23/12/2020 11:53 GMT+7

Khi khoa học không xa lạ với sinh viên

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TTO - Nghiên cứu khoa học vẫn đầy sức hút với không ít sinh viên TP.HCM khi nhiều bạn đã phát triển ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm khởi nghiệp ngay khi còn đang học.

Khi khoa học không xa lạ với sinh viên - Ảnh 1.

Sinh viên tham quan gian hàng với các sản phẩm sáng tạo trong Ngày sinh viên sáng tạo năm 2020 mới đây - Ảnh: Q.NG.

Có thể nhắc ngay đến Phạm Mạnh Đình, hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhưng đã thành lập công ty với sản phẩm khởi nghiệp được hiện thực hóa từ ý tưởng nghiên cứu đã theo đuổi gần ba năm qua: gạch lát nền và ngói lợp từ rác thải nhựa tái chế và cát.

Khoa học là niềm vui

Mạnh Đình bắt đầu ý tưởng từ câu hỏi có cách nào tái sử dụng lượng rác thải bao nilông, vỏ chai nhựa thải ra môi trường rất lớn hiện nay nhưng không dễ phân hủy. 

Anh chàng cùng một bạn học khác mày mò suốt nhiều tháng trời để tìm ra tỉ lệ hợp lý pha trộn giữa bao nilông nung chảy với cát và cho ra sản phẩm đầu tiên: gạch lát nền.

Thành quả của gần ba năm đeo đuổi nghiên cứu, đến nay Đình đã hoàn thiện gạch và ra đời thêm sản phẩm mới là ngói lợp từ nguyên liệu tương tự. "Nếu không được TS Lê Anh Thắng hướng dẫn, sự hỗ trợ của các thầy cô khác và tạo điều kiện của trường, có lẽ mình và các bạn đã không thể hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm như hiện tại" - Đình thổ lộ.

Tương tự, Huỳnh Thị Thúy Ngân (vừa tốt nghiệp dược sĩ) cùng các bạn khoa dược Trường ĐH Y dược TP.HCM sau nhiều ngày mất ăn mất ngủ đã mỉm cười với sản phẩm viên nang có công dụng giảm cân, giảm mỡ bụng, mỡ máu, mỡ gan cao từ nguyên liệu là quả bưởi non vốn bị nông dân tỉa bớt và bỏ đi. 

Quả bưởi non xanh rì, đắng nghét, qua nhiều công đoạn thử nghiệm với những thông số về nhiệt độ sấy, độ mịn, độ ẩm khác nhau đã tạo ra bột bưởi non. Đó là nguyên liệu chính trộn với tá dược theo tỉ lệ hợp lý qua quy trình bào chế cho ra viên nang với công dụng kể trên.

Bạn Quang Trọng Minh (Trường ĐH Mở TP.HCM) nói dấn thân vào nghiên cứu không chỉ thỏa đam mê mà còn giúp sinh viên mở mang kiến thức. Minh đã có bốn bài báo công bố quốc tế, trong đó một bài là tác giả chính, hai bài công bố hội nghị khoa học trong nước mà một bài là tác giả chính, còn lại là đồng tác giả. 

"Có lợi nhiều thứ lắm, đọc tài liệu giúp bạn cập nhật cái mới, bổ sung điều còn thiếu. Mình thích không chỉ tính logic mà còn là mối liên kết cùng nhau một cách tử tế, làm việc nghiêm túc trong khoa học" - Minh chia sẻ.

Khởi nghiệp từ ý tưởng sinh viên

Mạnh Đình đã thành lập công ty để phát triển dòng sản phẩm gạch, ngói và lấy tên là Pando mà anh chàng trong vai trò tổng giám đốc. 

Công ty hiện có vài chục nhân viên, trong đó tám thành viên nòng cốt đến từ nhiều trường khác nhau, có bạn đã tốt nghiệp mà nói theo cách của anh chàng là "mỗi bạn từng chuyên ngành phù hợp để vận hành và phát triển công ty chuyên nghiệp hơn".

Điều đáng quý, các bạn hướng đến mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ với sản phẩm làm ra trước tiên phải đảm bảo mang lại giá trị cho cộng đồng xã hội, góp phần giải quyết bài toán rác thải nhựa đang làm đau đầu nhà quản lý. 

"Tụi mình sẽ phát triển theo hướng nhượng quyền thương mại, chuyển giao công nghệ với kỳ vọng cách này có thể mang thương hiệu đi xa, nhiều người biết tới để cùng chung tay giải quyết bài toán môi trường trước hết" - Đình phân tích.

Trong khi đó, Huỳnh Thị Thúy Ngân cùng nhóm bạn Trường ĐH Y dược TP.HCM tính toán đăng ký kết quả nghiên cứu sản xuất viên nang bưởi non lưu hành như một loại thực phẩm chức năng. 

Quá trình này sẽ giúp thu thập dữ liệu, ghi nhận thông tin của người dùng về các chỉ số y học chứng cứ xem thay đổi thế nào, so sánh giữa lúc dùng và không dùng sản phẩm.

Đó cũng là mẫu thử, căn cứ quan trọng để sản phẩm đăng ký thẩm định với cơ quan quản lý trước khi đảm bảo đủ chứng nhận về một loại thuốc có giá trị lưu hành, điều trị cho người béo phì, mỡ bụng, mỡ máu, mỡ gan cao... vì thành phần hoạt chất, tác dụng của nguyên liệu quả bưởi non đã được ghi nhận rồi. 

Các bạn kỳ vọng sẽ nhận được hỗ trợ, cả tài chính để nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện và nâng cao tính an toàn của sản phẩm cho người dùng.

24.564

Đây là con số đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của sinh viên TP.HCM được tổng hợp từ các trường trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka đã mở rộng quy mô cho sinh viên toàn quốc, trở thành sân chơi khoa học thu hút mỗi năm cả nghìn đề tài của sinh viên cả nước được các trường tuyển chọn gửi dự giải.

Cũng vậy, Ngày sinh viên sáng tạo hằng năm đã mở rộng cho sinh viên phía Nam, kết nối và triển lãm nhiều mô hình, sản phẩm sáng tạo của sinh viên. Chưa kể hiện có 412 câu lạc bộ học thuật với đa dạng mô hình, cách làm khác nhau, thu hút đông đảo sinh viên các trường đến với hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học.

10 thanh niên làm khoa học xuất sắc nhận giải thưởng 10 thanh niên làm khoa học xuất sắc nhận giải thưởng 'Quả cầu vàng' năm 2020

TTO - 10 thanh niên làm khoa học xuất sắc trên 5 lĩnh vực công nghệ thông tin, y dược, sinh học, môi trường, vật liệu mới đã vinh dự nhận giải thưởng 'Quả cầu vàng' năm 2020.

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên