ thôi". Mấy anh chị em cũng khá lúng túng. Chúng tôi chuẩn bị một số tiền bỏ vào chiếc phong bì để nhờ cậy bác sĩ điều trị chính cho ông. Nhưng chúng tôi đã bị… từ chối.

Một bác người nhà chăm sóc bệnh nhân ngồi ở giường bên cạnh tỉ tê: "Bác sĩ ấy không nhận tiền đâu, chúng tôi có gửi trước nhưng đều bị trả lại. Có gì để đến khi ra về thì gửi lại xem thế nào".

Sau khi bố chồng tôi được báo sẽ xuất viện, mẹ chồng tôi trong lúc chờ đợi bác sĩ tư vấn và kê đơn, đã khéo léo gởi chiếc phong bì để cảm ơn. Tuy nhiên, bác sĩ đã gửi lại chiếc phong bì ấy. Như vậy, cả trước, trong và sau khi điều trị, bác sĩ đều từ chối quà từ người nhà bệnh nhân.

Rồi đến giai đoạn bố chồng tôi phải chạy thận, việc phải vào bệnh viện càng dày đặc hơn (1 tuần 3 lần). Khi bố chồng tôi chuyển sang điều trị ở bệnh viện Thanh Nhàn (theo bảo hiểm) cũng tương tự. 

Có những bác sĩ tư vấn rất nhiệt tình, đưa ra những lời khuyên chi tiết về chế độ ăn kiêng cho bố chồng tôi. 

Nhưng tuyệt nhiên họ đều từ chối khi mẹ chồng tôi cảm ơn bằng chút quà mọn. Một bác sĩ còn nói: "Bà hãy để tiền này để bồi bổ cho ông. Chúng tôi chỉ làm đúng bổn phận của người bác sĩ thôi…".

Chúng tôi dù không mang quan niệm biếu phong bì bác sĩ để được quan tâm hơn mà thực chất là muốn cảm ơn sự tận tình, hết lòng của những người thầy thuốc với bệnh nhân. Chính vì vậy, tôi nhìn nhận chiếc phong bì dành cho bác sĩ không tiêu cực là vì thế.

Thực lòng, tôi chỉ nghĩ đơn giản, biếu bác sĩ điều trị chính cho bố chồng tôi một số tiền nhỏ xem như "bồi dưỡng" và thể hiện lòng biết ơn chứ không phải hối lộ để … được bác sĩ quan tâm. 

Nhưng bất cứ lần nào bác sĩ H. cũng đều từ chối (mặc dù chúng tôi đã khéo léo kẹp phong bì vào cuốn sổ bệnh án rồi). Khi "bị" trả lại phong bì, chúng tôi rất bối rối, bởi đó đơn giản chỉ là chiếc… phong bì tình nghĩa.

Có lẽ, theo quan điểm của nhiều người, việc hối lộ bác sĩ là một biện pháp an tâm, để nhận được sự tận tình, để bệnh nhân đảm bảo được chăm sóc tốt nhất. 

Thứ hai, theo xu hướng chung là "người khác như thế" nên không theo không được, nếu không "cảm ơn" bác sĩ sẽ bị thờ ơ… 

Ban đầu, bản thân tôi cũng suy nghĩ thế nhưng rồi, qua không ít lần bị bác sĩ từ chối phong bì, tôi phải thay đổi suy nghĩ. Ranh giới giữa việc nhận và không nhận phong bì rất mong manh.

Có những khoản thanh toán tình nghĩa của bệnh nhân dành cho bác sĩ mang tên phong bì bị từ chối như thế…

Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên