02/11/2011 04:09 GMT+7

Khi nhà làm phim hợp tác "đẻ chung"

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt - một đạo diễn nhưng trên poster ghi tên sáu hãng phim. Long ruồi không kém cạnh với ba hãng chung tay và danh sách dài dằng dặc những nhà đầu tư, tài trợ...

espFemWt.jpgPhóng to qHHS9IGt.jpg
mJZvSZoV.jpg wEW0xNpg.jpg

Phim ảnh không phải là một cuộc chơi vì tốn quá nhiều tiền cho mỗi sản phẩm “lời ăn, lỗ chịu”. Hiện tại khi ít ai dám đứng riêng một mình một chợ trong việc sản xuất phim, nên tên các nhà đầu tư, sản xuất phim ở những dòng generique (đoạn giới thiệu bằng chữ tên các thành phần tham gia một phim) đang dần trở nên đông đảo hơn bao giờ hết.

Đội hình nào cho trận đấu

Sau thành công về doanh thu của Long ruồi, Danny Quách (Early Risers) trong một lần chia sẻ với PV Tuổi Trẻ đã cho biết, với phim này Early Risers đã san sẻ rủi ro (và tất nhiên là lợi nhuận nữa - nhưng điều này chỉ biết được sau khi phim đã chiếu) cùng hai nhà sản xuất khác. Early Risers - Galaxy - BHD đã tạo một thế kiềng ba chân khá vững chắc và lý tưởng cho một dự án phim thuần túy thương mại.

Early Risers lo phần sáng tạo (dùng Vincent Ngô như con át chủ bài cho phần câu chuyện phim hấp dẫn, cùng Dustin Nguyễn là nhà sản xuất trung gian điều phối - tỉ lệ góp vốn được mặc định là 40%), Galaxy lo phần phát hành (sở hữu ba cụm rạp tại TP.HCM cùng chức năng phát hành phim quen thuộc - tỉ lệ góp vốn 40%) và BHD lo phần sản xuất thực tế (20%). Ðội hình 4 -4 -2 này đã có một trận đấu thành công với doanh thu hiện tại là vô địch (trên 40 tỉ đồng) của Long ruồi - một phim không chiếu tết - thời điểm vàng.

Với Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, việc hợp tác được thực hiện trên cơ sở BHD chủ động tìm các đối tác sau khi đã có kịch bản (mất gần hai năm để kịch bản hoàn thiện). Bà Ngô Thị Bích Hiền - giám đốc sản xuất Công ty BHD - cho biết các đối tác tin vào BHD nên họ cũng tin vào các dự án mà BHD đã lựa chọn. Trong phim này, các đối tác đương nhiên cũng có những công việc cụ thể tùy theo từng điểm mạnh của mình trong việc sản xuất phim.

Từ năm 2009 đến nay, nhiều bộ phim đình đám của điện ảnh Việt như Những nụ hôn rực rỡ, Cô dâu đại chiến, Giữa hai thế giới, Giải cứu thần chết, Nụ hôn thần chết, Nhật ký Bạch Tuyết, Bóng ma học đường, Để Mai tính, Giao lộ định mệnh, Long ruồi, Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt... đều là những sản phẩm được sinh ra bởi sự chung lưng của nhiều hãng phim.

Doanh thu được công bố thời điểm hiện tại của Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt không là con số khủng như Long ruồi. Nhưng việc là bộ phim VN đầu tiên được Fortissimo - một trong những hãng phát hành phim lớn trên thế giới - mua quyền phát hành quốc tế của phim này, cùng với sự ra mắt lần đầu tiên trên toàn thế giới ở LHP quốc tế Toronto, tiếp sau đó tham dự LHP Vancouver và sắp tới là LHP quốc tế Berlin đã là những “doanh thu” đẹp không chỉ đối với đạo diễn Vũ Ngọc Ðãng mà với cả các đối tác đã “góp gạo thổi cơm chung”.

Hợp tác để đi đường dài

Các dự án “đẻ chung” thường là những phim không coi nhẹ mục đích thương mại. Galaxy dường như là nhà sản xuất có tên nhiều nhất trong các dự án hợp tác kiểu này bởi vừa có hệ thống rạp, vừa có chuyên môn phát hành phim và còn đều đều sản xuất phim (hệ thống rạp Megastar cũng lớn nhưng họ không sản xuất phim tính đến thời điểm này).

Bà Ngô Thị Bích Hiền cho biết BHD rất hài lòng với mọi dự án hợp tác lâu nay vì các bên cùng tiêu chí, cùng mục đích và mỗi đối tác tận dụng mọi thế mạnh của mình nên sự cộng tác rất thoải mái, đồng điệu. Bà nhấn mạnh: “Sự hợp tác đó đã và sẽ còn tiếp tục trong các bộ phim sắp tới. Ai cũng biết các nhà sản xuất phim Việt làm phim trong một tình trạng rất khó khăn về nhiều mặt như: kịch bản, thiết bị, con người, kinh phí, chưa kể với một hệ thống rạp chiếu còn ít như ở VN, phim Việt khi phát hành luôn phải cạnh tranh với phim bom tấn của nước ngoài chiếu cùng thời điểm, thế nên nhà làm phim luôn phải nghe ngóng, tính toán thời điểm phát hành sao cho thuận lợi nhất. Những nhà làm phim chúng tôi luôn có một tiêu chí chung là làm sao sản xuất được những phim VN có chất lượng tốt, tạo niềm tin cho khán giả Việt vào điện ảnh Việt, để khán giả đến rạp xem phim - đồng nghĩa với việc phim có doanh thu tốt, các nhà sản xuất phim mới có cơ hội để đi đường dài hơn”.

Ở góc độ nhà phát hành lẫn sản xuất, bà Ðinh Thanh Hương - giám đốc Galaxy - cho rằng mỗi hãng phim có một thế mạnh riêng và “chúng tôi tin rằng sự hợp tác sẽ làm phim tốt hơn, đỡ rủi ro hơn”. “Ví dụ như HKfilm, sự liên kết với họ cho chúng tôi cơ hội được ủng hộ về máy móc thiết bị tốt hơn, giá cả phải chăng hơn. Ðó cũng là cách chúng tôi chọn hợp tác với các hãng khác và tôi tin cũng là cách các hãng khác chọn chúng tôi. Ðiều duy nhất không tốt sẽ xảy ra cho sự liên kết này là khi các đối tác coi nhau là đối thủ chứ không còn là đối tác khi mỗi bên đều có những chiến lược riêng”, bà nói.

Có thể nhận thấy cuộc chơi hợp tác “đẻ chung” trong bức tranh điện ảnh toàn cảnh nước ta hiện tại là cuộc chơi của riêng tư nhân. Nhà nước đã không được dự phần trong đó. Cách các hãng phim tư nhân chụm đầu với nhau hiện tại cho thấy đối với họ, điện ảnh là một món hàng kinh doanh thuần túy lợi nhuận, và họ không muốn mạo hiểm khi ai cũng biết buôn có bạn, bán có phường. Nhưng điện ảnh còn là một nghệ thuật để người ta nhìn thế giới rộng mở hơn, rộng mở nhãn quan và trái tim của con người chứ không phải chỉ là câu chuyện kinh doanh. Nếu điện ảnh vẫn chỉ thuần túy lợi nhuận như hiện tại thì có nghĩa sản phẩm đó đã làm cho đám đông, vì đám đông. Và như thế không ngạc nhiên khi nhiều chuyên gia điện ảnh nước ngoài vẫn cho rằng điện ảnh VN không thể bàn chuyện cá tính được bởi nó cũng không thể có cá tính!

Có nghĩa là, trở lại với cách làm của nhiều nước, bên cạnh sự phát triển tự nhiên của thương mại điện ảnh (mà tư nhân đang hợp tác vận hành), vẫn rất cần bàn tay của Nhà nước hỗ trợ những nghệ sĩ làm phim tác giả, phim độc lập, phim nghệ thuật. Bởi các tác phẩm của họ khi được lựa chọn đến với các liên hoan phim quốc tế lớn trên thế giới chính là cánh cửa để thế giới thấy rằng có một ngôn ngữ điện ảnh mang bản sắc VN đang tồn tại chung trong bản đồ điện ảnh quốc tế.

Chờ cái bắt tay háo hức giữa Nhà nước và tư nhân

Thời điểm chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi đó dư luận đã một phen thất kinh khi chứng kiến cảnh các nhà làm phim chiến đấu với nhau trên các phương tiện truyền thông để mong được sở hữu dự án làm phim về vua Lý Công Uẩn với kinh phí có thể lên đến cả trăm tỉ đồng.

Nhiều kịch bản được gửi đến, nhiều dự án được vẽ ra, nhưng chính sự tranh cãi theo kiểu “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” đó đã dẫn đến việc ban tổ chức 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ngưng kế hoạch làm phim lại, không vì chạy đua với đại lễ mà vội vàng cho một phim không chắc về chất lượng ra đời! Và đến tận bây giờ dự án đó vẫn chưa được thực hiện!

Nhưng, rất nhanh chóng nắm được “cơn khát phim về vua Lý Công Uẩn”, Khát vọng Thăng Long - một phim trên danh nghĩa thì được Công ty Kỷ Nguyên Sáng “đẻ riêng” nhưng nhân sự thì phần lớn từ êkip Dòng máu anh hùng của Chánh Phương film - đã lập tức gấp rút được thực hiện. Dường như đây là lần đầu tiên tư nhân “háo hức” với đề tài phim mà người khởi xướng là Nhà nước. Nhưng tiếc thay cho đến nay cũng vẫn chỉ là lần háo hức duy nhất. Đã có nhiều đề xuất cho tư nhân tham gia sân chơi của Nhà nước bằng việc công khai đấu thầu các đề tài, điện ảnh mà Nhà nước chủ trương rót tiền. Và việc đó đến nay cũng lại vẫn chưa khả thi, một phần vì kịch bản được duyệt nhiều khi hãng phim nhà nước cũng từ chối làm chứ đừng nói đến tư nhân sẽ mặn mà... Mà Nhà nước thì có thể ngồi đó không làm gì chứ tư nhân thì không thể, họ vẫn phải tìm kiếm cơ hội để tiếp tục làm phim dù riêng hay chung.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên